Sử dụng thuốc như thế nào trước và sau tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19?
Những dấu hiệu thông thường của cơ thể đáp ứng miễn dịch sau tiêm vắc xin phòng Covid-19 thường gặp là sốt, mệt mỏi, đau đầu, ớn lạnh, đau cơ, đau khớp, tăng cảm giác đau, ngứa, sưng, đỏ, đau tại chỗ tiêm, bồn chồn…Vậy người tiêm chủng vắc xin Covid-19 cần lưu ý sử dụng thuốc trước và sau tiêm chủng như thế nào để giảm nhẹ các triệu chứng này mà không ảnh hưởng đến hiệu quả miễn dịch của vắc xin?!
Thực hiện chiến dịch tiêm chủng Vắc xin của tỉnh Quảng Ninh, theo phân bổ của Sở Y tế, Bệnh viện Bãi Cháy đã tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh, cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên làm việc trong các cơ quan của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở ban ngành trực thuộc tỉnh; lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch (nhân viên y tế, Thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, phóng viên các cơ quan báo chí địa phương và thường trú trung ương trên địa bàn tỉnh); đối tượng cung cấp dịch vụ thiết yếu: hàng không, vận tải, du lịch, cung cấp dịch vụ điện, nước…Hơn 8000 mũi tiêm với bốn loại vắc xin được Bộ Y tế cấp phép là Astrazeneca, Vro-cell, Comirnaty (Pfizer/BioNTech), Moderna đã được bệnh viện thực hiện tiêm an toàn, đúng tiến độ, không ghi nhận trường hợp phản ứng nặng sau tiêm.
Một số hình ảnh tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 tại Bệnh viện Bãi Cháy
Những phản ứng người bệnh có thể gặp sau tiêm vắc xin Covid-19
Người tiêm chủng có thể gặp các dấu hiệu thông thường: sốt, mệt mỏi, đau đầu, ớn lạnh, đau cơ, đau khớp, tăng cảm giác đau, ngứa, sưng, đỏ, đau tại chỗ tiêm, bồn chồn…
Dấu hiệu thông thường diễn biến nặng lên như sốt cao >=39 độC, sưng/đỏ lan rộng tại chỗ tiêm, đau cơ dữ dội, tăng huyết áp hoặc tụt huyết áp, kẹt huyết áp…
Các phản ứng nghiêm trọng sau tiêm vắc xin phòng Covid-19 như: Ở miệng (tê quanh môi hoặc lưỡi…), Ở da (Phát ban, môi mẩn đỏ, tím tái hoặc đỏ da…), Ở họng (Ngứa, căng cứng, tắc nghẹn, khản đặc…); Đường tiêu hóa (nôn, tiêu chảy, đau quặn bụng…); Đường hô hấp (thở dốc, thở khò khè, thở rít, khó thở, cảm giác nghẹt thở, ho…); Toàn thân (mạch yếu, chóng mặt, choáng/xây xẩm, cảm giác muốn ngã, chân tay co quắp…).
Lưu ý sử dụng thuốc trước và sau tiêm chủng
Theo lời khuyên của bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy, trước và sau tiêm chủng, người bệnh cần lưu ý:
Không tự ý dùng thuốc giảm đau, hạ sốt, corticoid… trước khi tiêm vắc xin phòng Covid-19
Những người đang điều trị bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch… vẫn tiếp tục dùng thuốc đầy đủ theo đơn. Không sử dụng rượu bia, chất kích thích ít nhất 3 ngày trước và sau tiêm chủng vì có thể ảnh hưởng đến huyết áp, nhịp tim và gây khó khăn khi theo dõi các phản ứng bất lợi sau tiêm chủng. Chế độ ăn đảm bảo đủ dinh dưỡng, uống nhiều nước, ngủ đủ giấc để có cơ thể khỏe mạnh và đáp ứng miễn dịch tốt nhất khi được tiêm chủng.
Sau tiêm chủng, nếu người được tiêm sốt dưới 38,5 độ C có thể cởi bớt, nới lỏng quần áo, chườm/lau bằng khăn ấm tại trán, hố nách, bẹn, uống đủ nước, không để nhiễm lạnh, đo lại nhiệt độ sau 30 phút.
Người được tiêm sốt từ 38,5 độ trở lên hoặc đau mỏi người, đau tại chỗ tiêm thì có thể sử dụng thuốc hạ sốt, giảm đau thông thường chứa paracetamol/acetaminophen theo chỉ dẫn của cán bộ y tế. Trường hợp không cắt được sốt hoặc sốt lại trong vòng 2 tiếng cần thông báo ngay cho nhân viên y tế và đến cơ sở y tế gần nhất.
Nếu thấy sưng, đỏ, đau, nổi cục nhỏ tại vị trí tiêm: Người được tiêm cần tiếp tục theo dõi, nếu sưng to nhanh thì đi khám ngay, tuyệt đối không bôi đắp bất cứ thứ gì lên chỗ sưng đau ở vị trí tiêm (ví dụ: thuốc đắp từ thảo dược, lá cây hay thuốc mỡ…).
Khi về nhà, nơi làm việc, người được tiêm phải có người hỗ trợ bên cạnh 24/24 giờ, ít nhất là trong 3 ngày đầu tiên sau tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19; chủ động theo dõi sức khỏe của bản thân sau tiêm nghiêm ngặt trong vòng 3 tuần, kịp thời thông báo cho cán bộ tiêm chủng và đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám, chẩn đoán, xử trí kịp thời với những phản ứng nặng, nghiêm trọng.
Vắc xin là vũ khí hữu hiệu giúp phòng ngừa Covid-19, dù đã được tiêm vắc xin, người được tiêm vắc xin vẫn rất cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng bệnh khác, đặc biệt là thực hiện biện pháp 5K để bảo vệ bản thân, gia đình, đồng nghiệp và cộng đồng.
Mạc Thảo – Nguyễn Sơn