Dự phòng, điều trị bệnh mất ngủ: nâng cao chất lượng cuộc sống

  • 2023/07/19 07:57

Theo thống kê của Tổ chức Giấc ngủ Quốc gia, có từ 10-30% người trong độ tuổi trưởng thành phải “vật lộn” với chứng mất ngủ hay bệnh mất ngủ kinh niên. Người bị mất ngủ thường xuyên uể oải, mệt mỏi, khó tập trung làm việc, suy giảm trí nhớ, ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống và công việc. Do đó dự phòng sớm và điều trị bệnh ngay từ giai đoạn đầu là việc hết sức quan trọng.

Mất ngủ là một dạng rối loạn giấc ngủ với nhiều dạng thức khác nhau nhu khó đi vào giấc ngủ, không thể ngủ sâu giấc, thường xuyên thức dậy sớm dù ngủ chưa đủ giấc và không thể quay lại giấc ngủ bình thường. Mất ngủ thường được chia thành 2 dạng thức chính:

- Mất ngủ cấp tính: Mất ngủ không thường xuyên, không kéo dài quá 1 tháng.

- Mất ngủ mạn tính: Mất ngủ mang tính chất thường xuyên, lặp đi lặp lại nhiều lần, kéo dài từ 1 tháng trở lên.

Theo các bác sĩ, có rất nhiều nguyên nhân gây ra mất ngủ, trong đó những nguyên nhân thông thường thường gặp như thói quen ăn uống như ăn quá nó trước khi đi ngủ hoặc dùng các chất kích thích. 


Bệnh nhân mất ngủ có thể khám chuyên khoa Thần kinh tại Bệnh viện Bãi Cháy

Do thói quen sinh hoạt: bệnh nhân đi du lịch lệch múi giờ, thường xuyên làm việc tăng ca tối hoặc sử dụng các thiết bị trước khi đi ngủ. Bên cạnh đó là một số nguyên nhân tâm lý, rối loạn sức khoẻ tâm thần hoặc bệnh nhân bị một số bệnh mạn tính như hen suyễn, ung thư, tim mạch hay chấn thương về tâm lý như ly hôn, có người thân qua đời hoặc bệnh nhân bị mất việc… Ngoài ra mất ngủ, khó ngủ có liên quan đến điều trị y tế khi sử dụng thuốc điều trị bệnh hen suyễn, trầm cảm, thuốc chống viêm…

Một người trưởng thành cần ngủ đủ 7 đến 8 tiếng mỗi ngày và tuổi càng cao thì nhu cầu ngủ sẽ giảm dần. Ngủ là khoảng thời gian cơ thể được nghỉ ngơi, phục hồi, tái tạo năng lượng. Từ đó, đảm bảo sức khoẻ về thể chất và tinh thần tốt nhất chuẩn bị cho những hoạt động của ngày mới. 

Không ngủ được là triệu chứng thường gặp của bệnh mất ngủ. Nhưng trên thực tế, những trạng thái như: chỉ ngủ thiếp đi trong một khoảng thời gian ngắn, khó đi vào giấc ngủ kéo dài, trằn trọc không yên giấc, thức dậy nhiều lần trong lúc ngủ, mỗi lần kéo dài trên 30 phút, thức khuya mà không có cảm giác buồn ngủ, không muốn đi ngủ, thức dậy sớm nhưng không ngủ lại được…cũng là một trong các triệu chứng của bệnh mất ngủ. 

Ngoài ra những dấu hiệu khác như ban ngày cơ thể mệt mỏi, hay có cảm giác buồn ngủ, thèm ngủ mà không ngủ được, làm việc không tập trung, dễ nổi cáu, dễ bị cảm cúm do cơ thể mất khả năng miễn dịch, dễ bị kích thích cũng là một dạng mất ngủ. 

Bệnh mất ngủ có thể điều trị dứt điểm nếu phát hiện sớm, nhưng vì nguyên nhân gây bệnh tương đối rộng nên việc chẩn đoán và điều trị cũng gặp nhiều khó khăn.

Mất ngủ ban đầu có thể làm  cho cơ thể lảo đảo, mệt mỏi thiếu sức sống, vẻ mặt ảm đạm, nhợt nhạt. Mất ngủ kéo dài sẽ khiến cơ thể suy nhược, tâm trạng chán nản, làm việc giảm năng suất, giảm trí nhớ, thiếu kiên nhẫn và linh hoạt trong các mối quan hệ xã giao. Bên cạnh đó, chứng mất ngủ lâu dần có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ thể chất và tinh thần của người bệnh như tâm thần hay tâm thần phân liệt. 

Hiện nay có rất nhiều phương pháp điều trị mất ngủ. Tại Bệnh viện Bãi Cháy, nhiều bệnh nhân lựa chọn điều trị bằng các phương pháp đông y. Việc sử dụng thuốc điều trị mất ngủ phải dưới chỉ định, đơn kê của các bác sĩ chuyên khoa thần kinh. Bên cạnh đó, liệu trình điều trị với oxy cao áp đang được triển khai tại bệnh viện cũng mang lại hiệu quả tốt đối với những bệnh nhân mất ngủ lâu năm.


Liệu pháp oxy cao áp điều trị mất ngủ tại Bệnh viện Bãi Cháy

Mất ngủ xảy ra ở nhiều độ tuổi, là căn bệnh khó điều trị nhưng dễ phòng do chủ yếu liên quan đến thói quen sinh hoạt và chế độ dinh dưỡng hàng ngày. 

Vì vậy, theo khuyến cáo của bác sĩ, để phòng bệnh mất ngủ và cải thiện chất lượng giấc ngủ, người bệnh cần:

Xây dựng một chế độ làm việc hợp lý, duy trì giờ đi ngủ và giờ thức giấc nhất quán hàng ngày, kể cả cuối tuần; 

Ngủ trưa với thời lượng từ 20-40 phút và không quá 60 phút; 

Tránh hoặc hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu, cà phê, trà hoặc nicotine; Không ăn quá nhiều vào buổi tối đặc biệt là trước khi ngủ; 

Không cài đặt, để quá nhiều thiết bị điện tử trong phòng ngủ để tránh bức xạ của những thiết bị này ảnh hưởng đến sóng não và chất lượng giấc ngủ; 

Tắm nước ấm, đọc sách hoặc nghe nhạc nhẹ cũng giúp bạn dễ đi vào giấc ngủ hơn. 

Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi quyết định sử dụng các loại thuốc giúp hỗ trợ giấc ngủ và thường xuyên theo dõi tình trạng sức khoẻ để kịp thời phát hiện và có phương án điều trị thích hợp với những triệu chứng bất thường của cơ thể.

Mạc Thảo