Virut viêm gan C: Nguyênn nhân, triệu chứng và cách phòng bệnh

  • 2023/11/08 03:27

Viêm gan C là bệnh truyền nhiễm do Hepatitis C virus (HCV) gây nên, là một bệnh thầm lặng nhưng để lại những hậu quả rất nặng nề, tuy vậy, bệnh viêm gan C còn ít được quan tâm. Hàng năm trên thế giới có khoảng 3% dân số mắc bệnh viêm gan C và có khoảng 170 triệu người lành mang virut viêm gan C.


Bệnh nhân viêm gan C được điều trị tại Khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Bãi Cháy.

1. Nguyên nhân mắc viêm gan C

Viêm gan C là do vi-rút viêm gan C (HCV) gây ra. Nhiễm trùng lây lan khi vi-rút xâm nhập vào máu của người không bị nhiễm bệnh.

2. Các yếu tố rủi ro tăng cường khả năng lây nhiễm

Nguy cơ nhiễm viêm gan C tăng lên đối với:

· Nhân viên chăm sóc sức khỏe tiếp xúc với máu bị nhiễm bệnh, điều này có thể xảy ra nếu kim bị nhiễm trùng đâm vào da;

· Người đã từng tiêm chích ma túy;

· Người bị nhiễm HIV;

· Người xăm hình trong môi trường và dụng cụ không được khử trùng đúng cách;

· Người được truyền máu hoặc ghép tạng mà máu không được kiểm tra trước;

· Người bị bệnh đông máu;

· Người điều trị chạy thận nhân tạo trong một thời gian dài;

· Người được sinh ra từ một người mẹ bị nhiễm viêm gan C;

Đây là những đối tượng thuộc nhóm tuổi có tỷ lệ mắc bệnh viêm gan C cao: từ 55-75 tuổi.

3. Con đường lây nhiễm viêm gan C

Vi-rút viêm gan C là một loại vi-rút lây truyền qua đường máu. Nó thường được truyền qua:

· Tiêm chích ma túy thông qua việc dùng chung kim tiêm;

· Tái sử dụng mà không khử trùng đúng cách các thiết bị y tế đặc biệt là ống tiêm và kim tiêm;

· Truyền máu không qua sàng lọc;

· Quan hệ tình dục (khác giới và kể cả đồng giới) không có bảo vệ với nhiều bạn tình hoặc với bạn tình không rõ tình trạng mắc bệnh, không có miễn dịch có nguy cơ cao khi chảy máu, trầy xước;

· HCV cũng có thể lây truyền từ người mẹ bị nhiễm sang con;

· Viêm gan C không lây lan qua sữa mẹ, thức ăn, nước hoặc tiếp xúc thông thường như ôm, hôn và chia sẻ thức ăn hoặc đồ uống với người bị nhiễm bệnh.

4. Triệu chứng bệnh viêm gan C

Viêm gan C cấp tính và viêm gan C mãn tính gây tổn thương gan đều có các dấu hiệu sau:

· Dễ chảy máu

· Dễ bầm tím 

· Mệt mỏi

· Chán ăn

· Vàng mắt (tròng trắng), vàng da

· Nước tiểu màu sẫm

· Ngứa da

· Chướng bụng

· Phù chân

· Giảm cân không rõ nguyên do

· Lú lẫn, thường buồn ngủ và sa sút trí tuệ (bệnh não gan)

· Nổi mạch máu trên da (Angiomas)

5. Xét nghiệm và chẩn đoán viêm gan C

Xét nghiệm kháng thể chống Hepatitis C Virus (Anti- HCV)

Đây là xét nghiệm đầu tiên để xác định có sự tồn tại của kháng thể kháng virus trong cơ thể bạn hay không.

· Nếu kết quả dương tính thì có nghĩa người bệnh có nguy cơ cao mắc viêm gan C, tuy nhiên vẫn cần làm thêm các xét nghiệm khác để chắc chắn.

· Nếu kết quả âm tính nhưng người bệnh nghi ngờ bản thân có nguy cơ lây nhiễm cao thì nên làm xét nghiệm lần 2 để cho ra kết quả chắc chắn hơn.

