Can thiệp cấy máy tạo nhịp vĩnh viễn cấp cứu thành công cho cụ bà 76 tuổi bị Hội chứng suy nút xoang
Các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy Quảng Ninh vừa can thiệp cấy máy tạo nhịp
vĩnh viễn cấp cứu thành công cho cụ bà 76 tuổi bị Hội chứng suy nút xoang/tăng
huyết áp.
Theo đó, cụ L.T.Q (76 tuổi), thường trú tại phường Ninh Dương, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Vào bệnh viện Bãi Cháy với triệu chứng mệt mỏi, tức ngực. Sau khi thăm khám và thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng, đeo holter điện tâm đồ 24h có khoảng ngừng xoang dài. Cụ được chẩn đoán Hội chứng suy nút xoang/tăng huyết áp và có chỉ định đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn.
Máy tạo nhịp được đặt thành công cho bệnh nhân.
Kíp can thiệp do Thạc sĩ, bác sĩ Đinh Danh
Trình, Phó trưởng Khoa Tim mạch cùng ê kíp đã thực hiện thành công việc đặt máy tạo nhịp cho
người bệnh sau hơn 1 giờ can thiệp.
Hiện tại, sau 1 tuần can thiệp các thông số kỹ thuật của máy ổn định, sức khỏe cụ tiến triển tốt và được xuất viện.
Bệnh nhân được bác sĩ Khoa tim mạch, Bệnh viện Bãi Cháy kiểm tra lại trước khi xuất viện.
Thạc sĩ, bác sĩ Đinh Danh Trình, Phó trưởng Khoa Tim mạch – Bệnh viện Bãi Cháy cho biết: Hội chứng suy nút xoang là một hội chứng do rối loạn chức năng nút xoang bao gồm các bất thường chủ yếu là rối loạn hình thành xung động tại nút xoang, rối loạn dẫn truyền xung động từ nút xoang ra cơ nhĩ. Các rối loạn trên có thể gây ra các dạng suy nút xoang bao gồm: Ngừng xoang, Nhịp chậm xoang, Block xoang nhĩ, Hội chứng nhịp nhanh nhịp chậm.
Thạc sĩ, bác sĩ Đinh Danh Trình, Phó trưởng Khoa Tim mạch – Bệnh viện Bãi Cháy.
Hội chứng suy nút xoang còn có các triệu chứng
như: Ngất, đau ngực, triệu chứng suy tim, đánh trống ngực. Nếu người bệnh không
được phát hiện kịp thời và điều trị can thiệp thích hợp sẽ dẫn triệu chứng xỉu,
ngất, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
Cấy máy tạo nhịp vĩnh viễn là phương pháp điều trị
hiệu quả đối với các rối loạn nhịp chậm không có khả năng hồi phục và có các
triệu chứng trên lâm sàng. Đây là phương pháp tim mạch can thiệp tối thiểu qua
đường mạch máu (từ tĩnh mạch dưới đòn trái hoặc phải), bác sĩ cấy ghép các dây
điện cực vào tim (tâm nhĩ phải, tâm thất phải và có thể cả tâm thất trái), sau
đó kết nối với thân máy tạo nhịp được vùi ngay dưới da vùng hạ đòn bên trái
hoặc bên phải của người bệnh. Bệnh nhân được gây tê tại chỗ, hoàn toàn tỉnh táo
trong quá trình làm can thiệp nên quá trình hậu phẫu rất nhẹ nhàng.
Kỹ thuật cấy máy tạo nhịp vĩnh viễn được triển khai thường quy tại Bệnh viện Bãi Cháy Quảng Ninh từ nhiều năm nay. Nhờ ứng dụng triển khai hiệu quả kỹ thuật này mà nhiều bệnh nhân bị rối loạn nhịp chậm (Hội chứng nút xoang bệnh lý, Block nhĩ thất); bệnh nhân mắc các hội chứng rối loạn nhịp di truyền (Hội chứng QT kéo dài bẩm sinh, Hội chứng Brugada…) hoặc những bệnh nhân suy tim nặng có mất đồng bộ giữa các buồng tim… tránh được biến chứng nguy hiểm, giảm nguy cơ đột tử và giúp cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống về sau cho người bệnh.
Minh Khương