Sáng 3/11: Đắk Lắk ghi nhận trường hợp trở về từ Nam Phi nghi mắc đậu mùa khỉ

  • 2022/11/03 03:23

Ca COVID-19 tăng nhẹ trong mấy ngày qua; Báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cho thấy trên địa bàn tỉnh vừa ghi nhận một trường hợp người dân biểu hiện mụn đỏ ở người sau khi đi du lịch Nam Phi về, nghi mắc đậu mùa khỉ..

Đắk Lắk ghi nhận trường hợp trở về từ Nam Phi nghi mắc đậu mùa khỉ

Trao đổi với phóng viên báo Sức khỏe và Đời sống sáng 3/11, đại diện Lãnh đạo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết Cục đã nhận được báo cáo của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk về trường hợp nghi mắc đậu mùa khỉ tại tỉnh Đắk Lắk. Cục đã có những chỉ đạo về công tác phòng chống dịch theo đúng quy định.

Về trường hợp nghi mắc đậu mùa khỉ này, theo thông tin trên Cổng thông tin điện tử y tế Đắk Lắk của Sở Y tế Đắk Lắk ngày 2/11 cho biết, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk, trên địa bàn tỉnh vừa ghi nhận một trường hợp người dân biểu hiện mụn đỏ ở người sau khi đi du lịch Nam Phi về.

Trường hợp bệnh nhân là nam, SN 1963, trú tại huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk. Theo lời khai của bệnh nhân, ngày 19/10/2022 bệnh nhân đi máy bay từ Việt Nam sang đất nước Nam Phi để du lịch. Trong thời gian du lịch bệnh nhân đi nhiều nơi và tiếp xúc, nói chuyện, bắt tay với nhiều người.


Đắk Lắk ghi nhận trường hợp trở về từ Nam Phi nghi mắc đậu mùa khỉ.

Ngày 26/10, bệnh nhân đi máy bay về lại Viêt Nam (sân bay Nội Bài) có quá cảnh tại sân bay Singapore, sau đó đi máy bay về tỉnh Đắk Lắk. Từ ngày 26/10 đến ngày 01/11 bệnh nhân có tiếp xúc với mọi người trong gia đình và người xung quanh.

Đến ngày 1/11, bệnh nhân có biểu hiện đau mỏi các khớp và xuất hiện nhiều nốt mụn đỏ ở bụng và lưng, bệnh nhân đã thực hiện khai báo y tế và tự cách ly tại nhà. Hiện tại bệnh nhân khỏe mạnh, không sốt, đau mỏi các khớp toàn thân, nổi nhiều mụn đỏ ở bụng và lưng. Những trường hợp tiếp xúc gần chưa có biểu hiện bất thường khác.

Nhận được thông tin, ngành Y tế đã nhanh chóng triển khai các biện pháp phòng chống bệnh, điều tra, xác minh trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, tư vấn cho bệnh nhân và người nhà thực hiện việc cách ly phòng chống dịch bệnh đậu mùa khỉ và truyền thông kiến thức phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ cho gia đình, cộng đồng xung quanh.

Đồng thời lấy mẫu dịch từ vết tổn thương mụn đỏ trên da và ngoáy họng của bệnh nhân gửi Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên làm xét nghiệm.

Trước việc ghi nhận một trường hợp bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng và các yếu tố dịch tễ phù hợp chẩn đoán bệnh đậu mùa khỉ trên địa bàn tỉnh, Sở Y tế Đắk Lắk đã có Công văn khẩn chỉ đạo các hoạt động phòng, chống dịch bệnh.

Trong đó, chỉ đạo các đơn vị khẩn trương tổ chức rà soát, các trường hợp đến địa phương có yếu tố dịch tễ bệnh đậu mùa khỉ; Duy trì các đội phản ứng nhanh tại đơn vị và các bệnh viện, Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố; Triển khai thực hiện phương án phòng chống dịch bệnh đậu mùa khỉ tại địa phương; Chủ động, phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng triển khai các biện pháp tuyên truyền cụ thể về việc sử dụng khẩu trang y tế đúng quy định, các kiến thức phòng chống dịch cơ bản để người dân hiểu và tự chủ động phòng tránh; Chuẩn bị sẵn sàng về trang thiết bị và hậu cần để đáp ứng kịp thời công tác phòng chống dịch.

