Hãy chủ động phòng, chống bệnh dại: vì một sức khỏe, không tử vong

  • 2022/09/27 09:02

Hưởng ứng Ngày Thế giới Phòng chống Bệnh dại 28/09/2022 với chủ đề “Hãy chủ động phòng, chống bệnh dại: vì một sức khỏe, không tử vong”. Tổ chức Y tế Thế giới nhấn mạnh việc hợp tác đa ngành trong phòng, chống bệnh dại, là chìa khóa quan trọng để đạt được thành công và khuyến khích sự tham gia của tất cả mọi người và các ban ngành liên quan, hướng tới một mục tiêu chung: không còn ca tử vong vì bệnh dại vào năm 2030.


Tại Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2022 ghi nhận 40 ca tử vong do Dại tại 22 tỉnh, tương đương cùng kỳ năm 2021.

Theo CDC Quảng Ninh, trong tháng 9 năm 2022 toàn tỉnh ghi nhận 01 con chó Dại cắn nhiều người tại xã Quảng Nghĩa, Móng Cái (xét nghiệm mẫu bệnh phẩm chó cho kết quả dương tính với virus Dại). Đồng thời ghi nhận 07 sự kiện chó nghi Dại cắn nhiều người, trong đó Bình Liêu (04), Tiên Yên (01) và Móng Cái (01), Quảng Yên (01).

Dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do virus, lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn của động vật mắc bệnh. Dại là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, người mắc bệnh Dại khi đã lên cơn tỉ lệ tử vong là gần 100%. Cho tới nay, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Tiêm vắc-xin phòng Dại vẫn là biện pháp duy nhất và hiệu quả để phòng ngừa bệnh Dại cho người bị chó cắn.

Người bị mắc bệnh Dại do bị lây truyền vi rút Dại qua vết cắn, vết cào, liếm của động vật bị Dại trên da bị tổn thương (thường là chó, mèo). Ở nước ta, chó là nguồn truyền bệnh Dại chủ yếu cho người (96-97%). Ngoài ra virus Dại còn có thể lây truyền từ người sang người qua tiếp xúc với dịch tiết, chất tiết của bệnh nhân mắc bệnh Dại.


Các dấu hiệu cơ bản để nhận biết bệnh Dại

Khi bị nhiễm vi rút dại, bệnh có rất nhiều triệu chứng biểu hiện, thường được chia ra làm 3 giai đoạn chính: 

Giai đoạn 1: Thời kỳ ủ bệnh của vi rút và là điều kiện, môi trường để cho vi rút phát triển. Thời kỳ ủ bệnh của vi rút khoảng từ 20-60 ngày cho đến 90 ngày, và thời gian dài hay ngắn phụ thuộc vào vết cắn, vết cắn càng gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn. Ngoài ra có một số trường hợp có thể có thời gian ủ bệnh đến hàng năm. 

Giai đoạn 2: Đây là thời kỳ khởi phát, thời gian trước khi phát bệnh từ 2 đến 4 ngày người bệnh có cảm giác đau nhức vết cắn, sưng tấy lên. Những dấu hiệu này lan rộng theo hệ thống thần kinh và hệ thống bạch huyết, đồng thời kèm theo một số triệu chứng như: bồn chồn, nóng nảy, cáu giận la hét vô cớ…

Giai đoạn 3: Thời kỳ toàn phát, đây là thời kỳ bệnh bắt đầu phát triển rất mạnh và có 2 thể lâm sàng:

- Thể hung dữ - bệnh nhân tăng kích thích: sợ nước, hốt hoảng; cơn co giật; co thắt thanh quản và cơ hô hấp; ngừng tim, ngừng thở. Rối loạn thần kinh thực vật: sốt cao, đồng tử giãn không đều, tăng tiết, hạ huyết áp thế đứng. Triệu chứng điển hình: sợ gió, sợ nước, sợ ánh sáng. Giữa hai cơn, bệnh nhân vẫn tỉnh táo. Bệnh tiến triển nhanh chóng hôn mê, ngừng thở, ngừng tim. Thường tử vong trong 2 đến 4 ngày sau khi lên cơn vì liệt cơ hô hấp.

- Thể bại liệt - thường ít gặp hơn và nếu gặp thì sẽ xuất hiện hiện tượng liệt rất nhanh sau những cơn co thắt. Lúc đầu có thể dị cảm ngay vết cắn, đau cột sống, đau nơi bị cắn, liệt tiến triển lan toả lên chi trên, mất phản xạ gân xương, liệt cả cơ cổ, mặt lưỡi (gây sặc), liệt các cơ hô hấp. Tử vong chậm hơn thể hung dữ, có thể kéo dài từ 2 - 20 ngày.B

Để chủ động phòng chống bệnh Dại, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

- Người dân hạn chế nuôi chó, mèo. Nếu nuôi phải tiêm phòng bệnh dại định kỳ theo hướng dẫn của cơ quan Thú y. Vật nuôi phải được nhốt, không được thả rông; Khi đi ra ngoài phải được rọ mõm, không cho trẻ đùa nghịch với chó, mèo đặc biệt là khi chúng đang ăn, đang bị ốm, v.v.

- Khi tiêm vắc xin phòng bệnh dại, yêu cầu phải tuân thủ: Tiêm đủ liều, đúng lịch, không uống rượu bia, không dùng thuốc Corticoid và thuốc ức chế miễn dịch.


- Theo dõi tình trạng con vật sau khi cắn người trong vòng 2 tuần (ốm, chết, lên cơn dại…) để có hướng xử lý tiếp theo.

- Không tiếp xúc với con vật bị dại hoặc nghi dại; Không mua bán, vận chuyển chó mèo ra, vào vùng dịch.

- Báo ngay cho chính quyền, cơ quan thú y tại địa phương để có biện pháp tiêu hủy chó mèo bị dại; cách ly theo dõi động vật nghi dại; tiêm phòng dại cho động vật khỏe mạnh sống trong vùng dịch.

Trong trường hợp bị chó, mèo cắn, việc cần phải làm ngay là:

1. Rửa và xối nước ngay vào vết cắn liên tục trong vòng 15 phút với nước sạch và xà phòng đặc.

2. Sát khuẩn vết cắn với thuốc sát trùng như cồn y tế, cồn i-ốt (thuốc đỏ) nếu có, hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương.


3. Đến ngay Trung tâm Y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm vắc xin phòng bệnh dại kịp thời. Tuyệt đối không tự chữa hoặc nhờ thầy lang khám chữa.

4. Nếu chó, mèo cắn người, cần thông báo ngay cho cán bộ thú y xã và trưởng khu phố để giúp bắt chó lại.

Toàn dân hãy chủ động phòng, chống bệnh dại để bảo vệ sức khỏe cho chính mình, cho cộng đồng và không có ca tử vong vì bệnh dại trong tương lai./.

 Minh Khương