Phòng ngừa cúm giao mùa

  • 2023/04/06 08:56

Thời điểm giao mùa xuân - hè, thời tiết diễn biến thất thường là điều kiện thuận lợi cho các loại vi rút, vi khuẩn, tác nhân gây bệnh đặc biệt là bệnh cúm mùa (cúm theo mùa hay cúm) có xu hướng gia tăng rất nhanh. Các đối tượng có sức đề kháng yếu như người già, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai… có nguy cơ nhiễm bệnh cao.

Cúm mùa là bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính, do vi rút gây nên. Bệnh có khả năng lây nhiễm cao từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp, qua nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng vi rút cúm A (H3N2), cúm A (H1N1), cúm B và cúm C. Để phòng cúm mùa giao mùa, người dân nên thực hiện các giải pháp như sau



Tiêm phòng cúm

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, việc tiêm phòng cúm là cách tốt nhất để tránh bị bệnh. Vì vaccine cung cấp sự bảo vệ chống lại bệnh cúm mùa do các chủng có trong vaccine gây ra, bắt đầu có hiệu quả từ 10 - 14 ngày sau khi tiêm vaccine. Các chủng virus gây cúm mùa mỗi năm thường không giống nhau và đó là lý do tại sao nên tiêm ngừa vaccine cúm mùa hàng năm, bởi vì vaccine cúm mùa năm sau thường cập nhật các chủng gây bệnh của năm trước đó.

Đặc biệt là những người có nguy cơ cao như phụ nữ có thai, trẻ em dưới 5 tuổi, người già, người mắc bệnh mạn tính và nhân viên y tế. Thời điểm tiêm phòng vắc xin lý tưởng nhất là trước khi vào mùa cúm (mùa cúm ở Việt Nam thường từ tháng 4 đến tháng 9) để có hiệu quả tốt nhất, mặc dù vậy, tiêm phòng vào bất cứ thời điểm nào trong mùa cúm đều vẫn có thể giúp phòng ngừa mắc bệnh. Đây là phương pháp phòng bệnh hiệu quả, an toàn và kinh tế.

Vệ sinh cá nhân

Mặc dù rửa tay không thể tiêu diệt hoàn toàn các mầm bệnh, nhưng nó là cách phòng ngừa bệnh hiệu quả và rẻ tiền nhất. Nếu không thể rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, vẫn có thể dùng nước rửa tay diệt khuẩn nhanh để thay thế. Ngoài ra, khi hắt hơi, sổ mũi hay ho, nên dùng khuỷu tay để che thay vì dùng bàn tay, làm điều này để tránh lây cho người khác.

người dân cần tuân thủ tốt các thói quen vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; vệ sinh mũi, họng hằng ngày bằng nước muối; che miệng và mũi khi ho, hắt hơi hoặc dùng khăn giấy sau đó bỏ vào thùng rác, nếu che bằng tay thì cần rửa tay ngay sau khi ho, hắt hơi nhằm tránh lây nhiễm sang vật dụng khác, cho người khác; thường xuyên vệ sinh và mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, phòng làm việc; lau chùi bề mặt, vật dụng bằng hóa chất sát khuẩn thông thường;

Rèn luyện sức khỏe

Thường xuyên tập thể dục thể thao làm tăng sức đề kháng của cơ thể đối với bệnh tật nói chung và đối với bệnh cảm cúm nói riêng. Tuy nhiên, khi đã nhiễm cảm cúm rồi thì nên nghỉ ngơi, tránh luyện tập quá sức, vì cơ thể lúc đó đã mệt mỏi.

Sinh hoạt và dinh dưỡng

Để hệ miễn dịch của cơ thể được tốt, chúng ta cần kết hợp ăn uống, luyện tập và ngủ nghỉ một cách khoa học, điều độ. Ngủ đủ giấc không những giúp không bị cảm cúm mà còn giúp ích rất nhiều trong những lĩnh vực khác. Ngủ đầy đủ trong thời gian bị ốm cũng sẽ giúp bệnh nhân mau hồi phục hơn. Cần bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng của cơ thể. Hạn chế sử dụng thuốc lá, rượu bia, các chất kích thích ảnh hưởng đến sức khỏe.

Đến cơ sở y tế khi nào?

Hạn chế tiếp xúc với người bệnh cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời./.

Mạc Thảo