Cần xem dịch sốt xuất huyết như sự kiện y tế công cộng khẩn cấp
5 năm qua, dịch bệnh sốt xuất huyết liên tục hoành hành, theo đúng chu kỳ dịch 4-5 năm một lần mà các chuyên gia dịch tễ đã cảnh báo. Hiện dịch đang có dấu hiệu bùng phát trở lại vào năm 2022 với gần 300.000 ca.
Những bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nặng được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Hiếu Hiếu
Sốt
xuất huyết nặng đến mức suy đa tạng, men gan tăng, suy gan, suy thận
"Chưa năm nào, gia đình tôi lại có nhiều người mắc sốt xuất huyết
cùng lúc như thế. Hàng xóm cũng mắc nhiều. Sốt xuất huyết sao mà nó mệt như
vậy. Cả nhà cứ người này sắp khỏi thì người kia nhập viện, 2 bố con cùng nhập
viện, muốn chăm sóc con mà người cứ bải hoải, đau đầu như búa bổ, không thể nào
gượng dậy được. Lúc nhập viện, tiểu cầu giảm còn có 19. Nếu không nhập viện, có
lẽ tôi không sống nổi" - anh Nguyễn Đình Hoàn (quận Cầu Giấy- Hà Nội) vẫn
chưa hết bàng hoàng, chia sẻ về 13 ngày nằm viện điều trị sốt xuất huyết.
Cùng cảnh ngộ, chị Hà Thị Hiền (SN 1992 - TX Sơn Tây, Hà Nội) cũng bị ám
ảnh bởi những ngày mệt mỏi, khổ sở vì sốt xuất huyết. Chủ quan nghĩ sức khỏe
tốt, những ngày đầu chị Hiền không đi viện, xét nghiệm dương tính sốt xuất
huyết, chị Hiền mua thuốc hạ sốt và một vài loại thuốc điều trị tại nhà. Nhưng
càng ngày, chị càng cảm thấy yếu ớt, không thể tiếp tục cố gắng. Ngày thứ 5,
chị Hiền buộc phải nhập viện vì tiểu cầu giảm mạnh. Sau gần 2 tuần, chị mới
được xuất viện.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, không ít bệnh nhân mắc sốt xuất
huyết đang trong tình trạng nặng, phải thở máy. Nhìn cảnh bệnh nhân nằm bất
động trên giường bệnh, máy móc chạy quanh người, mới thấy sức tàn phá sức khỏe
con người khủng khiếp của dịch bệnh.
PGS-TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch
Mai - cho biết, theo chu kỳ 5 năm miền Bắc sẽ xảy ra một đợt dịch sốt xuất
huyết lớn và dự báo năm nay sẽ có dịch sốt xuất huyết lớn xảy ra.
Tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, số lượng bệnh nhân sốt xuất huyết ở Hà Nội
và các tỉnh lân cận đang gia tăng. Cụ thể, trong tháng 8, số bệnh nhân sốt xuất
huyết có dấu hiệu cảnh báo phải nhập viện chỉ 70 ca, đến tháng 9, con số này
tăng lên 160 ca và từ đầu tháng 10 đến nay, Trung tâm đã ghi nhận thêm hàng
trăm bệnh nhân.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, số ca mắc và nhập viện tăng vọt so với những
năm trước. Các chuyên gia lo ngại, trong tháng 11 này và 12 tới có thể sẽ là
đỉnh dịch của sốt xuất huyết năm nay. Mỗi ngày, có hàng chục bệnh nhân nặng
phải nhập viện điều trị. Các bệnh nhân đến trong tình trạng tiểu cầu giảm nặng
hoặc biểu hiện cô đặc máu, sốc, suy đa tạng... nhiều bệnh nhân tiểu cầu chỉ còn
dưới 5G/L. Nhiều bệnh nhân còn có bệnh nền như bệnh gan, thận, tim, hoặc trên
cơ địa phụ nữ có thai, trẻ em cần phải theo dõi điều trị sát sao.
