Hội chứng ống cổ tay: Bệnh thường gặp với dân văn phòng, lái xe

  • 2023/03/29 02:26

Hội chứng ống cổ tay là tình trạng dây thần kinh giữa bị chèn ép khi đi ngang qua ống cổ tay gây viêm, đau, tê bì tay và bàn tay, giảm hoặc mất cảm giác, thậm chí gây teo cơ, yếu cơ, giảm chức năng vận động của vùng bàn tay thuộc chi phối của dây thần kinh giữa. Bệnh thường gặp ở các đối tượng người làm việc máy tính, bán hàng, nội trợ, lái xe…khi thường xuyên phải sử dụng bàn tay liên tục, duy trì tư thế gập cổ tay một thời gian dài. 

Tổng quan về hội chứng ống cổ tay

Hội chứng ống cổ tay còn gọi là hội chứng đường hầm cổ tay hay hội chứng chèn ép thần kinh giữa (tên tiếng Anh: Carpal tunnel syndrome) là một tập hợp các triệu chứng của một bệnh thần kinh ngoại biên. 

Bệnh có thể gặp ở mọi độ tuổi, phụ nữ mắc bệnh nhiều hơn nam giới gấp 3-4 lần do sử dụng đôi bàn tay nhiều hơn. Đây cũng là một bệnh nghề nghiệp thường gặp ở những người lao động nghề nghiệp mang tính chuyên biệt cao và chỉ sử dụng một số cơ bắp nhỏ ở bàn tay liên tục kéo dài. Những người làm việc tư thế cổ tay gập, dùng nhiều động tác lắc cổ tay, hoặc làm các nghề đòi hỏi phải cử động tay liên tục, sử dụng máy có rung chuyển khi vận hành hoặc thường xuyên sử dụng máy tính. Những người dễ mắc hội chứng ống cổ tay là người thường xuyên sử dụng máy tính như nhân viên văn phòng, nhà văn, nhà báo, biên tập viên... Một số lao động dùng các dụng cụ có độ rung như máy dầm đường, máy cưa… cũng dễ mắc hội chứng ống cổ tay, yếu tố bệnh lý (đái tháo đường, viêm khớp dạng thấp..), hầu hết không có nguyên nhân duy nhất.

Nguyên nhân của hội chứng ống cổ tay (HCOCT) là do thần kinh giữa bị chèn ép trong ống hẹp vùng cổ tay, phần lớn là vô căn. Thần kinh giữa bị dây chằng ngang cổ tay chèn ép khi nó đi qua dưới sợi dây chằng này, làm đau và yếu bàn tay. Bên cạnh đó là những yếu tố nguy cơ thúc đẩy HCOCT như phụ nữ thời kỳ mãn kinh, đang dùng thuốc tránh thai đường uống, phụ nữ có thai với sự tăng cân quá nhanh ; bệnh lý gây chèn ép thần kinh giữa như (dị dạng xương do gãy cổ tay, viêm khớp dạng thấp có viêm bao gân; Bệnh Gút có hạt Tophie quanh các bao gân; Bệnh chuyển hóa: đái tháo đường, to đầu chi, nhiễm bột, suy tuyến giáp; Bệnh gây tăng thể tích: phù; suy tim xung huyết; béo phì; Các khối u trong OCT: u nang bao hoạt dịch, u dây thần kinh, u mỡ…)

Đa số các bệnh nhân đều nhận biết được các biểu hiện của hội chứng ống cổ tay khi làm một số việc thông thường trong đời sống hằng ngày. Một số triệu chứng thường gặp như: tê bì, nóng rát hoặc đau các ngón tay; có cảm giác như bị tê giật, đau và tê lan về phía khuỷu và vai; thay đổi cảm giác nhiệt hoặc xúc giác ở bàn tay, bàn tay trở nên vụng về, sức cầm nắm giảm, bị run tay, viết khó, dễ làm rơi đồ vật..., trong trường hợp nặng, có thể gặp teo cơ ô mô cái. Nếu không được điều trị, các triệu chứng sẽ tiến triển thành cơn đau cấp tính hoặc đau kéo dài, đôi khi nghiêm trọng đến mức người bệnh không thể làm được những việc đơn giản trong gia đình vì chức năng bàn tay đã bị tổn thương nghiêm trọng. Nếu tình trạng chèn ép kéo dài sẽ làm tổn thương thần kinh không hồi phục. Điều này có nghĩa là dù có giải ép thì các cử động cầm nắm cũng không phục hồi trở lại được như ban đầu. Chính vì thế chỉ định phẫu thuật là tuyệt đối nếu bệnh nhân có tình trạng yếu cơ ô mô cái để tránh tình trạng không phục hồi hay tổn thương thêm của dây thần kinh giữa

Chẩn đoán và điều trị hội chứng ống cổ tay

Tại Bệnh viện Bãi Cháy, căn bệnh này hoàn toàn chẩn đoán được bằng các thiết bị y tế hiện đại và có thể được điều trị khỏi hoàn toàn bằng phẫu thuật ít xâm lấn bởi đội ngũ bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật chấn thương chỉnh hình. 

