Sơ cứu người bị đuối nước đúng cách để hạn chế nguy cơ tử vong
Mùa hè là thời điểm xảy ra nhiều vụ đuối nước khi tắm sông, suối, hồ, biển… Nếu bệnh nhân bị đuối nước được sơ cứu kịp thời, tích cực và đúng phương pháp sẽ có khả năng được cứu sống, hạn chế nguy cơ tử vong hoặc để lại di chứng tổn thương não sau đuối nước. Vì vậy, trang bị kiến thức xử trí cấp cứu cho nạn nhân bị đuối nước là điều vô cùng quan trọng.
Mỗi năm, Bệnh viện Bãi Cháy đã tiếp nhận cấp cứu điều trị cho không ít các trường hợp bệnh nhân bị đuối nước.
Bác sĩ Phạm Thị Út Trang – Phó Trưởng Khoa Hô hấp, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết: “Đuối nước là tình trạng nước tràn vào đường hô hấp làm chức năng hô hấp bị ảnh hưởng nghiêm trọng dẫn đến các cơ quan bị thiếu oxy và các chức năng sống của cơ thể ngừng hoạt động. Bất kỳ ai cũng có nguy cơ bị đuối nước, kể cả người biết bơi khi gặp phải tình huống nguy hiểm.
Người bị đuối nước do bị thiếu oxy thường có biểu hiện khó thở, đau sau xương ức, thở nhanh, tăng tiết đờm lẫn máu, da tím tái, mất ý thức, co giật, phù não do thiếu oxy não, tim đập nhanh, rối loạn nhịp tim, giảm huyết áp…Đuối nước gây suy hô hấp, phù phổi cấp, phù não, suy tim, rối loạn điện giải… Hậu quả nặng nề của đuối nước nếu phát hiện muộn có thể đẫn đến tổn thương não, rơi vào tình trạng sống thực vật vĩnh viễn, thậm chí tử vong.
Đặc biệt, bệnh nhân bị viêm phổi do đuối nước cần phải điều trị rất tích cực nếu không nguy cơ tử vong do viêm phổi nặng có thể xảy ra bất cứ lúc nào”.
Bác sĩ Phạm Thị Út Trang – Phó Trưởng Khoa Hô hấp, Bệnh viện Bãi Cháy thăm khám cho bệnh nhân bị viêm phổi do đuối nước
Để phòng tránh đuối nước và những mối nguy đe dọa tính mạng do đuối nước, mỗi người dân, đặc biệt là trẻ em cần học kỹ năng bơi lội, kĩ năng sơ cấp cứu cơ bản đối với người bị đuối nước.
Ngay khi phát hiện người bị đuối nước, cần khẩn trương đưa người bị đuối nước lên bờ, xác định tình trạng ngừng hô hấp cần tiến hành hồi sinh tim phổi càng sớm càng tốt bằng kỹ năng ép tim và thổi ngạt. Các bước sơ cứu người bị đuối nước:
Bước 1: Nhanh chóng đưa người bị đuối nước ra khỏi mặt nước bằng mọi cách.
Bước 2: Đặt người bị đuối nước nằm chỗ khô ráo, thoáng khí.
Bước 3: Nếu người bị đuối nước bất tỉnh, hãy kiểm tra xem trẻ còn thở không bằng cách quan sát lồng ngực có di động hay không.
Nếu lồng ngực không di động, tức là người bị đuối nước ngừng thở thì phải hô hấp nhân tạo (thổi ngạt bằng miệng) ngay lập tức. Sau khi thổi ngạt 2 cái, cần kiểm tra xem tim trẻ còn đập hay không bằng cách bắt mạch cảnh, bẹn, hoặc áp tai vào lồng ngực bên trái xem có tiếng tim đập không.
Nếu không bắt được mạch chứng tỏ tim người bị đuối nước đã ngừng đập, cần phải hô hấp nhân tạo kèm theo ép tim ngoài lồng ngực (ép ở 1/2 dưới xương ức bên trái) theo tỷ lệ 15/2 (nghĩa là ép tim 15 cái thì thổi ngạt 2 cái) nếu có 2 người, hoặc 30/2 nếu có 1 người.
Tiếp đó, khẩn trương đưa người đuối nước đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu, điều trị kịp thời, tránh những hậu quả, di chứng nguy hiểm.
Một số sai lầm cần khi cấp cứu người bị đuối nước: người thân của nạn nhân không được cứu người đuối nước mà phải chờ người khác đưa lên bờ. Như vậy làm mất “thời gian vàng” để cứu sống. Hoặc dốc ngược người nạn nhân lên vai rồi chạy mà không tiến hành ép tim và hô hấp nhân tạo…các biện pháp này kéo dài thời gian thiếu oxy não gây ra những di chứng ở não sau này nếu nạn nhân còn sống.
Mạc Thảo