Tiêm Vắc xin là giải pháp cần thiết trong phòng và điều trị cúm

  • 2023/11/30 02:51

Tại Việt Nam, bệnh cúm xuất hiện quanh năm và phát triển mạnh mẽ vào đầu hè hoặc giữa đông. Đặc biệt thời tiết giao mùa với nền nhiệt thất thường là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus gây bệnh lây lan, đặc biệt là cúm mùa. Thực tế nhiều người vẫn xem đây là căn bệnh thông thường, tuy nhiên nó có cũng thể để lại biến chứng vô cùng nguy hiểm.

Thời gian qua, khí hậu và môi trường tại Việt Nam đang chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đặc biệt là ảnh hưởng của hiện tượng El Nino trong nhiều tháng qua khiến nền nhiệt tăng cao thất thường. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi cho virus cúm dễ dàng phát triển và lan truyền mạnh mẽ hơn nữa trong xã hội. Do đó, việc tiêm vắc xin phòng cúm cho mọi đối tượng hiện là một cách an toàn và hiệu quả nhất để chúng ta phòng ngừa bệnh cúm.

Theo các chuyên gia y tế, thông thường bệnh cúm diễn biến nhẹ và hồi phục trong khoảng 2 đến 7 ngày nên nhiều người dễ chủ quan. Tuy nhiên ở các đối tượng như trẻ em, người lớn tuổi, người mắc bệnh mãn tính về tim, phổi, thận, bệnh có thể diễn tiến nặng hơn như viêm tai, viêm phế quản, viêm phổi, viêm não, thậm chí dẫn đến tử vong. 

Tại Việt Nam, hàng năm ghi nhận 1,6-1,8 triệu trường hợp mắc hội chứng cúm. Sử dụng vắc xin cúm là biện pháp dự phòng hiệu quả làm giảm 89% nguy cơ lây nhiễm cúm ở người khỏe mạnh, 78% số ngày nghỉ việc ở những người có độ tuổi làm việc, giảm 57% nguy cơ nhập viện. Việt Nam còn là một trong những điểm nóng trong khu vực về bệnh cúm, bao gồm cả cúm mùa.  Nhóm nhân viên y tế là một trong số các nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cúm cao nhất và cũng là một trong những mắt xích liên quan đến việc lây truyền vi rút cúm sang nhóm bệnh nhân được họ chăm sóc và điều trị. 


Tiêm phòng cúm cho nhân viên y tế tại Bệnh viện Bãi Cháy

Cúm có thể xảy ra ở nhiều lứa tuổi nhưng phổ biến và dễ gây biến chứng nặng chủ yếu là ở trẻ em, người cao tuổi và những người có bệnh lý nền.  Đối với trẻ nhỏ, trẻ thường xuất hiện sốt 39-40 độ, không đáp ứng với thuốc hạ sốt hoặc nhiều trường hợp có thể biến chứng viêm phổi, dẫn đến tử vong. Hay như đối với phụ nữ mang thai, nếu nhiễm virus cúm trong thai kì có thể dẫn đến nguy cơ dị tật bẩm sinh cho em bé, sinh non hoặc xảy thai ở mẹ. Đối với người mắc bệnh mãn tính, người có bệnh lý nền thì khi bị cúm cũng nặng nề hơn.

Việt Nam là quốc gia có thể nhiễm virus cúm quanh năm nên khuyến cáo người dân tiêm vắc xin vào bất cứ thời điểm nào trong năm. Tuy nhiên thời điểm tốt nhất để tiêm là từ đầu hè tới mùa thu để vắc xin có thể tạo được kháng thể, bảo vệ cơ thể trước mùa cúm mới. Đặc biệt, năm nay trước sự thay đổi thời tiết cùng sự gia tăng bất thường của nhiều dịch bệnh truyền nhiễm, việc tiêm vắc xin phòng cúm càng cần thiết hơn. 

Tổ chức y tế thế giới cũng đặc biệt khuyến cáo tiêm vắc xin cúm hằng năm cho các nhóm đối tượng có nguy cơ cao bao gồm trẻ em từ 6 đến 5 tuổi, phụ nữ có thai, người già trên 65 tuổi, người mắc bệnh mãn tính và nhân viên y tế. Phòng cúm giúp bảo vệ bạn không bị mắc cúm song vẫn có trường hợp tiêm phòng rồi vẫn bị mắc do vắc xin chưa đủ thời gian tác động hoặc chủng cúm mắc phải không có trong vắc xin. Mùa cúm cao điểm nhất thường vào mùa thu hoặc mùa đông, mọi người thường tiêm vào giữa tháng 9, tháng 10 hoặc tháng 11. 

Vắc xin phòng bệnh cúm là loại vắc xin cần thiết và chỉ cần thực hiện tiêm chủng 1 mũi/năm. Tuy nhiên với một số nhóm đối tượng nhất định thì việc tiêm chủng cần nhiều hơn theo chỉ định của bác sĩ. 

Việc tiêm vắc xin cúm nên được duy trì nhắc lại mỗi năm một lần để đảm bảo kháng thể tạo ra bởi vắc xin được duy trì. Trẻ em dưới 9 tuổi cần được bảo vệ bởi 2 liều cúm, mỗi liều cách nhau tối thiểu 1 tháng trước khi tiến hành tiêm nhắc lại mỗi năm một lần. Trẻ lớn trên 9 tuổi và người lớn cần tiêm vắc xin mỗi năm một lần. Chủ động tiêm chủng vắc xin phòng cúm ngay hôm nay để bảo vệ sức khoẻ bản thân và những người xung quanh.

Mạc Thảo