Sỏi túi mật và những phương pháp điều trị ngoại khoa hiệu quả tại Bệnh viện Bãi Cháy
Sỏi mật là một trong các bệnh lý về túi mật thường gặp nhất ở các nước nhiệt đới. Sỏi túi mật, sỏi trong gan thường không bộc lộ triệu chứng rõ ràng dẫn đến sự chủ quan trong việc thăm khám và điều trị. Phần lớn người bệnh chỉ tình cờ phát hiện sỏi mật khi đi khám bệnh lý khác. Do đó, nhiều trường hợp nhập viện khi tình trạng đã nặng, người bệnh phải đối diện với nhiều nguy cơ nghiêm trọng về sức khoẻ, thậm chí là tử vong nếu bị sốc nhiễm khuẩn đường mật nếu không được điều trị kịp thời.
Túi mật là một cơ quan nhỏ, hình quả lê nằm ở phía bên phải của bụng vùng dưới sườn, ngay bên dưới gan. Túi mật là nơi dự trữ dịch mật, khi ăn dịch mật sẽ được tiết vào ruột non để làm nhiệm vụ tiêu hoá thức ăn. Khi xuất hiện sỏi trong dịch mật, quá trình điều tiết bị ảnh hưởng khiến khả năng tiêu hoá thức ăn của cơ thể giảm. Sỏi mật thường là những viên sỏi được hình thành trong túi mật hoặc ống mật, có kích thước từ hạt cát cho đến quả bóng bàn. Đây là bệnh lý lành tính nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, sỏi mật sẽ gây ra tình trạng tắc mật, dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.
Sỏi mật nếu không đến giai đoạn nặng thường không xuất hiện triệu chứng hoặc triệu chứng không rõ ràng. Chỉ khi túi mật bị viêm mới có các biểu hiện như cơn đau đến đột ngột, thường xuất hiện ở bên phải, ngay dưới xương sườn; buồn nôn, nôn mửa; bồn chồn; đổ mồ hôi; mệt mỏi, sốt trên 38 độ kèm cảm giác rét run, rối loạn tiêu hoá. Tình trạng này cần phải điều trị ngay nếu không muốn hoại tử túi mật, sốc nhiễm trùng và tử vong.
Can thiệp ít xâm lấn tán sỏi qua da tại Bệnh viện Bãi Cháy
Sỏi túi mật nếu không phát hiện và xử trí kịp thời có thể gây nên tình trạng biến chứng như sau:
Thấm mật phúc mạc và viêm phúc mạc mật: Tình trạng tắc đường mật và nhiễm trùng do sỏi dẫn đến làm tăng áp lực trong đường mật, làm tổn thương hệ thống đường mật, qua đó dịch mật nhiễm trùng có thể thấm vào ổ phúc mạc gây nên tình trạng nhiễm trùng ổ bụng , trườnghợp nặng có thể hoại tử đường mật gây viêm phúc mạc mật.
Viêm tụy cấp do sỏi: Là biến chứng rất thường gặp gặp, bao gồm viêm tụy cấp thể phù và thể hoại tử. Viêm tuỵ thể hoại tử rất dễ dẫn đến tình trạng sốc nhiễm trùng nhiễm độc, thậm chí có thể gây tử vong. Bệnh nhân đau dữ dội, nôn nhiều và co cứng vùng thượng vị kèm theo các triệu chứng truỵ tim mạch trong trường hợp nặng.
Chảy máu đường mật: Bệnh nhân có các triệu chứng của sỏi mật đồng thời có nôn ra máu và ỉa phân đen, điển hình là nôn ra máu cục có hình thỏi bút chì. Soi dạ dày tá tràng thấy có máu trong tá tràng nguồn gốc từ đường mật.
Viêm mủ đường mật và áp xe gan mật: Viêm đường mật là nguyên nhân gây sỏi túi mật hàng đầu (chiếm 77,8 - 97,52% các trường hợp). Đây cũng là biến chứng sỏi túi mật thường gặp do tình trạng mật bị ứ đọng gây nhiễm khuẩn và viêm mủ. Tình trạng viêm mủ đường mật để lâu sẽ tạo thành các khối áp xe. Áp xe đường mật có thể vỡ làm tràn dịch vào ổ bụng gây viêm phúc mạc hoặc gây tràn dịch màng phổi… đe dọa đến sức khỏe người bệnh.
Sốc nhiễm khuẩn đường mật: Là biến chứng nặng, chiếm từ 16 – 24%. Đa số gặp ở người lớn tuổi, 75% ở những người trên 50 tuổi. Sốc nhiễm trung đường mật là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho bệnh nhân, hay gặp ở các bệnh nhân có sỏi mật, đau sốt nhiều nhưng không được điều trị kịp thời.
Ung thư túi mật: Tình trạng này thường phát triển từ những người có tiền sử mắc bệnh sỏi mật kéo dài và viêm túi mật mạn tính.
