Đã có hơn 211.000 ca mắc sốt xuất huyết, 87 ca tử vong

  • 2022/09/20 00:51

Cả nước đã ghi nhận 211.388 ca mắc sốt xuất huyết, 87 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm ngoái, số mắc và tử vong đều tăng. Sốt xuất huyết và COVID-19 là hai bệnh do hai loại virus khác nhau gây ra. Tuy vậy, trong giai đoạn đầu, các triệu chứng của 2 bệnh có thể bị nhầm với nhau

Ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội tăng 4,5 lần

Theo tổng hợp báo cáo của các địa phương, tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 211.388 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 87 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm ngoái, số mắc và tử vong đều tăng.

Tại Hà Nội, theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua, số ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục tăng cao so với tuần trước. Tính từ đầu năm đến ngày 16/9, Hà Nội ghi nhận 3.023 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gấp 4,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái), trong đó có 4 ca tử vong. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện và 395/579 xã, phường, thị trấn.

Cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 311 ổ dịch tại 28 quận, huyện. Hiện còn 118 ổ dịch đang hoạt động tại 26 quận, huyện, trong đó, 2 ổ dịch đang hoạt động có nhiều bệnh nhân là ổ dịch thôn Vực, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì (có 55 bệnh nhân) và ổ dịch thôn Bùng, xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất (có 56 bệnh nhân).


Theo tổng hợp báo cáo của các địa phương, tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 211.388 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 87 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm ngoái, số mắc và tử vong đều tăng.

Dự báo, số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội tiếp tục gia tăng trong thời gian tới do đang trong cao điểm mùa dịch.

Virus gây bệnh sốt xuất huyết có 4 chủng khác nhau, là: Dengue 1, Dengue 2, Dengue 3 và Dengue 4. Hà Nội đã phát hiện ra 3 chủng virus gây bệnh trên địa bàn thành phố trong năm 2022 là Dengue 1, Dengue 2 và Dengue 4.

Trước diễn biến ca mắc sốt xuất huyết tăng nhanh, cách đây 10 ngày, Cục Quản lý dược - Bộ Y tế đã đề nghị các cơ sở nhập khẩu thuốc khẩn trương liên hệ, tìm các nguồn cung ứng đối với các thuốc chứa dextran 40 hoặc dextran 70 điều trị sốc sốt xuất huyết.

Cục Quản lý Dược cũng yêu cầu sau khi tìm được nguồn cung ứng, các cơ sở nhập khẩu này phải liên hệ với các cơ sở khám chữa bệnh để xác định nhu cầu, ký hợp đồng và nộp hồ sơ đề nghị cấp phép nhập khẩu về Cục.

Cục Quản lý dược yêu cầu các đơn vị cung ứng đầy đủ thuốc theo dự trù của các Sở Y tế, các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ khi nhập khẩu được thuốc và báo cáo về Cục Quản lý Dược về tình hình nhập khẩu.

Người đã mắc sốt xuất huyết vẫn có thể tái nhiễm chủng khác

Song song với dịch COVID-19 có số ca mắc mới hàng ngày trên 2.000 ca, sốt xuất huyết đang gia tăng ở nước ta. Sốt xuất huyết và COVID-19 là hai bệnh do hai loại virus khác nhau gây ra. Tuy vậy, trong giai đoạn đầu, các triệu chứng của hai bệnh có thể bị nhầm lẫn với nhau.

TS Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết trong 10 năm qua, tỉ lệ tử vong do sốt xuất huyết ở Việt Nam vẫn ở mức thấp trong khu vực. Tuy nhiên do nhiều yếu tố khách quan, đặc biệt là dịch COVID-19 kéo dài khiến nhiều đơn vị gặp khó khăn, ca tử vong năm nay tăng cao hơn so với năm ngoái.

Theo các chuyên gia, bệnh sốt xuất huyết gặp ở cả trẻ em và người lớn. Đặc điểm của sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy đa tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.

Bắt đầu từ ngày thứ 4, bệnh có dấu hiệu nguy hiểm. Vì thế, trong những ngày đầu người bệnh có thể ở nhà, uống thuốc hạ sốt, bù dịch hoặc đi khám để được bác sĩ cho đơn và hẹn tái khám. Từ ngày thứ 4 thì nên vào viện vì đây là lúc có thể xuất hiện những dấu hiệu nguy hiểm.

Người dân khi có biểu hiện sốt cao đột ngột, đau đầu, đau mỏi người… cần đến ngay cơ sở y tế để làm xét nghiệm chẩn đoán bệnh, tránh những biến chứng như sốc, suy đa tạng, chảy máu.

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, sau khi bệnh nhân nhiễm phải một trong các chủng virus sốt xuất huyết thì cơ thể đã có khả năng miễn dịch với chủng đó suốt đời. Tuy nhiên, họ vẫn có thể tái nhiễm sốt xuất huyết do chủng khác gây nên. Điều đáng lo ngại là lần nhiễm sau sẽ nặng hơn lần nhiễm trước đó.


Sốt xuất huyết và COVID-19 là hai bệnh do hai loại virus khác nhau gây ra. (Nguồn WHO)


Sốt xuất huyết và COVID-19 trong giai đoạn đầu, các triệu chứng có thể bị nhầm lẫn với nhau. (Nguồn: WHO)

Để phòng bệnh sốt xuất huyết, Bộ Y tế kêu gọi người dân mỗi tuần dành 10 phút để diệt bọ gậy/lăng quăng và thực hiện các biện pháp phòng bệnh như: kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thay rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng.

Bên cạnh đó, các gia đình thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh...; loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng.

Người dân cần ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt.