Việt Nam sẽ thử nghiệm lâm sàng thuốc điều trị ung thư mới để tăng cơ hội cho bệnh nhân

  • 2023/11/06 01:08

Ở Việt Nam, mỗi năm có khoảng 182.600 người mới mắc bệnh ung thư, khoảng 122.700 người tử vong và hiện có hơn 350.000 bệnh nhân đang sống chung với căn bệnh này. Đây là gánh nặng bệnh tật rất lớn.

Mặc dù đã có rất nhiều nỗ lực về chủ trương chính sách và thực thi hoạt động kiểm soát ung thư, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, cần tăng cường các hoạt động phòng chống ung thư ở tất cả các tuyến y tế, đặc biệt tuyến cơ sở cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền cho người dân đi khám sàng lọc phát hiện sớm và chăm sóc người bệnh ung thư dựa vào cộng đồng.

Cùng đó, đẩy mạnh tuyên truyền kêu gọi người dân tiếp tục chủ động, tích cực tham gia BHYT để tiến tới BHYT toàn dân bởi đây là cứu cánh cho người dân nếu không may mắc bệnh, đặc biệt là bệnh ung thư.


GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: Trong những năm 2000, cả nước chỉ có 3 bệnh viện chuyên ngành, 14 khoa ung thư tại bệnh viện đa khoa tỉnh, nhưng đến năm 2023, mạng lưới phòng chống ung thư trên toàn quốc đã phát triển mạnh mẽ và rộng khắp với 11 bệnh viện chuyên khoa, 83 trung tâm/khoa/đơn vị ung bướu với các trang thiết bị y tế hiện đại, trình độ chuyên môn ngang tầm với các nước trong khu vực và thế giới.

GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế đã nhấn mạnh những thông tin trên tại hội thảo Ung thư Việt – Pháp với chủ đề Kỷ nguyên mới trong chẩn đoán và điều trị ung thư. Sự kiện này diễn ra trong chương trình kỷ niệm 100 năm thành lập Viện Curie – Bệnh viện K từ ngày 2-3/11. Hội thảo thu hút 1.000 nhà khoa học trên khắp mọi miền của tổ quốc và hơn 60 chuyên gia quốc tế đến từ Pháp, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan, Úc, Canada quan tâm tham dự.

Việt Nam đã có nhiều tiến bộ trong điều trị ung thư

Tại hội thảo, PGS.TS Phạm Văn Bình – Phó giám đốc Bệnh viện K cho biết thêm, số bệnh ung thư ngày càng tăng và xu hướng ngày càng trẻ hóa. Ung thư đang là gánh nặng ở thời điểm hiện tại và tương lai.

Hiện nay đã có nhiều tiến bộ trong điều trị ung thư, nhiều loại ung thư đã được chữa khỏi, nhất là trong chẩn đoán có nhiều trang thiết bị phát hiện sớm; có nhiều hóa chất, thuốc đích, thuốc miễn dịch tăng cơ hội chữa khỏi cho những người có đột biến gen, có yếu tố miễn dịch ở giai đoạn muộn.

Với người bệnh ung thư cần điều trị đa mô thức trong đó phẫu thuật là phương pháp mang tính triệt căn lớn nhất. Với hơn 200 bệnh ung thư khác nhau thì 60% có thể khỏi bệnh bằng phẫu thuật đơn thuần nếu chẩn đoán sớm.

"Hầu hết các kỹ thuật mới trên thế giới Việt Nam có thể đáp ứng được, như phẫu thuật nội soi 3D, phẫu thuật nội soi robot…

Hiện Bệnh viện K đang hoàn thiện và tiến tới phẫu thuật xâm lấn tối thiểu như phẫu thuật nội soi 2D, 3D, phẫu thuật robot. Phẫu thuật robot được xem là "tinh hoa" trong phẫu thuật ung thư không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Với phẫu thuật này, giảm tình trạng mất máu cho bệnh nhân, trường nhìn phẫu thuật giúp phẫu thuật viên phẫu tích tinh tế hơn, nạo vét hạch tốt hơn. Ngoài ra, phẫu thuật trong ung thư còn hướng tới phẫu thuật thẩm mỹ, chỉnh hình mang lại chất lượng sống tốt hơn cho người bệnh.

Đối với xạ trị, có nhiều kỹ thuật xạ trị thế hệ mới tiêu diệt tế bào ung thư, bảo tồn tối đa tế bào lành. Đối với phương pháp điều trị hóa chất, kỷ nguyên mới mở ra trong lĩnh vực điều trị ung thư đó là thế hệ thuốc nhắm đích, điều trị miễn dịch có nhiều hứa hẹn cho lĩnh vực ung thư. Bệnh nhân ung thư đang điều trị tại Bệnh viện K còn được chăm sóc về dinh dưỡng để nâng cao thể trạng.


