Người tham gia BHYT tiếp cận dịch vụ khám chữa bệnh ngày càng thuận lợi

  • 2024/06/28 01:28

Bộ Y tế cho biết, sau 15 năm triển khai thực hiện Luật BHYT đầu tiên của Việt Nam ngày 1/7//2009 - ngày 1/7/2024, với sự vào cuộc và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, hướng tới mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân, chính sách BHYT của Việt Nam đã trở thành nguồn tài chính chủ yếu cho chăm sóc sức khỏe nhân dân...


Số lượt người có thẻ BHYT đi khám chữa bệnh tăng nhanh qua từng năm. Quyền lợi của người tham gia BHYT ngày càng mở rộng.

Hệ thống cơ sở cung ứng dịch vụ khám chữa bệnh BHYT gia tăng nhanh chóng

Bà Trần Thị Trang - Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho biết, đến nay số người tham gia BHYT là hơn 93,3 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 93,35% dân số.

Số lượt người có thẻ BHYT đi khám chữa bệnh tăng nhanh qua từng năm. Nếu như năm 2010 có 102 triệu lượt (93,7 triệu lượt khám chữa bệnh ngoại trú và 8,3 triệu lượt điều trị năm nội trú). Năm 2019, số lượt khám chữa bệnh BHYT là 184 triệu lượt, trong đó, số lượt khám chữa bệnh BHYT ngoại trú là 166,9 triệu lượt, số lượt khám chữa bệnh BHYT nội trú là 17,1 triệu lượt đều tăng so với năm 2018.

Trong giai đoạn 2020 - 2022, do ảnh hưởng của dịch COVID-9, số lượt khám chữa bệnh BHYT giảm so với giai đoạn 2015 - 2019. Năm 2022 khi tình hình dịch bệnh COVID-19 đã ổn định hơn, số lượt khám chữa bệnh BHYT tăng lên 150,4 triệu lượt, tăng 24 triệu lượt so với năm 2021.

Từ khi thực hiện Luật BHYT, hầu hết các cơ sở y tế công lập có chức năng khám chữa bệnh đều tham gia ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT trực tiếp với cơ quan BHXH, gần 10 nghìn trạm y tế xã/phường/thị trấn cũng tham gia khám chữa bệnh BHYT thông qua hợp đồng do các bệnh viện huyện hoặc Trung tâm y tế hoặc cơ sở khám chữa bệnh được Sở Y tế giao nhiệm vụ quản lý ký với cơ quan BHXH.

Năm 2010, có 2.176 cơ sở khám chữa bệnh ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT cho người có thẻ BHYT, bao gồm 1.900 cơ sở khám chữa bệnh nhà nước, kể các cơ sở y tế của Bộ Quốc phòng và các bộ ngành khác, và 276 cơ sở tư nhân. Số trạm y tế xã thực hiện khám chữa bệnh BHYT là 6.178 trạm, chiếm khoảng 60% tổng số trạm y tế xã trên cả nước, tăng 10% so với năm 2009.

Năm 2015, có 2.089 cơ sở khám chữa bệnh ký hợp đồng khám chữa bệnh cho người có thẻ BHYT, bao gồm: 1.475 cơ sở khám chữa bệnh nhà nước, kể các cơ sở y tế của Bộ Quốc phòng và các bộ ngành khác, và 320 cơ sở tư nhân.

Đến hết ngày 31/12/2022, số cơ sở ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT là 2.835 cơ sở, gồm 1.768 cơ sở công lập và 1.067 cơ sở ngoài công lập.

Số cơ sở y tế ngoài công lập tham gia vào hệ thống khám chữa bệnh BHYT cũng ngày càng tăng. Năm 2022, số cơ sở y tế ngoài công lập tăng khoảng 2,7 lần so với năm 2015, trong số 247 bệnh viện ngoài công lập.

Thủ tục hành chính, quy trình khám chữa bệnh BHYT ngày càng cải cách và thuận lợi

Quy trình, thủ tục khám bệnh, chữa bệnh, thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT ngày càng được cải cách, khả năng tiếp cập dịch vụ khám chữa bệnh BHYT cho người dân ngày càng tăng.

Các thủ tục hành chính, quy trình khám bệnh, chữa bệnh, quy trình thủ tục thanh toán và ngày càng được cải cách mạnh mẽ và ứng dụng công nghệ thông tin ngày càng được đẩy mạnh nhằm giảm phiền hà, tạo điều kiện cho người bệnh trong tiếp cận dịch vụ y tế, tạo thuận lợi cho cơ quan, tổ chức trong tổ chức thực hiện chính sách BHYT.

