Chăm sóc thiết yếu bà mẹ, trẻ sơ sinh trong và ngay sau đẻ- nâng cao chất lượng dịch vụ sinh sản tại Bệnh viện Bãi Cháy
Các bước quan trọng và cần thiết trong quy trình chăm sóc thiết yếu bà mẹ, trẻ sơ sinh trong và ngay sau đẻ có thể kể đến như cho trẻ da kề da, bú mẹ sớm hay tiêm vào bắp đùi cho mẹ 10 đơn vị oxytocin….Hiểu được tầm quan trọng của hoạt động này, Khoa Sản, Bệnh viện Bãi Cháy đã thực hiện nhiều năm quy trình chăm sóc thiết yếu bà mẹ, trẻ sơ sinh trong và ngay sau đẻ. Đây là phương pháp tiến bộ, giúp trẻ tránh nguy cơ mất nhiệt, phòng ngừa nguy cơ trẻ không được bú mẹ dẫn đến suy dinh dưỡng, nhiễm khuẩn, giúp cho sản phụ sớm phục hồi.
Quy trình chăm sóc thiết yếu gồm 6 bước: Ngay khi chào đời, trẻ được lau khô, ủ ấm, đặt nằm sấp trên bụng mẹ tiếp xúc da kề da; tiêm vào bắp đùi cho mẹ 10 đơn vị oxytocin; chờ dây rốn ngừng đập mới tiến hành kẹp và cắt dây rốn; kéo dây rốn có kiểm soát trong khi trẻ vẫn nằm sấp trên ngực mẹ; xoa đáy tử cung trong 2 giờ đầu sau đẻ, đảm bảo cho tử cung co chặt và theo dõi chảy máu; tư vấn bà mẹ cho trẻ bú sớm trong giờ đầu sau đẻ.
Ngay khi chào đời, trẻ được lau khô, ủ ấm, đặt nằm sấp trên bụng mẹ tiếp xúc da kề da
Sinh con tại Bệnh viện Bãi Cháy, các sản phụ sẽ được các bác sĩ áp dụng 6 bước trong quy trình chăm sóc thiết yếu bà mẹ, trẻ sơ sinh trong và ngay sau đẻ thường. Tất cả các sản phụ ngay sau đẻ thường, kể cả đẻ mổ đều được hướng dẫn cho con bú trong giờ đầu sau sinh. Đây là một trong 6 bước chăm sóc thiết yếu bà mẹ và trẻ sơ sinh trong, ngay sau đẻ.
Phương pháp da kề da trong quy trình chăm sóc thiết yếu cũng mang lại rất nhiều lợi ích cho mẹ và bé. Dựa trên quy trình chăm sóc thiết yếu bà mẹ, trẻ sơ sinh trong và ngay sau mổ lấy thai được Bộ Y tế ban hành trong Quyết định số 6734/QĐ – BYT ngày 15/11/2016, ngay khi các bé chào đời tại Bệnh viện Bãi Cháy sẽ được kẹp dây rốn muộn (sau khi dây rốn đã ngừng đập hoặc 1-3 phút sau khi lấy thai ra) và cắt dây rốn một thì, được tiếp xúc “da kề da” – “cái ôm đầu tiên” với mẹ trong khoảng 90 phút sau sinh. Trẻ được bú sớm trong giờ đầu và bú mẹ hoàn toàn.
Các bé chào đời tại Bệnh viện Bãi Cháy sẽ được kẹp dây rốn muộn (sau khi dây rốn đã ngừng đập hoặc 1-3 phút sau khi lấy thai ra) và cắt dây rốn một thì, được tiếp xúc “da kề da” – “cái ôm đầu tiên” với mẹ trong khoảng 90 phút sau sinh.
