Bệnh viện Bãi Cháy liên tiếp cấp cứu học sinh bị tai nạn thương tâm? Vậy làm cách nào để phòng tránh tai nạn giao thông cho học sinh

  • 2023/03/14 07:32

Mới đây, Bệnh viện Bãi Cháy liên tiếp tiếp nhận 02 trường hợp là học sinh cấp THCS bị tai nạn giao thông dẫn đến tử vong, 01 em đang học lớp 7, một em đang học lớp 8 thuộc các trường THCS trên địa bàn thành phố Hạ Long.


Các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy cấp cứu bệnh nhân do TNGT.

Cả hai trường hợp trên đi xe gắn máy tự gây tai nạn, sau tai được đưa đến bệnh viện trong tình trạng ngừng thở, ngừng tim, sau khi được các bác sĩ, điều dưỡng của Bệnh viện Bãi Cháy tích cực cấp cứu, tuy nhiên do tình trạng chấn thương nặng, tổn thương nhiều cơ quan quan trọng nên đã tử vong sau đó.

Trách nhiệm của phụ huynh học sinh và nhà trường trong việc phòng tránh tai nạn giao thông cho học sinh như thế nào?

Theo các chuyên gia, tai nạn thương tích là một sự kiện xảy ra bất ngờ ngoài ý muốn do một tác nhân bên ngoài gây nên các tổn thương, thương tích cho cơ thể về thể chất hay tâm hồn của nạn nhân.

Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới cho biết, mỗi năm trên toàn cầu có hơn 900.000 trẻ em và vị thành niên dưới 18 tuổi tử vong do thương tích. Trong đó, 95% tử vong do thương tích trẻ em xảy ra ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình. Ngoài những ca tử vong, hàng chục triệu trẻ em đòi hỏi phải được chăm sóc tại các cơ sở y tế và nhiều trẻ bị tàn tật suốt đời.

Tại Việt Nam, thống kê của Bộ Y tế cho thấy, mỗi năm trung bình có hơn 370.000 trẻ bị tai nạn thương tích. Trong đó, nhóm tuổi từ 15-19 chiếm tỷ lệ cao nhất chiếm 43%, tiếp đến nhóm tuổi 5-14 chiếm 36,9%, thấp nhất là nhóm tuổi 0-4 chiếm 19,5%. Số trẻ em tử vong do tai nạn thương tích là 6.600 trường hợp/năm, chiếm tỷ lệ 35,5% trong tổng số trẻ tử vong trong toàn quốc do tất cả các nguyên nhân. Các em trai có xu hướng bị thương tích thường xuyên hơn và nghiêm trọng hơn so với các em gái.

Nguyên nhân dẫn đến tai nạn thương tích ở trẻ do các em thường hiếu động, thích tò mò, nghịch ngợm và chưa có kiến thức, kỹ năng phòng, tránh. Những năm qua, một số nguy cơ tai nạn thương tích như ngã, bỏng, tai nạn giao thông… có chiều hướng gia tăng. Tai nạn thương tích là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong và gây ra những biến chứng trầm trọng ở trẻ cả về sức khỏe và về tình thần. Chính vì vậy, việc đảm bảo an toàn phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ là nhiệm vụ vô cùng quan trọng trong việc chăm sóc giáo dục trẻ.

Để phòng tránh tan nạn thương tích cho trẻ, trước tiên phụ huynh cần dạy cho trẻ hiểu tai nạn thương tích là khó tránh khỏi trong cuộc sống, điều quan trọng là biết cách xử lý ra sao. Trẻ cần phân biệt, nhận biết những nơi có thể gây nguy hiểm; biết thận trọng khi chơi với những đồ vật có thể gây nguy hiểm như: cây, gậy, dao, kéo, súng đồ chơi; biết cách phòng tránh và xử lý khi bị ngã, chảy máu. Ngoài ra, trẻ cần biết cách tìm sự trợ giúp khi xảy ra các tình huống tai nạn. Trường hợp phát hiện có trẻ bị tai nạn thương tích, người dân cần sơ cứu rồi chuyển đến cơ sở y tế gần nhất.

Đặc biệt, cần nhận thức sâu sắc rằng gia đình là trường học đầu tiên và cực kỳ quan trọng đối với thanh, thiếu niên trong việc hình thành văn hóa khi tham gia giao thông. Các bậc phụ huynh cần quản lý chặt chẽ phương tiện, không giao xe cho con em mình điều khiển khi chưa có giấy phép lái xe; nhắc nhở con em mình phòng tránh các tình huống giao thông nguy hiểm, tuân thủ đúng Luật Giao thông đường bộ, kể cả đi bộ; khi đưa đón con em, cần chấp hành tốt Luật Giao thông để làm gương;…. Phát hiện học sinh vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, các bậc phụ huynh cần thông báo ngay cho nhà trường hoặc giáo viên chủ nhiệm biết để kịp thời phối hợp giáo dục.

Minh Khương