Sáng 8/8: Theo dõi chặt các biến thể mới lây lan nhanh của COVID-19

  • 2022/08/08 03:29

Trong nước đã ghi nhận biến thể phụ BA.4, BA.5, đặc biệt tại các tỉnh phía Nam các biến thể này bắt đầu chiếm ưu thế; Bộ Y tế và các địa phương tiếp tục tập trung theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, nhất là sự xuất hiện các biến thể mới của COVID-19; Cùng đó nhiều tỉnh lên phướng án 'ngăn' dịch bệnh đậu mùa khỉ.

Theo dõi chặt các biến thể mới lây lan nhanh, có khả năng làm giảm miễn dịch của COVID-19

Bộ Y tế cho biết ngày 7/8 có 1.381 ca COVID-19 mới, giảm hơn 200 ca so với ngày trước đó; Trong ngày gần 8.600 bệnh nhân khỏi, tiếp tục không có F0 tử vong. 

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.347.518 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 114.424 ca nhiễm).

Đến nay tổng số người mắc COVID-19 ở nước ta đã khỏi là: 9.973.122 ca; Số bệnh nhân đang thở ô xy là 43 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 38 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 3 ca; Thở máy xâm lấn: 2 ca.

Theo Bộ Y tế, trên thế giới, biến thể phụ BA.4, BA.5 của chủng Omicron có khả năng lây lan nhanh hơn 12% so với biến thể BA.2 đã ghi nhận tại nhiều quốc gia, do đó trong thời gian tới số ca mắc với biến thể BA.5 sẽ tiếp tục gia tăng. Các biến thể mới liên tục xuất hiện hoặc tiến hóa, mới nhất là BA.2.75, BA.2.12.1 có khả năng làm giảm miễn dịch qua thời gian và có thể làm dịch bùng phát trở lại.


Đo thân nhiệt người ra/vào để giám sát dịch bệnh Ảnh minh hoạ

Trong nước đã ghi nhận biến thể phụ BA.4, BA.5, đặc biệt tại các tỉnh phía Nam các biến thể này đã bắt đầu chiếm ưu thế; tỷ lệ tiêm vaccine mũi 3, mũi 4 và tiêm cho trẻ em tại một số nơi còn thấp. Số ca mắc đang gia tăng trở lại và có xu hướng tiếp tục tăng có thể gây quá tải hệ thống y tế, nhất là trong bối cảnh nguy cơ xảy ra "dịch chồng dịch" do một số bệnh dịch lưu hành khác (cúm A, sốt xuất huyết, tay chân miệng...) đang trong mùa cao điểm và khả năng xâm nhập của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi (đậu mùa khỉ, viêm gan cấp tính...).

Quán triệt mục tiêu đặt tính mạng của người dân lên trên; thực hiện hiệu quả việc kiểm soát dịch bệnh trên quan điểm phòng dịch từ sớm, từ xa, từ cơ sở; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, không để dịch bùng phát trở lại nhằm góp phần tạo điều kiện cho việc phục hồi, phát triển kinh tế xã hội; trong thời gian tới các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục tập trung theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, nhất là sự xuất hiện của các biến thể mới của COVID-19, thường xuyên đánh giá, phân tích tình hình và các yếu tố nguy cơ; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó và triển khai đáp ứng với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch; kịp thời cập nhật, bổ sung các hướng dẫn chuyên môn và hỗ trợ địa phương trong phòng chống dịch COVID-19.

Tiếp tục tăng cường chỉ đạo đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả; chỉ đạo đẩy mạnh việc vận động, khuyến khích người

Các địa phương tăng cường phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ trên tinh thần "sớm hơn một bước, cao hơn một mức"

Mặc dù đến thời điểm này tại Việt Nam vẫn chưa ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ  tuy nhiên với phương châm tăng cường phòng, chống bệnh này trên tinh thần "sớm hơn một bước, cao hơn một mức", không để xảy ra tình trạng dịch chồng dịch, nhiều địa phương đã ban hành các văn bản yêu cầu chủ động phòng chống dịch.

Nhằm chủ động ứng phó với dịch bệnh đậu mùa khỉ, không để xảy ra tình trạng dịch chồng dịch, TP Hải Phòng đã xây dựng các phương án ứng phó, xử lý và kêu gọi sự tham gia của các cấp địa phương trên địa bàn.

Cụ thể, UBND TP Hải Phòng giao các đơn vị địa phương, các cấp, ngành, đoàn thể quyết liệt, huy động tham gia vào công tác phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ, chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. 

