Viêm tụy cấp diễn biến nhanh, nguy cơ tử vong cao
Viêm tụy cấp là một trong những nhiễm
độc tiêu hóa thường gặp trên lâm sàng, xảy ra sau các bữa ăn chứa nhiều dầu mỡ,
nhiều đạm đặc biệt là sau những lần uống rượu bia. Vậy bệnh viêm tụy cấp có
nguy hiểm không? Biểu hiện diễn biến lâm sàng của viêm tụy cấp như thế nào?
1. Viêm tụy cấp là gì?
Viêm tụy cấp là tình trạng viêm nhiễm cấp
tính của các nhu mô tụy, có thể bao gồm cả tổn thương của các tổ chức cơ quan
lân cận. Bệnh có khả năng gây tử vong.
Có
3 nhóm nguyên nhân chính gây nên viêm tụy cấp:
- Rượu bia: là nguyên nhân chính gây nên tình
trạng viêm tụy cấp;
- Do tăng mỡ máu;
- Do bị sỏi mật gây tắc nghẽn dẫn đến tắc ống dẫn chung hoặc tắc cơ vòng Oddi làm ngưng dòng chảy của ống tụy. Các men tụy bị giữ lại gây phá hủy cấu trúc tuyến tụy;
- Ngoài ra viêm tụy cấp cũng có thể xảy ra do
chấn thương dập vùng tụy, do rối loạn chuyển hóa, do mắc các bệnh tự miễn…;
- Có khoảng 10-15% các trường hợp viêm tụy
cấp là không tìm thấy nguyên nhân.
*Lâm sàng viêm tụy cấp biểu hiện qua 3 thể
bệnh chính:
– Viêm tụy cấp thể phù nề;
– Viêm tụy cấp thể xuất huyết;
– Viêm tụy cấp thể xuất huyết hoại tử: Trường
hợp này có đến 80-90% tử vong.
2. Triệu chứng của viêm tụy cấp
– Triệu chứng lâm sàng của viêm tụy cấp không
điển hình nhưng thường gặp các dấu hiệu sau:
– Đau bụng cấp: Chủ yếu là đau vùng thượng
vị, đau dữ dội, xảy ra đột ngột sau một bữa ăn thịnh soạn nhiều chất đạm, nhiều
mỡ hoặc sau uống rượu bia. Đau kéo dài liên tục hoặc từng cơn, đau lan ra sau
lưng hoặc lan sang hạ sườn 2 bên. Cơn đau tụy cấp rất dễ bị nhầm với đau dạ
dày;
– Nôn, buồn nôn: Dấu hiệu buồn nôn xuất hiện
sau đau và không liên quan đến triệu chứng đau. Bệnh nhân thường nôn ra dịch
mật, dịch dạ dày hoặc máu;
– Chướng bụng, bí trung tiện: Là triệu chứng
thường gặp của viêm tụy cấp thể hoại tử nặng;
– Triệu chứng kèm theo: Có thể là rối loạn ý
thức, huyết áp tụt, thiểu niệu…
3. Bệnh viêm tụy cấp có nguy hiểm không?
Viêm tụy cấp nếu không được điều trị sẽ diễn
biến rất nhanh, phức tạp đến các biến chứng nặng, có thể dễ dàng ảnh hưởng đến
các cơ quan khác, thậm chí là gây tử vong. Đối với các trường hợp nặng, điều
trị hồi sức không đáp ứng, bệnh nhân cần được chỉ định làm phẫu thuật ngay để
cắt lọc các phần mô bị hoại tử. Dưới đây là những diễn biến nguy hiểm của viêm
tụy cấp:
Sốc: Là một trong những biến chứng sớm xảy ra
ở ngay những ngày đầu của bệnh. Sốc có thể do nhiễm khuẩn nặng hay do xuất
huyết. Trường hợp sốc do nhiễm khuẩn nhu mô tụy nặng thường xảy ra muộn hơn ở
tuần thứ 3 kể từ lúc bắt đầu có dấu hiệu viêm;
Xuất huyết: Biến chứng xuất huyết có thể xuất
hiện ở ngay tại tuyến tụy, trong xoang bụng, trong ống tiêu hóa hoặc các cơ
quan khác, dẫn đến tình trạng tổn thương các mạch máu. Biến chứng này xảy ra
trong tuần đầu tiên của bệnh. Tất cả những trường hợp có biến chứng xuất huyết
đa phần đều có tiên lượng nặng;
Nhiễm trùng tại tuyến tụy: Xảy ra ở cuối tuần đầu hoặc đầu tuần thứ hai của bệnh. Điều này là nguyên nhân chính dẫn đến sự hình thành các ổ áp xe ở tuyến tụy gây viêm phúc mạc toàn thể, hoại tử mô. Trường hợp này tiên lượng nặng;
Suy hô hấp cấp: Tiên lượng nặng;
Nang giả tụy: Xuất hiện ở tuần thứ 2 hoặc
tuần thứ 3 của bệnh nguyên nhân do quá trình đóng kén để khu trú các tổn thương
tại nhu mô tụy. Trong nang giả tụy có chứa các enzym tuyến tụy, các chất dịch
và các mảnh vỡ của nhu mô tuyến tụy. Nang này có thể được thu dọn hoặc tự dẫn
lưu vào đường tụy rồi biến mất sau 4 đến 6 tuần. Nang nếu để kéo dài có thể
tiến triển thành áp xe hoặc gây bội nhiễm.
