Không thể tự chủ bệnh viện trên danh nghĩa
Theo Nghị quyết số 33, sau 2 năm thí điểm tự chủ toàn diện, nếu không hiệu quả sẽ thực hiện theo quy định hiện hành, tức là Nghị định 60 (quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập) đang áp dụng tại một số cơ sở y tế như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Việt Đức...
Một ca mổ tại Bệnh viện K Hà Nội. Ảnh: T.LINH
Khám mãi chẳng ra bệnh
Trao đổi với phóng viên Lao Động về vấn đề tự chủ bệnh viện, bác sĩ Trần Văn Phúc - một trong 10 thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2014, hiện công tác tại Bệnh viện Saint Paul, Hà Nội, cho rằng, tự chủ hiện nay không phải tự chủ đúng nghĩa, chỉ tự chủ trên danh nghĩa, giao tự chủ cho các bệnh viện nhưng lại "trói chân, trói tay họ lại, quẳng xuống sông rồi bảo anh tự bơi đi" - vậy thì làm sao họ có thể bơi được?
Theo bác sĩ Phúc, cần sớm giải bài toán tính đúng tính đủ giá dịch vụ y tế. "Cứ nói rằng khống chế giá dịch vụ y tế, để có dịch vụ y tế giá rẻ, nhưng thực chất, nếu giá rẻ thì chỉ mua được rất nhiều rủi ro, chứ không mua được thuận lợi. Vì vậy, việc đầu tiên là phải tính đúng tính đủ với các dịch vụ y tế, thứ 2 đảm bảo quỹ Bảo hiểm y tế để dân đi khám bệnh không cần bỏ tiền túi ra nữa"- bác sĩ Phúc nói.
Phân tích cụ thể hơn, bác sĩ Phúc cho hay: Hiện nay, hầu hết giá dịch vụ y tế ở bệnh viện công "càng làm càng lỗ".
"Tôi đơn cử, giá dịch vụ siêu âm đang bị khống chế giá ở các bệnh viện công là 43.000 đồng. Như vậy, chúng ta chỉ có thể mua được máy siêu âm thế hệ cũ, tính năng kém, giá trị khoảng 500 - 600 triệu đồng, không thể nào mua nổi máy siêu âm đời mới, nhiều tính năng có giá 3 - 5 tỉ đồng. Vậy các bệnh viện phải làm sao?
Phải mua máy giá rẻ, phải cố gắng làm thật nhiều bệnh nhân để bù vào. Khi làm nhiều bệnh nhân, trên một cái máy kém chất lượng thì rất khó để chẩn đoán đúng bệnh. Và bệnh nhân phải đi hết bệnh viện nọ đến bệnh viện kia, làm 9-10 lần siêu âm cũng chẳng ra được bệnh".
Vì vậy, theo bác sĩ Phúc, không thể "cào bằng" giá dịch vụ siêu âm là 43.000 đồng tại các bệnh viện trên toàn quốc được, mà phải tính trên máy siêu âm này thì 43.000 đồng, nhưng máy siêu âm hiện đại thì phải 430.000 đồng, thậm chí hơn...
Tất cả các giá dịch vụ phải khác nhau, miễn sao cơ sở y tế đưa ra được 7 cấu phần giá theo đúng quy định mà Bộ Tài chính, Bộ Y tế đưa ra quy định tại các thông tư, lý giải vì sao thu đắt hơn ở nơi khác những 10 lần? Bệnh viện phải chứng minh được thu như vậy là đúng.
Không thể áp giá chung cho tất cả các bệnh viện
Một vấn đề cũng quan trọng không kém, đó là nếu bệnh viện thu đúng thì bảo hiểm phải chi trả đủ 430.000 đồng chứ không để người bệnh phải chi trả. Khi đưa ra các giá đó, thu đúng, thu đủ thì sẽ đảm bảo trong đó có tiền công của nhân viên y tế, bệnh viện có chi phí để mua sắm trang thiết bị, đầu tư...
"Cần làm lại tự chủ bệnh viện một cách đúng nghĩa. Còn tự chủ hiện nay, như các Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K vừa xin dừng, đó không phải tự chủ mà là để bệnh viện tự hạch toán, nhưng lại khống chế mức giá và luôn là mức giá lỗ" - bác sĩ Phúc nói.
Bác sĩ Phúc cũng cho rằng, không ít bệnh viện công hiện nay rơi vào tình trạng "càng mổ thì càng lỗ". Đơn cử như mổ ruột thừa, càng mổ nhiều thì càng lỗ nhiều. Vì thế, một số bệnh viện tuyến dưới không muốn làm, họ "lấy cớ" là không đủ khả năng và họ chuyển lên tuyến trên. Dẫn đến ùn tắc bệnh nhân ở các bệnh viện tuyến trên, trong khi tuyến dưới thì không có bệnh nhân.
Về vấn đề tiền lương của nhân viên y tế, bác sĩ Phúc cho rằng, không nên chỉ trông chờ vào ngân sách Nhà nước, phải giao các bệnh viện tự lo và các bệnh viện phải được tự chủ thực sự.
Như vậy, sẽ đảm bảo được chất lượng y tế, đảm bảo được thu nhập nhân viên y tế, sẽ giúp được cho người bệnh. Cơ chế bảo hiểm y tế cũng cần phải thay đổi để người bệnh đi khám không phải bỏ tiền túi ra nhiều như hiện nay.
Tháng 8.2022, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K lần lượt xin dừng thí điểm toàn diện theo Nghị quyết 33/NQ-CP.
TS-BS Dương Đức Hùng - Chủ tịch Hội đồng quản lý Bệnh viện Bạch Mai - cho rằng, một trong những lý do Bệnh viện Bạch Mai xin dừng thí điểm tự chủ toàn diện là do chưa có cơ chế để thực hiện tự chủ.
"Từ năm 2020, Bệnh viện Bạch Mai được giao làm thí điểm tự chủ, bệnh viện chưa bao giờ được giao đủ điều kiện tự chủ là tự chủ về tổ chức bộ máy, tự chủ về giá và giao vốn để làm tự chủ. Điều đó có nghĩa bệnh viện đang tự chủ trên danh nghĩa" - ông Hùng nói.
Ngày 7.11, Văn phòng Chính phủ trả lời về kết quả thực hiện thí điểm tự chủ bệnh viện theo Nghị quyết số 33.
Trả lời báo cáo của Bộ Y tế về việc tiếp tục thực hiện tự chủ Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K sau thời gian thí điểm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ Y tế thực hiện theo quyết nghị của Chính phủ tại Nghị quyết số 33.
Theo Nghị quyết số 33, sau hai năm thí điểm tự chủ toàn diện, nếu không hiệu quả sẽ thực hiện theo quy định hiện hành, tức là Nghị định 60 hiện đang áp dụng tại một số cơ sở y tế như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Việt Đức...
Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Y tế báo cáo rõ nguyên nhân chưa thực hiện thí điểm tự chủ của Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Chợ Rẫy. Bên cạnh đó, làm rõ bài học kinh nghiệm, tồn tại, hạn chế, vướng mắc cần phải khắc phục, điều chỉnh.
Đồng thời, nêu rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đối với các tồn tại, hạn chế và đề xuất, kiến nghị cụ thể các cơ chế, chính sách cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện cơ chế tự chủ các bệnh viện công lập.
Bộ Y tế tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến các bộ, ngành đối với nội dung đánh giá nêu trên, khẩn trương hoàn thiện báo cáo, trình Chính phủ trước ngày 25.11.
Theo báo Lao động, trang 1