Sở Y tế có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế phối hợp với các cơ quan liên quan giám sát chặt chẽ dịch ngay tại các cửa khẩu, phát hiện sớm, điều trị kịp thời người mắc, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong, xử lý triệt để ổ dịch. Đồng thời, tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến theo hướng dẫn của Bộ Y tế, lập đường dây nóng, tiếp nhận thông tin và sẵn sàng hỗ trợ người dân về bệnh đậu mùa khỉ.

Đối với thuốc, trang thiết bị, nhân lực, kinh phí ..., phải luôn sẵn sàng để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch; tiếp nhận và điều trị các trường hợp mắc bệnh; chủ động xây dựng kế hoạch, kịch bản, thậm chí tổ chức diễn tập theo các tình huống để sẵn sàng đáp ứng khi dịch bệnh xảy ra.

Đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức, chủ động phát hiện và khai báo với các cơ quan y tế khi có triệu chứng nghi ngờ, mắc bệnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu vừa ban hành Công văn về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh giao cho Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh đậu mùa khỉ để phát hiện sớm, điều trị kịp thời người mắc, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong, xử lý triệt để ổ dịch; sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, nhân lực, kinh phí để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, tiếp nhận và điều trị các trường hợp mắc bệnh; chủ động xây dựng kế hoạch, kịch bản đáp ứng, tổ chức diễn tập theo các tình huống để sẵn sàng đáp ứng trong trường hợp dịch bệnh xảy ra. 

Tỉnh chỉ đạo tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến theo hướng dẫn của Bộ Y tế; thiết lập đường dây nóng, nơi tiếp nhận thông tin đế tư vấn, hỗ trợ người dân về bệnh đậu mùa khỉ.

Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với các cơ quan báo, đài địa phương thông tin tuyên truyền bằng nhiều hình thức tới người dân, cộng đồng về tình hình dịch bệnh và các biện pháp dự phòng dịch bệnh đậu mùa khỉ theo khuyến cáo của Bộ Y tế; lưu ý khuyến cáo người dân chủ động khai báo với các cơ quan y tế khi có triệu chứng nghi ngờ, mắc bệnh; thông báo đường dây nóng, nơi tiếp nhận thông tin để tư vấn, hỗ trợ người dân về bệnh đậu mùa khỉ.

Tổng số ca mắc COVID-19 trên thế giới hơn 589,1 triệu ca, trên 6,4 triệu ca tử vong. Trong vòng một tuần qua, tính từ ngày 31/7 đến 6/8, thế giới ghi nhận 5,9 triệu ca mắc và 15.068 ca tử vong vì COVID-19. Số ca mắc COVID-19 giảm 13%, số ca tử vong giảm 7% so với tuần trước đó.

Biến thể phụ BA.4. BA.5 vẫn đang chiếm ưu thế gây nên các ca mắc COVID-19 mới tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Cũng trong tuần qua, CDC Mỹ cho biết đang theo dõi biến thể đáng lo ngại có khả năng lây truyền cao mang tên BA.4.6

Trong tuần qua, bệnh đậu mùa khỉ tiếp tục diễn biến phức tạp, phủ gam màu xám lên bức tranh y tế toàn cầu.

Theo hãng tin Reuters (Anh), Hôm 4/8, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo số ca bệnh trên toàn cầu tăng khoảng 19% trong tuần qua. Kể từ đầu tháng 5/2022 đến nay, thế giới đã ghi nhận trên 26.500 ca bệnh đậu mùa khỉ tại gần 80 quốc gia, trong đó phần lớn ở châu Âu. Trên thực tế, con số lây nhiễm có thể cao hơn nhiều do một số nước hạn chế về năng lực xét nghiệm đậu mùa khỉ.

Trong diễn biến đáng chú ý, Mỹ - "điểm nóng" về bệnh đậu mùa khỉ - đã tuyên bố dịch bệnh này là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng khi ghi nhận trên 6.600 ca mắc.

Tại châu Á, giới chức y tế Thái Lan ngày 5/8 xác nhận trường hợp phụ nữ đầu tiên mắc bệnh đậu mùa khỉ ở nước này và là ca bệnh thứ 4 được ghi nhận kể từ tháng 7. Giới chức y tế thủ đô New Delhi của Ấn Độ cũng thông báo ghi nhận một ca bệnh đậu mùa khỉ ở phụ nữ người nước ngoài vào hôm 4/8.

Theo báo SKĐS