Hiện nay có nhiều phương pháp để chẩn đoán sỏi mật, chủ yếu thông qua thăm khám lâm sàng và chỉ định xét nghiệm cần thiết đối với những bệnh nhân nghi ngờ. Trong đó siêu âm ổ bụng là phương pháp hữu hiệu để chẩn đoán sỏi túi mật với khả năng chính xác từ 90 – 95%. Bên cạnh đó chụp cắt lớp vi tính hay chụp cộng hưởng từ cũng thường được áp dụng với những bệnh nhân nghi ngờ mà siêu âm không thể khẳng định được.
Tại Bệnh viện Bãi Cháy, bệnh nhân mắc sỏi túi mật, căn cứ vào mức độ tình trạng bệnh và độ tuổi sẽ được chẩn đoán, áp dụng phương pháp điều trị hiệu quả, phù hợp. Một số phương pháp điều trị ngoại khoa được áp dụng thường quy tại Bệnh viện Bãi Cháy đem lại kết quả điều trị tốt cho bệnh nhân như sau:
Cắt túi mật: Đối với các trường hợp sỏi túi mật có triệu chứng hoặc biến chứng; hoặc sỏi túi mật không triệu chứng có nguy cơ như túi mật sứ, sỏi to, polyp túi mật… Cắt túi mật có thể được thực hiện bằng phẫu thuật nội soi hoặc mổ mở. Sau khi cắt túi mật, bệnh nhân vẫn cần được theo dõi sau mổ để kiểm tra và phát hiện sớm nếu nghi ngờ còn sỏi mật ở vị trí khác.
Phương pháp phẫu thuật nội soi cắt túi mật có nhiều ưu điểm như: điều trị triệt để sỏi túi mật, chắc chắn không tái phát, tính thẩm mỹ cao với chỉ 3 đến 4 vết rạch da nhỏ từ 0.5 đến 1cm trên thành bụng để đưa dụng phẫu thuật vào. Đây là kỹ thuật can thiệp tối thiểu với thời gian phẫu thuật trung bình 15-40 phút, thời gian nằm viện sau mổ 3-5 ngày, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho người bệnh.
Tán sỏi qua da: Hiện nay, tán sỏi qua da là kỹ thuật can thiệp ít xâm lấn hiện đại, hiệu quả ưu việt bảo tồn túi mật với các bệnh nhân dưới 40 tuổi, chức năng túi mật còn tốt (không có polyp/vách ngăn/tình trạng viêm mạn tính), bệnh nhân già yếu có bệnh lý toàn thân nặng như hô hấp, tim mạch…Quá trình thực hiện kĩ thuật, bệnh nhân được kiểm soát tốt các tai biến thường gặp như chảy máu, nhiễm trùng, rò mật… Thời gian hồi phục ngắn, hạn chế biến chứng phẫu thuật, chỉ sau 3-5 ngày, bệnh nhân có thể xuất viện trở lại sinh hoạt, lao động bình thường.
Nội soi mật tụy ngược dòng ERCP tại Bệnh viện Bãi Cháy
Nội soi mật tụy ngược dòng ERCP: Đây là một thủ thuật chuyên biệt được thường được sử dụng để chẩn đoán và điều trị đồng thời các bệnh về hệ thống dẫn mật và ống tuyến tụy. Can thiệp nội soi tuy mật ngược dòng ERCP lấy sỏi ống mật chủ là phương pháp tối ưu, đảm bảo an toàn, hiệu quả. Đây là thủ thuật nhẹ nhàng, giảm đau đớn, thời gian điều trị rút ngắn, bệnh nhân nhanh chóng hồi phục sức khỏe sau can thiệp, ít biến chứng, hạn chế nguy cơ tử vong nhất là đối với người cao tuổi.
Để ngăn ngừa sỏi mật, người dân nên có một chế độ ăn uống lành mạnh, bao gồm nhiều chất xơ từ rau xanh, trái cây và ngũ cốc; chất béo tốt từ nguồn thực phẩm tốt như dầu cá và dầu ô liu; tránh ăn tinh bột, đường và chất béo không lành mạnh; tập thể dục thường xuyên ít nhất 30 phút/ngày, 5 ngày/tuần để ngăn ngừa các bệnh làm tăng yếu tố nguy cơ gây ra sỏi mật; Không áp dụng các biện pháp nhịn ăn và giảm cân thiếu khoa học; Tránh thực phẩm giàu chất béo bão hoà có thể giúp giảm nguy cơ hình thành sỏi mật như bơ, phô mai, bánh ngọt, bánh quy… Ngoài ra vì sỏi mật hình thành âm thầm, không có triệu chứng nên để phòng ngừa và phát hiện sớm, người dân nên đi khám sức khoẻ định kỳ để tầm soát và phát hiện bệnh, tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Mạc Thảo