Viêm tụy cấp là một trong những cấp cứu nội
khoa nghiêm trọng, có nhiều biến chứng với tiên lượng nặng bao gồm giảm thể
tích tuần hoàn, hoại tử nhu mô tụy, suy hô hấp cấp, nhiễm trùng huyết hay liệt
ruột cơ năng… Bệnh nếu không được điều trị có thể gây ra các biến chứng toàn
thân ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan chức năng khác như trụy tim mạch,
suy giảm chức năng thận,… đặc biệt gây chảy máu trong tụy có thể dẫn đến nguy
cơ tử vong ngay trong những ngày đầu bị bệnh.
4. Chẩn đoán Viêm tụy cấp
* Xét nghiệm máu
Công
thức máu: Trong viêm tụy cấp thì bạch cầu có thể tăng, Hematocrit có thể giảm
Chỉ số Amylase/máu tăng trên 3 lần trị số
bình thường, tăng đến mức tối đa và có thể kéo dài từ 3 – 5 ngày.
Amylase/nước tiểu tăng trên 2 tuần, chỉ số
này chỉ có giá trị khi Amylase/máu tăng chưa đến 3 lần so với giá trị bình
thường
Lipase/máu tăng gấp 3 lần so với bình thường,
có độ đặc hiệu cao hơn Amylase/máu
* Siêu âm chẩn đoán
Siêu âm ổ bụng có giá trị trong chẩn đoán và
tiên lượng bệnh. Tuy nhiên có khoảng 20% trường hợp viêm tụy cấp có hình ảnh
siêu âm bình thường lúc khởi đầu.
5. Điều trị
Điều trị nội khoa
– Hồi sức tích cực chống sốc: cần theo dõi
tình trạng huyết động, áp lực tĩnh mạch trung tâm, đặt sonde bàng quang theo
dõi nước tiểu…
– Giảm đau, chú ý không dung giảm đau dạng
Morphin
– Đặt sonde dạ dày, khi cần có thể hút liên
tục
– Hỗ trợ hô hấp: thở oxygen, có thể thở máy
áp lực dương, hoặc chọc hút dịch màng phổi…
– Giảm bài tiết dịch tụy: bằng các thuốc giảm
tiết acid dạ dày, kháng H2. Somatostatin đã được nhiều công trình nghiên cứu
chứng tỏ có tác dụng trong điều trị viêm tụy
– Chạy thận nhân tạo trong trường hợp suy
thận
– Chống nhiễm khuẩn: kháng sinh
Điều trị ngoại khoa
– Nếu có nguyên nhân cơ giới như sỏi mật,
giun chui ống mật: mổ giải quyết nguyên nhân, dẫn lưu đường mật, dẫn lưu hậu
cung mạc nối…
– Nếu không có nguyên nhân cơ giới: chỉ mổ với
trường hợp không đáp ứng với điều trị nội khoa hoặc có biến chứng như thủng
ruột, chảy máu…trong mổ có thể lấy tổ chức tụy hoại tử, hoặc cắt 1 phần tụy và
dẫn lưu rộng rãi…
6.
Phòng Bệnh
- Viêm tụy cấp thường do sỏi mật hoặc uống
quá nhiều rượu.Vì vậy một lối sống lành mạnh có thể làm giảm cơ hội phát triển
tình trạng này.
- Sỏi mật: Cách hiệu quả nhất
để ngăn ngừa sỏi mật là ăn nhiều rau củ quả mỗi ngày. Ăn nhiều bánh mì nguyên
hạt, yến mạch và gạo nâu, giảm chất béo - điều này giúp giảm lượng cholesterol
trong cơ thể bạn. Thừa cân cũng làm tăng cơ hội phát triển sỏi mật. Duy trì cân
nặng khỏe mạnh bằng cách ăn một chế độ ăn uống cân bằng và tập thể dục thường
xuyên để giảm nguy cơ phát triển tình trạng này.
- Rượu: giảm uống rượu, điều
này giúp ngăn ngừa tuyến tụy của bạn bị hư hại
- Không hút thuốc lá.
- Tầm soát các bệnh lý về rối
loạn lipid máu, calci máu.
Minh Khương