Theo bác sĩ bác sĩ Nguyễn Thị Bạch Liên Khoa Sản Bệnh viện Bãi Cháy, tiếp xúc da kề da - “cái ôm đầu tiên” giúp gắn kết tình cảm mẹ con, kích thích ham muốn tìm vú mẹ sớm và bú sữa mẹ của trẻ ngay sau sinh. Nhờ đó, bé có cơ hội đón nhận những giọt sữa non đầu đời thuận tiện hơn. Da kề da còn giúp trẻ không bị hạ thân nhiệt, kích thích hệ tiêu hóa của trẻ, giữ ấm trẻ và duy trì nhiệt độ cơ thể, để da trẻ tiếp xúc được với các loại vi khuẩn có lợi trên cơ thể mẹ, do đó cải thiện sức đề kháng, chống nhiễm trùng cho trẻ, kích thích sản xuất các hoocmon thúc đẩy tuyến sữa mẹ hoạt động.
Đặc biệt, với những trẻ non tháng, có những cơn ngưng thở thì nhịp thở của mẹ sẽ kích thích phản xạ thở đều đặn ở trẻ. Đối với người mẹ, trẻ bú trong quá trình “da kề da” cũng giúp tử cung co tốt hơn, giảm thiểu nguy cơ băng huyết sau khi sinh, giúp mẹ tiếp thêm nghị lực, giảm nỗi đau “vượt cạn”. Tuy nhiên, cũng có các trường hợp không được áp dụng da kề da, như sản phụ sinh mổ sử dụng phương pháp gây mê, sản phụ cần được chăm sóc đặc biệt, truyền máu; sản phụ đang mắc các bệnh dễ lây nhiễm như thuỷ đậu…; các trường hợp trẻ sơ sinh cần được can thiệp hồi sức ngay sau sinh. Đối với các trường hợp trẻ non tháng, nhẹ cân, các bác sĩ trong kíp mổ sẽ đánh giá sức khoẻ của bé rồi quyết định cho trẻ thực hiện da kề da hay không.
Chậm cắt dây rốn cho trẻ ngay sau sinh trong quy trình chăm sóc thiết yếu giúp cho bé được nhận đầy đủ các tế bào gốc “tự nhiên” từ mẹ truyền sang con, giúp bé nhận đủ lượng máu cần thiết cho cơ thể qua dây rốn… Nhờ đó giúp cho trẻ đủ tháng không bị thiếu máu do thiếu sắt trong những tháng đầu, và đặc biệt ở trẻ non tháng không bị thiếu máu cũng như giảm tỷ lệ xuất huyết não do giảm prothrombin.
Đoàn công tác của Vụ Sức khoẻ Bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế) và Bệnh viện Từ Dũ đã thực hiện giám sát thực tế hoạt động EENC và KMC tại Bệnh viện Bãi Cháy
Tháng 9/2023, đoàn công tác của Vụ Sức khoẻ Bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế) và Bệnh viện Từ Dũ đã thực hiện giám sát thực tế tại 03 bệnh viện lớn trên địa bàn tỉnh: Bệnh viện Bãi Cháy, Bệnh viện Việt Nam – Thuỵ Điển, Uông Bí và Bệnh viện Sản Nhi về hoạt động chăm sóc bà mẹ, trẻ sơ sinh trong và ngay sau đẻ/mổ lấy thai. Đoàn công tác đã ghi nhận và đánh giá cao hoạt động EENC và KMC tại Bệnh viện Bãi Cháy được thực hiện bài bản, đúng quy trình theo yêu cầu của Bộ Y tế; bệnh viện được trang bị đầy đủ máy móc đảm bảo hồi sức, cấp cứu sản khoa; Cán bộ nhân viên y tế cũng thường xuyên được cập nhật kiến thức chuyên môn về tư vấn và hỗ trợ sinh sản; Trẻ được tiêm Vitamin K ngay sau sinh…
Có thể khẳng định, các bước trong chăm sóc thiết yếu bà mẹ, trẻ sơ sinh trong, ngay sau đẻ thường hay đẻ mổ rất đơn giản nhưng đem lại cơ hội sống cho cả mẹ và em bé, giúp các em bé được sinh ra khoẻ mạnh, an toàn với một thể chất tốt. Việc Bệnh viện Bãi Cháy thực hiện thường quy quy trình chăm sóc thiết yếu bà mẹ, trẻ sơ sinh trong và ngay sau đẻ đã giúp nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, giúp các sản phụ vượt cạn thành công và đón các em bé khỏe mạnh chào đời.
Mạc Thảo