Trong thời gian qua, lãnh đạo Bộ Y tế, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo thực hiện quyết liệt, hiệu quả và tác động mạnh mẽ đến công tác quản lý ngành, đặc biệt là các chỉ đạo, các kết luận của Thủ tướng, Phó Thủ tướng trong các cuộc giao ban của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ

Theo quy định của Luật, người tham gia BHYT được tiếp cận dịch vụ tất cả các tuyến y tế theo nhu cầu chăm sóc sức khỏe và bệnh tật, không phân biệt cơ sở công lập hay tư nhân.

Bà Trang thông tin trong tổ chức khám chữa bệnh BHYT, việc mở rộng đăng ký ban đầu tại tuyến huyện, xã đã góp phần giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trên, củng cố và phát triển y tế cơ sở, tạo điều kiện cho người tham gia BHYT có thể lựa chọn nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu phù hợp, thuận lợi cho việc tiếp cận các dịch vụ y tế của người có thẻ BHYT, nhất là với nhóm người nghèo, cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi.

Việc tiếp cận dịch vụ khám chữa bệnh của người tham gia BHYT ngày càng thuận lợi, nhất là từ năm 2015, đối tượng người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng khó khăn, người sống ở xã đảo, huyện đảo khi khám chữa bệnh trái tuyến tại tuyến tỉnh, tuyến trung ương được hưởng đầy đủ quyền lợi, và từ năm 2016 người tham gia BHYT khi khám chữa bệnh trái tuyến tại các cơ sở tuyến xã, tuyến huyện trong tỉnh và bệnh viện tuyến huyện trên toàn quốc được hưởng quyền lợi như khám chữa bệnh đúng tuyến (gọi là thông tuyến huyện).

Theo Vụ trưởng Trần Thị Trang, quy định "thông tuyến" trong khám bệnh, chữa bệnh đã tạo thuận lợi cho người dân trong tiếp cận các dịch vụ y tế nhanh, hiệu quả.

Quy định thông tuyến và số lượt người khám chữa bệnh tăng cao tại tuyến huyện đã tạo động lực cho các cơ sở nơi người có thẻ BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu và các cơ sở khám chữa bệnh thuộc tất cả các tuyến nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ, cải cách thủ tục hành chính, đáp ứng nhu cầu của người tham gia BHYT.

Nhiều cơ sở y tế tuyến huyện đã tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực, thực hiện chuyển giao kỹ thuật, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người có thẻ BHYT. Điều này tạo ra một xu thế cùng đổi mới, phát triển trong tổ chức cung ứng dịch vụ khám chữa bệnh.


Hướng tới mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân, chính sách BHYT của Việt Nam đã trở thành nguồn tài chính chủ yếu cho chăm sóc sức khỏe nhân dân...

Chất lượng khám chữa bệnh BHYT ngày càng được nâng cao

Trong những năm gần đây, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, các địa phương và các cơ sở y tế đã và đang nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp để giảm quá tải, nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, như: đầu tư nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng bệnh viện để tăng thêm giường bệnh; xây dựng các hướng dẫn điều trị; tăng cường chỉ đạo tuyến, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới; mở rộng mạng lưới bệnh viện vệ tinh.

Đến nay, nhiều kỹ thuật ở các bệnh viện tuyến trung ương đã được thực hiện thường quy ở các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện. Người dân được tiếp cận dịch vụ kỹ thuật cao ngay tại địa phương nên việc chuyển tuyến từ tuyến tỉnh lên trung ương đã giảm.

Tình trạng quá tải ở khu vực nội trú ở các bệnh viện tuyến trung ương và bệnh viện tuyến cuối của Thành phố Hà Nội và TPHCM là có xu hướng giảm rõ rệt. Có 95% số bệnh viện tuyến Trung ương đã đảm bảo cam kết không để người bệnh nằm ghép trong thời gian 24 giờ hoặc 48 giờ kể từ khi nhập viện.

Thực hiện Chương trình "Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh". Triển khai khảo sát đánh giá hài lòng người bệnh ở tất cả các bệnh viện, làm cơ sở để chấn chỉnh và tiếp tục cải tiến chất lượng dịch vụ y tế.

Theo SKĐS