Tiếp tục triển khai các hoạt động chuyên môn y tế và biện pháp giám sát cộng đồng, xử lý kịp thời ngay từ khi phát hiện; tăng cường giám sát y tế.

Các Bệnh viện, cơ sở điều trị đã thực hiện triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo về công tác phòng chống dịch bệnh đậu mùa khỉ của Bộ Y tế, UBND tỉnh và của Sở Y tế, tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền các biện pháp phòng chống bệnh đậu mùa khỉ cho nhân viên y tế, người bệnh và người nhà khi đến khám chữa bệnh.

Riêng đối với Trung tâm Y tế huyện Cư M'gar, Sở Y tế yêu cầu Trung tâm y tế tiếp tục giám sát, theo dõi tình hình dịch bệnh tại địa phương, báo cáo về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật theo đúng quy định; Tăng cường công tác truyền thông phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ và phối hợp các cơ quan đoàn thể liên quan có hướng xử lý kịp thời không để dịch bệnh bùng phát ra cộng đồng.

Số ca mắc COVID-19 mới lại tăng

Bộ Y tế cho biết, ngày 2/11 ca COVID-19 mới tăng vọt lên 756, gần gấp đôi ngày trước đó; trong ngày có gần 350 bệnh nhân khỏi và 1 trường hợp tại Tây Ninh tử vong.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.504.091 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.257 ca nhiễm)

Đến nay tổng số người mắc COVID-19 ở nước ta đã được điều trị khỏi: 10.603.942 ca, trong số hơn 850 nghìn người đang theo dõi, giám sát hiện có 53 bệnh nhân đang thở oxy là 53 ca, trong đó: Thở oxy qua mặt nạ: 43 ca; Thở oxy dòng cao HFNC: 4 ca; Thở máy xâm lấn: 6 ca. Con số này giảm gần 10 ca so với ngày trước đó.

Tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, chưa ổn định và khó dự đoán. Miễn dịch đáp ứng do mắc bệnh hoặc tiêm chủng giảm dần theo thời gian. Đồng thời, virus liên tục biến đổi với các biến chủng mới, biến chủng phụ tiềm ẩn khả năng lây lan nhanh, tránh được miễn dịch, giảm hiệu quả điều trị, không loại trừ nguy cơ tăng nặng, tử vong trở lại.

Do đó, cần tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, hỗ trợ địa phương đẩy nhanh tiêm vaccine phòng COVID-19, nhất là mũi 3, mũi 4 cho người từ 12 tuổi trở lên; tiêm đủ 2 mũi cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi theo mục tiêu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả

Tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch, sự xuất hiện của các biến chủng mới; thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để cập nhật thông tin kịp thời, chính xác về các biến chủng.

Người mắc COVID-19 nghiêm trọng có thể có nguy cơ mắc các triệu chứng hậu COVID-19 cao hơn

Tổng số ca mắc COVID-19 trên thế giới hơn 635,8 triệu ca, trên 6,59 triệu ca tử vong.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Châu Âu (ECDC) ngày 31/10/2022 cho biết những người mắc COVID-19 nghiêm trọng hơn có thể có nguy cơ mắc các triệu chứng sau COVID-19 cao hơn, một loạt các triệu chứng thể chất và tâm lý đã được báo cáo bởi các cá nhân ít nhất 12 tuần sau khi nhiễm SARS-CoV-2.

Tuy nhiên, các ước tính về tỷ lệ hiện mắc các triệu chứng phải được diễn giải một cách thận trọng vì phần lớn các nghiên cứu thiếu các nhóm so sánh không bị nhiễm, điều này có thể dẫn đến việc đánh giá quá cao các triệu chứng đặc biệt do nhiễm SARS-CoV-2 trước đó.

Theo báo SKĐS