PGS-TS Đỗ Duy Cường cho biết, nhiều người khi bị sốt thì nghĩ do
COVID-19, cúm hoặc một số bệnh khác, không nghĩ tới bệnh sốt xuất huyết. Chỉ
đến ngày thứ 4, thứ 5 của bệnh, khi máu bị cô đặc và có biểu hiện tiểu cầu hạ
quá thấp thì mới đến viện.
Lúc đó, bệnh nhân phải truyền tiểu cầu, hoặc dung dịch cao phân tử. Một
số trường hợp nặng dẫn đến suy đa tạng, men gan tăng, suy gan, suy thận, thậm
chí có bệnh nhân suy đa tạng phải lọc máu.
Nên ứng xử với dịch bệnh sốt xuất huyết như một sự kiện y tế công cộng khẩn cấp
Với hơn 1.000 ca mắc, dịch sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đang diễn biến phức tạp. Ảnh: LĐƠ
Theo
Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế, Việt Nam nằm trong khu vực Đông Nam Á - là khu vực
lưu hành sốt xuất huyết quanh năm với số mắc và tử vong cao.
Diễn biến dịch tễ cho thấy, số mắc tăng từ tháng 9 đến
giữa tháng 11 hằng năm (vào mùa mưa, khí hậu, thời tiết thuận lợi). Với tốc độ
đô thị hóa nhanh, nhiều công trường xây dựng, đất bỏ hoang, nhà trọ, lán trại,
nghĩa trang... là môi trường thuận lợi cho muỗi và loăng quăng truyền bệnh...
Vì vậy, để có thể kiểm soát triệt để dịch bệnh sốt xuất huyết là một bài toán
khó.
Bà Trần Thị Nhị Hà - Đại biểu Quốc hội, Giám đốc Sở Y tế
Hà Nội - cho rằng, đã đến lúc, chúng ta nên ứng xử với dịch bệnh sốt xuất huyết
như một sự kiện y tế công cộng khẩn cấp.
"Qua kiểm tra, giám sát, người dân trên địa bàn
thành phố vẫn còn lơ là, chủ quan. Đặc biệt, ở các khu nhà trọ, những người dân
thuê trọ mới chuyển đến chưa được tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh sốt
xuất huyết" - bà Hà nói.
Bà Trần Thị Nhị Hà cho hay, điều quan trọng nhất để ngăn
chặn sẽ bùng phát của dịch sốt xuất huyết là diệt muỗi, loăng quăng, bọ gậy,
phòng muỗi đốt và giữ vệ sinh sạch sẽ nhà ở cũng như môi trường xung quanh.
Đến thời điểm này, số ca mắc sốt xuất huyết năm 2022 tại
thủ đô Hà Nội đã vượt qua ngưỡng cảnh báo dịch, tình hình dịch đang diễn biến
phức tạp. Cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội đã có 12.059 ca mắc sốt xuất
huyết (tăng gấp 3,8 lần so với số mắc cùng kỳ năm 2021), trong đó có 12 ca tử
vong (trong khi năm 2021 không có ca tử vong do sốt xuất huyết). Bệnh nhân phân
bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 545/579 xã, phường, thị trấn. Type virus
Dengue lưu hành đã xác định được là DENV1 và DENV2, DENV4.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội dự báo, dịch bệnh sốt xuất huyết
trong thời gian tới vẫn sẽ diễn biến phức tạp, số ca mắc có thể tiếp tục gia
tăng do điều kiện khí hậu phù hợp cho sự phát triển của muỗi truyền bệnh, kết
hợp với việc di biến động dân cư trên địa bàn thành phố.
Từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 292.400
trường hợp mắc sốt xuất huyết, 112 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2021
(56.240/21), số ca mắc sốt xuất huyết tăng 4,8 lần, số ca tử vong tăng 91
trường hợp. Thời gian qua, dịch bệnh sốt xuất huyết bùng phát mạnh tại một số
tỉnh, thành phố. Các địa phương đã phải tăng cường giám sát, phát hiện, xử lý
kịp thời các ổ dịch trong cộng đồng, tổ chức phân tuyến, thu dung, cấp cứu,
điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết.