WHO xác nhận trường hợp nhiễm cúm gia cầm H9N2, cách phát hiện và phòng bệnh cúm
Ngày 12/6, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác nhận một trường hợp nhiễm virus cúm gia cầm H9N2 ở người tại bang Tây Bengal, miền đông Ấn Độ.
Đây là trường hợp nhiễm H9N2 ở người thứ hai được ghi nhận tại quốc gia này, sau trường hợp đầu tiên vào năm 2019.
Các ống xét nghiệm dương tính với cúm H9N2. (Nguồn: Reuters)
Bệnh nhân là một bé trai 4 tuổi, nhập viện từ tháng hai vừa qua với các triệu chứng sốt cao, đau bụng và các vấn đề về hô hấp nghiêm trọng dai dẳng. Hiện bé đang được điều trị tại phòng hồi sức tích cực nhi khoa (ICU) của một bệnh viện địa phương.
Theo WHO, gia đình và những người tiếp xúc gần gũi với bệnh nhi đều chưa ghi nhận trường hợp nào có triệu chứng cúm. Hiện tại, chưa có thông tin cụ thể về tình trạng tiêm chủng và điều trị bằng thuốc kháng virus của bệnh nhân.
Cúm H9N2 là một loại virus cúm gia cầm có khả năng lây nhiễm từ gia cầm sang người. Virus này thường gây ra các triệu chứng nhẹ như cúm thông thường, bao gồm sốt, ho, đau họng, sổ mũi và đau cơ thể. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, H9N2 có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, suy hô hấp và thậm chí tử vong.
Hiện tại, nguy cơ lây lan virus H9N2 từ người sang người vẫn còn thấp. Tuy nhiên, WHO khuyến cáo người dân nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau để giảm nguy cơ mắc bệnh:
- Tránh tiếp xúc trực tiếp với gia cầm, đặc biệt là gia cầm ốm hoặc chết.
- Nấu chín thịt gia cầm kỹ lưỡng trước khi ăn.
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với gia cầm hoặc sản phẩm gia cầm.
- Tránh tiếp xúc với người bệnh cúm.
WHO đang chủ động theo dõi và giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, đảm bảo cập nhật thông tin mới nhất một cách nhanh chóng, kịp thời.
Theo SKĐS