Về chẩn đoán hội chứng ống cổ tay, các bác sĩ có thể sử dụng phương pháp điện thần kinh cơ để đánh giá mức độ suy giảm tốc độ dẫn truyền vận động và cảm giác của thần kinh giữa trong ống cổ tay, từ đó phân mức độ nặng của bệnh HCOCT;  bên cạnh đó là các phương pháp cận lâm sàng như siêu âm, xquang, cộng hưởng từ MRI để chẩn đoán chính xác tổn thương tại dây thần kinh, các khối u hay tổn thương mô mềm kèm theo… 

Phương pháp điện thần kinh cơ để đánh giá mức độ suy giảm tốc độ dẫn truyền vận động và cảm giác của thần kinh giữa trong ống cổ tay

Về điều trị hội chứng ống cổ tay, Tùy thuộc vào từng cá nhân, giai đoạn bệnh mà các bác sĩ sẽ chỉ định biện pháp điều trị phù hợp. Với nguyên tắc điều trị hội chứng ống cổ tay gồm:

Dùng nẹp cổ tay để tránh các cử động lặp lại nhiều lần của cổ tay và sử dụng cho những bệnh nhân có nghề nghiệp phải cử động cổ tay nhiều.

Sử dụng các thuốc kháng viêm NSAIDs hay tiêm corticoide tại chỗ để giảm đau và điều trị các bệnh lý kết hợp (nếu có) gây nặng thêm tình trạng viêm ống cổ tay. Ngoài ra người bệnh cần tập vật lý trị liệu ở giai đoạn nhẹ. Mục tiêu là tăng tuần hoàn của bàn tay và cổ tay, làm giảm phù và kích thích các mô mềm khỏe hơn (các cơ, các dây chằng và các gân). Nhờ đó làm giảm các triệu chứng của bệnh lý hội chứng ống cổ tay.

Phẫu thuật thực hiện cắt dây chằng ngang cổ tay để giải phóng chèn ép thần kinh được chỉ định khi có chèn ép cơ học, điều trị nội khoa thất bại, có triệu chứng teo mô cái hoặc yếu bàn tay, bệnh kéo dài trên 1 năm hoặc kết hợp với bệnh lý ảnh hưởng thần kinh như đái tháo đường, suy thận mạn. 

Phương pháp phẫu thuật này được các bác sĩ Khoa Chấn thương chỉnh hình tại bệnh viện ứng dụng với ưu điểm ít xâm lấn, đường rạch da nhỏ chỉ 2-3cm dọc gan tay dưới nếp gấp cổ tay, vết mổ liền nhanh, độ an toàn cao, tỷ lệ tái phát thấp. Bệnh nhân được vô cảm vùng cổ bàn tay bằng phương pháp tê đám rối thần kinh cánh tay hoặc tê tại chỗ nên không cảm thấy đau trong suốt quá trình phẫu thuật, bác sĩ tiến hành cắt dây chằng ngang, giải phóng dây thần kinh giữa một cách chuẩn xác, nhanh chóng.  


Bệnh viện Bãi Cháy với đội ngũ bác sĩ chuyên ngành phẫu thuật chấn thương chỉnh hình thực hiện phẫu thuật điều trị hội chứng ống cổ tay

Hội chứng ống cổ tay tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng về lâu dài có thể dẫn đến tàn tật do tổn thương thần kinh và mạch máu, teo cơ mô cái. Phẫu thuật là giải pháp điều trị tối ưu để tránh tình trạng không phục hồi hay tổn thương thêm của dây thần kinh giữa. 

Phòng ngừa hội chứng ống cổ tay

Hội chứng ống cổ tay rất hay gặp trong thực tế lâm sàng, để phòng bệnh chúng ta cần lưu ý đến tư thế khi làm việc như: Giữ cho bàn tay trên cùng mặt phẳng với cẳng tay; Không nắm dụng cụ quá mạnh; Không gõ bàn phím quá mạnh; Đổi tay nếu có thể được; Nghỉ thư giãn mỗi 15-20 phút; Giữ tay ấm; Không gối đầu trên tay khi ngủ; Thư giãn, tránh căng thẳng.

Nếu phát hiện những dấu hiệu của hội chứng ống cổ tay, cần đến cơ sở y tế để được khám và điều trị sớm để dự phòng biến chứng. Việc chẩn đoán đơn giản, nhanh gọn bằng các xét nghiệm phù hợp. Ðiều trị sớm giúp phục hồi nhanh chóng, nếu để muộn có thể teo cơ và hạn chế vận động bàn tay.

Mạc Thảo