Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng đang ngày càng có xu hướng trẻ hóa
Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng
là một trong những bệnh lý cột sống thường gặp nhất hiện nay và đang có xu
hướng trẻ hóa.
Đây là một nguyên nhân phổ biến gây
đau cột sống thắt lưng, kèm theo các triệu chứng thần kinh tương ứng. Ở Mỹ, mỗi
năm có khoảng 2 triệu người phải nghỉ việc vì đau cột sống thắt lưng. Trong khi
đó, theo các trung tâm nghiên cứu và thống kê ở Châu Âu và Mỹ thì có tới 70%
dân số trong cuộc đời có ít nhất một lần đau thắt lưng.
1.
Có rất nhiều nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm
- Bệnh thường xảy ra ở độ tuổi 30 – 50. Theo thời gian, vòng sụn bên ngoài bị
xơ hóa, nhân nhầy của đĩa đệm bị khô, mất tính đàn hồi, thoát vị vào trong ống
sống, chèn ép dây thần kinh.
- Chấn thương cột sống do tai nạn
hoặc lao động nặng, tác động lực mạnh đột ngột làm rách hoặc lệch đĩa đệm.
- Các hội chứng bẩm sinh nơi cột
sống như gù, vẹo cột sống, gai cột sống cũng như yếu tố di truyền đặc điểm cột
sống yếu từ bố mẹ.
- Tăng cân, béo phì làm tăng sức đè
nén lên các đĩa đệm.
- Khuân vác vật nặng, ngồi hàng giờ sai tư thế, tập thể dục và thể thao không đúng cách sẽ gây ra những tổn thương nghiêm trọng cho cột sống, dẫn đến nguy cơ cao bị thoát vị đĩa đệm.
2.
Triệu chứng
2.1. Các triệu chứng lâm sàng
-
Đau cột sống thắt lưng:
Đây là triệu chứng xuất hiện ở hầu hết người bệnh có thoát vị đĩa đệm, tuy
nhiên mức độ đau tuỳ từng trường hợp cụ thể. Cơn đau có thể dữ dội kèm co cứng
khối cơ cạnh cột sống, nhưng cũng có nhiều trường hợp cơn đau âm ỉ, tăng lên
khi vận động mạnh hoặc thay đổi tư thế.
- Đau lan chân kiểu rễ: Khi khối thoát vị chèn ép rễ thần kinh thường sẽ kích thích và biểu hiện cơn đau dọc theo đường đi của rễ thần kinh bị chèn ép. Hay gặp nhất khối thoát vị ở đĩa đệm lưng L45 và L5S1 (đĩa đệm giữa đốt sống lưng số 5 và xương cùng số 1). Vì vậy ba rễ thần kinh thường bị chèn ép là rễ thần kinh L4, L5 và rễ S1. Triệu chứng đau kiểu rễ có thể biểu hiện ở một chân hoặc hai chân và thường khởi phát từ đau lưng rồi cơ đau di chuyển theo rễ thần kinh qua mông xuống đùi, qua gối và xuống cẳng chân.
-
Tê bì chân:
Thường triệu chứng này xen lẫn với triệu chứng đau chân của người bệnh. Khi
tình trạng chèn ép kéo dài càng lâu thì mức độ tê bì chân của người bệnh cũng
tăng cao.
-
Teo cơ: Đây là
triệu chứng biểu hiện giai đoạn muộn của bệnh hoặc khối thoát vị chèn ép lớn,
vị trí chèn ép cao vùng cột sống thắt lưng. Khi người bệnh có biểu hiện teo cơ
do khối thoát vị chèn ép rễ thần kinh nên ưu tiên phẫu thuật.
-
Yếu chân: Đây cũng là
một triệu chứng muộn của bệnh. Khi rễ thần kinh bị chèn ép quá nặng hoặc quá
lâu, tổn thương gây giảm hoặc mất chi phối vận động của rễ thần kinh đó sẽ xảy
đến, biểu hiện người bệnh liệt khối cơ vùng rễ đó chi phối. Hay gặp nhất thường
người bệnh bị giảm hoặc mất gấp, duỗi cổ chân, hạn chế nâng đùi nếu thoát vị ở
cao.
-
Rối loạn cơ tròn:
ít gặp, thường bị khi khối thoát vị quá lớn hoặc vị trí thoát vị cao (L23,
L34…).
