Phòng ngừa ngộ độc thực phẩm mùa Trung thu

  • 2023/09/27 05:09

Bánh trung thu là một món ăn gần như không thể thiếu mỗi khi dịp Tết trung thu đến, vì vậy người tiêu dùng cần hiểu đúng và đủ những lưu ý khi chọn mua cũng như bảo quản sản phẩm đúng cách nhằm đảm bảo sức khỏe của bản thân và gia đình.


Bánh trung thu là sản phẩm được chế biến từ nhiều loại nguyên liệu thực phẩm, gia vị, phụ gia thực phẩm,…Từng loại nguyên liệu đều có nguy cơ mất an toàn thực phẩm như ôi thiu, nhiễm các loại nấm mốc, vi khuẩn gây bệnh, .... Trong quá trình sản xuất, việc kiểm soát, chế biến, bảo quản không được đảm bảo sẽ dẫn tới sản phẩm dễ bị ô nhiễm, có nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm như rối loạn tiêu hóa, đau bụng, buồn nôn tiêu chảy.... ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng.


Không ăn bánh Trung thu bị mốc.

Để bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm xảy ra khi sử dụng bánh Trung thu, bánh kẹo, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng cần có biện pháp phòng ngừa và xử lý ngộ độc thực phẩm khi sử dụng bánh.

Đối với những người sản xuất, kinh doanh thực phẩm cần tuân thủ các nội dung sau:

-  Phải đảm bảo các quy định về kết cấu, thiết kế, bố trí nhà xưởng kể cả hệ thống thông gió và hệ thống cung cấp nước. Bên cạnh đó, ngoài việc trang bị các trang thiết bị, dụng cụ phục vụ cho quá trình sản xuất, cơ sở cần tuân thủ các quy định nhằm đảm bảo các khu vực sản xuất, chế biến, bao gói, vận chuyển, bảo quản, kinh doanh thực phẩm phải được vệ sinh sạch sẽ.

-  Nguyên liệu chế biến thực phẩm, thực phẩm kinh doanh phải có nguồn gốc rõ ràng; Không lạm dụng cũng như sử dụng phụ gia thực phẩm không đúng quy định trong quá trình sản xuất. Thực hiện tự công bố sản phẩm thực phẩm bao gói sẵn trước khi lưu thông trên thị trường.

-  Sử dụng bao bì đảm bảo vệ sinh, an toàn và thể hiện đầy đủ các thông tin ghi nhãn theo đúng quy định.

-  Người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải được khám sức khỏe và được trang bị các kiến thức cần thiết để có thể đảm bảo thực hiện tốt các quy định về thực hành vệ sinh trong quá trình tham gia sản xuất, kinh doanh.

Đối với người tiêu dùng cần lưu ý những tiêu chí sau khi lựa chọn sản phẩm nhằm đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình của mình:

+ Sản phẩm phải có tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, có hướng dẫn sử dụng, bảo quản, có ngày sản xuất và hạn sử dụng... chỉ mua, sử dụng thực phẩm có nhãn mác đầy đủ, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, còn hạn sử dụng.

+ Sản phẩm được bày bán ở những địa điểm kinh doanh xác định, đáp ứng các yêu cầu về điều kiện kinh doanh thực phẩm như: có đủ trang thiết bị che đậy tránh bụi bẩn, mưa nắng, côn trùng xâm nhập, bảo quản đúng quy định trên nhãn sản phẩm của nhà sản xuất.

+ Dùng cảm quan để nhận biết sản phẩm, sản phẩm không bị dập nát biến dạng, bao bì không rách nát, bánh không có màu sắc khác thường, không bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng và không có mùi khác lạ.

+ Tuyệt đối không lựa chọn, mua sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc, sản phẩm hết hạn sử dụng.

Ngoài những lưu ý khi mua bánh trung thu, người tiêu dùng cũng cần lưu ý cách bảo quản và sử dụng bánh trung thu:

+ Bánh mua về phải được bảo quản ở nơi sạch sẽ, được che đậy tránh bụi bẩn, mưa nắng, côn trùng xâm nhập, bảo quản theo đúng quy định trên nhãn sản phẩm của nhà sản xuất và lưu ý một số khuyến cáo của nhà sản xuất như: đối tượng sử dụng và một số lưu ý khi sử dụng (nếu có).

+ Rửa tay sạch trước khi cắt, chia bánh và trước khi ăn bánh.

+ Không ăn quá nhiều bánh và các thực phẩm giàu đạm, mỡ, đường trong khẩu phần ăn để tránh rối loạn hấp thu thực phẩm.

+ Khi có những bất thường về sức khỏe do ăn uống nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, trợ giúp kịp thời về chuyên môn.

 Xử lý khi nghi ngờ ngộ độc

Sau khi ăn bánh có triệu chứng đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy hoặc co giật, nổi mề đay... người dân cần nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để xử lý kịp thời; không tiếp tục sử dụng sản phẩm này và báo ngay cơ quan chức năng để giải quyết.

Minh Khương