Các xét nghiệm tiếp theo nếu HCV dương tính:

Nếu kết quả cho thấy xét HCV dương tính, người bệnh cần thực hiện một số kiểm tra, xét nghiệm lâm sàng như sau:

· Đo tải lượng HCV (HCV –ARN): nếu kết quả dương tính có nghĩa chắc chắn người bệnh đã mắc viêm gan C

· Xét nghiệm chức năng gan: thăm dò chức năng gan, kiểm tra mức độ tổn thương gan do nhiễm virus

· Ngoài ra, tùy vào tình trạng bệnh, bác sĩ có thể chỉ định chụp CT, chụp MRI, siêu âm gan….

6. Biến chứng của viêm gan C

Nhiễm viêm gan C mạn tính trong thời gian dài có thể gây ra xơ gan hạn chế hoạt động bình thường của gan với các biến chứng:

·  Phù chân, chướng bụng và có thể dẫn đến nhiễm trùng nghiêm trọng

·  Phù mạch máu thực quản hoặc dạ dày. Một khi chúng bị vỡ và gây xuất huyết trong cần cấp cứu ngay lập tức

·  Sưng lá lách gây giảm bạch cầu hoặc tiểu cầu

·  Sỏi mật

·  Nhạy cảm hơn với thuốc vì gan không thể lọc chúng khỏi máu

·  Kháng insulin nội tiết tố dẫn đến bệnh tiểu đường typ II

·  Suy thận và phổi

·  Ung thư gan: Một số ít người bị nhiễm viêm gan C có thể bị ung thư gan

·  Não gan: lơ mơ, suy giảm trí tuệ có thể dẫn đến hôn mê

·  Suy gan: Xơ gan tiến triển có thể khiến gan ngừng hoạt động gây suy gan

7. Viêm gan C có chữa được không?

Viêm gan C có thể chữa được. Tuy nhiên, việc chữa trị không dễ dàng hay thoải mái và yêu cầu người bệnh phải nghiêm túc tuân theo phác đồ trong thời gian dài. Mặc dù vậy, việc điều trị không phải lúc nào cũng loại bỏ hoàn toàn được vi-rút. 

8. Phòng ngừa viêm gan C

- Thay đổi thói quen, lối sống

- Ăn một chế độ ăn uống cân bằng, đầy đủ dinh dưỡng là một trong những cách tốt nhất để giữ sức khỏe. Nếu người bệnh bị tích tụ chất lỏng dẫn đến sưng phù, bác sĩ có thể yêu cầu cắt giảm muối.

- Tránh uống rượu. Sử dụng bất cứ một loại thuốc, chất bổ sung và thảo dược nào cần phải tham khảo bác sĩ để chắc chắn nó an toàn, không gây hại cho gan.

*Đối với người chưa mắc tự phòng ngừa

Không có vắc-xin hiệu quả chống lại viêm gan C. Do đó, việc ngăn ngừa nhiễm HCV phụ thuộc vào việc giảm nguy cơ lây truyền vi-rút:

· Đảm bảo an toàn khi tiêm thuốc chăm sóc sức khỏe;

· Xử lý an toàn và xử lý vật sắc nhọn và chất thải;

· Xét nghiệm máu kiểm tra HBV và HCV (cũng như HIV và giang mai);

· Cán bộ y tế cần được đào tạo để đảm bảo an toàn cho bản thân cũng như người bệnh khác nhau trong quá trình chăm sóc sức khỏe;

· Quan hệ tình dục có bảo vệ, phòng ngừa tiếp xúc máu;

· Vệ sinh tay sạch sẽ sau khi sử dụng bao cao su, phẫu thuật,…hay tiếp xúc với bất kỳ dịch có chứa máu (mặc dù có bao tay cao su bảo vệ);

*Phòng ngừa thứ cấp đối với người đã mắc

Đối với những người bị nhiễm vi-rút viêm gan C, WHO khuyến cáo:

· Giáo dục và tư vấn về các lựa chọn chăm sóc và điều trị;

· Chủng ngừa bằng vắc-xin viêm gan A và B để ngăn ngừa nhiễm trùng từ các vi-rút viêm gan này và để bảo vệ gan;

· Kiểm tra gan sớm, thường xuyên và điều trị phù hợp bao gồm điều trị bằng thuốc kháng vi-rút; và theo dõi thường xuyên để chẩn đoán sớm bệnh gan mạn tính;

· Sàng lọc, chăm sóc và điều trị cho những người bị nhiễm viêm gan C

 Minh Khương