2.2. Cận
lâm sàng
-
Chụp xquang cột sống thắt lưng: Được chỉ định ở tất cả những người bệnh nghi ngờ bị thoát
vị đĩa đệm cột sống thắt lưng. Hình ảnh xquang giúp bác sĩ đánh giá tổng quan
xương của các đốt sống, mức độ thoái hoá xương sụn, phát hiện và loại trừ những
tổn thương trượt đốt sống, gãy eo, xẹp đốt sống, mất xương, u thân đốt sống…
Ngoài ra chụp xquang khung chậu còn giúp loại trừ tổn thương bệnh lý khớp háng,
khung chậu.
-
Chụp cộng hưởng từ thắt lưng: Đây là tiêu chuẩn vàng giúp chẩn đoán bệnh lý thoát vị đĩa
đệm cột sống. Cộng hưởng từ giúp bác sĩ phát hiện và đánh giá chi tiết mức độ
thoát vị, mức độ chèn ép rễ thần kinh và cả những tổn thương phối hợp như thoái
hóa đĩa đệm, u trong ống sống, nang dịch…
-
Chụp cắt lớp vi tính cột sống thắt lưng: Ít giá trị. Chủ yếu được chỉ định khi muốn đánh giá thêm
tình trạng xương của người bệnh hoặc nghi ngờ thoát vị canxi hoá.
3. Điều trị
- Nội
khoa: Là lựa
chọn cho đa số các trường hợp thoát vị mới bị, chèn ép thần kinh ít, mức độ đau
của người bệnh chưa nhiều. Nội dung điều trị bao gồm nghỉ ngơi, dùng đai lưng
hỗ trợ, thuốc giảm đau chống viêm và thuốc giãn cơ, hỗ trợ cột sống.
-
Phong bế rễ thần kinh: Là phương pháp vừa giúp chẩn đoán và
điều trị các bệnh lý thoát vị cột sống thắt lưng. Khi người bệnh dùng thuốc,
châm cứu kéo dãn cải thiện ít, các bác sĩ có thể lựa chọn giải pháp phong bế rễ
thần kinh. Dưới sự hướng dẫn của máy chụp tia xquang (C–arm), bác sĩ sẽ tiêm phức hợp thuốc giảm đau chống
viêm vào đúng vị trí khối thoát vị chèn ép rễ thần kinh để “phong bế” cảm giác
chèn ép, đau của rễ thần kinh đó. Đây là can thiệp đơn giản, nhanh, người bệnh
có thể ra viện trong ngày, chi phí thấp.
- Phẫu thuật: Đây là giải pháp điều trị giải quyết triệt để nguyên nhân (khối thoát vị chèn ép). Có khoảng 10% người bệnh bị thoát vị đĩa đệm có chỉ định phẫu thuật.
Phẫu thuật nội soi thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng ít xâm lấn tại Bệnh viện Bãi Cháy.
Chỉ định
phẫu thuật:
- Người bệnh được chẩn đoán xác định
bị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng - cùng, điều trị nội
khoa, vật lý trị liệu và phục hồi chức năng đúng phác đồ
3 – 6 tháng không cải thiện.
- Thoạt vị đĩa đệm có hội chứng đuôi
ngựa.
- Thoạt vị đĩa đệm có liệt, teo cơ
tiến triển.
Cùng với sự phát triển của y học thế
giới và khoa học kỹ thuật hiện đại, hiện nay có rất nhiều phương pháp phẫu
thuật đã được áp dụng cho các bệnh lý thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng như:
nội soi, phẫu thuật can thiệp ít xâm lấn, tạo hình nhân nhày đĩa đệm bằng sóng
cao tần, mổ mở lấy thoát vị đặt dụng cụ silicon hỗ trợ… Kết quả phẫu thuật đạt
được rất khả quan.
4. Phòng Bệnh
Để phòng ngừa thoát vị đĩa đệm cần
loại bỏ nguyên nhân gây bệnh, trong đó chú ý tư thế hợp lý trong lao động, vận
động và hoạt động, đặc biệt là tư thế lao động, tư thế ngồi, mang vác nặng. Khi
bê vác vật nặng nên ngồi xuống bê vật rồi từ từ đứng lên, tránh thói quen đứng
rồi cúi xuống, nhấc vật nặng lên; cần tập thể dục đúng cách.
Minh
Khương