PGS.TS Phạm Văn Bình – Phó giám đốc Bệnh viện K trao đổi với báo chí bên lề hội nghị.

Phát hiện sớm - "chìa khóa" trong chiến lược phòng chống ung thư

Hiện nay trang thiết bị, máy móc cho chẩn đoán và điều trị ung thư của Việt Nam sánh ngang tầm các nước trong khu vực và trên thế giới, tuy nhiên vướng mắc nhất trong điều trị ung thư tại Việt Nam theo lãnh đạo Bệnh viện K là bệnh nhân quá đông, cơ sở vật chất chưa đáp ứng. Mạng lưới ung thư đã phát triển nhưng chênh lệch về trình độ giữa các tuyến. Bệnh nhân ung thư có tâm lý phải lên tuyến trên gây quá tải cho các bệnh viên trung ương.

PGS.TS Phạm Văn Bình thông tin, mỗi năm Bệnh viện K phẫu thuật cho 26.000 ca, xạ trị cho khoảng 17.000 trường hợp, điều trị hóa chất 17.000- 18.000 trường hợp. Bệnh viện K hiện có 6 máy xạ trị, các máy hoạt động 23-24h/ngày, bệnh nhân phải xạ trị cả buổi tối mới hết số lượng. Trong thời gian tới, Bệnh viện K sẽ tăng cường trang thiết bị để phục vụ người bệnh.

Lãnh đạo Bệnh viện K cũng cho hay, thế giới có thuốc mới điều trị ung thư như thế nào, người bệnh Việt Nam đều có, nhưng giá thuốc còn cao nên không phải bệnh nhân nào cũng có cơ hội được sử dụng, trong khi thuốc lại thay đổi thường xuyên.

Hiện tại, Việt Nam chỉ tham gia thử nghiệm lâm sàng ở pha 2, pha 3 bao gồm 40 thử nghiệm. Thời gian tới sẽ nghiên cứu thêm thử nghiệm lâm sàng pha 1 cho người bệnh không còn biện pháp nào điều trị. Bộ Y tế đã phê duyệt tiến hành thử nghiệm pha 1 nhưng bệnh viện sẽ chuẩn bị kỹ càng về lựa chọn bệnh nhân, đạo đức nghiên cứu cần làm chặt chẽ và cần sự đồng ý của bệnh nhân và người nhà vì rủi ro có thể xảy ra...

"Khi chúng ta được chấp nhận thử nghiệm ở pha 1, chứng tỏ các Viện, Trung tâm Ung thư thế giới đã tin tưởng Việt Nam và cho tham gia vào nghiên cứu pha 1 vì họ tuyển chọn rất khắt khe và quá trình nghiên cứu tuyển chặt chẽ để ra thuốc mới. Đối với bệnh nhân ung thư không còn cơ hội nào khác, việc thử nghiệm trên người giúp họ còn tia hy vọng..."- PGS.TS Phạm Văn Bình nói.


Trong thời gian tới, Bệnh viện K sẽ tăng cường trang thiết bị để phục vụ người bệnh ung thư.

Theo PGS.TS Phạm Văn Bình, việc phòng ngừa ung và tăng cường phát hiện sớm được xem là "chìa khóa" trong chiến lược phòng chống ung thư. Để giải quyết vấn đề này, riêng Bệnh viện K không thể làm được mà cần xây dựng mạng lưới phòng chống ung thư, đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống ung thư, tầm quan trọng của sàng lọc và phát hiện sớm bệnh...

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn yêu cầu tăng cường triển khai, duy trì hiệu quả và tính bền vững của hình thức đào tạo, chuyển giao kỹ thuật theo gói dịch vụ, tích cực tìm kiếm các cơ hội hợp tác, trao đổi, chia sẻ mô hình kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị và chăm sóc ung thư theo tiêu chuẩn quốc tế.

Cùng đó, chuyên ngành ung thư cần tiếp tục đổi mới hơn trong tinh thần thái độ phục vụ, năng động hơn trong quản lý, chặt chẽ hơn trong tổ chức; xem người bệnh là trung tâm, lấy hiệu quả điều trị, sự hài lòng của người bệnh là thước đo giá trị, mục tiêu phấn đấu. Bệnh viện K, Bệnh viện Ung bướu TP HCM, các bệnh viện lớn chuyên khoa ung thư cần chú trọng đến việc phối hợp với Sở Y tế, bệnh viện các tỉnh xây dựng các cơ chế phối hợp, để thu hút người dân đến khám chữa bệnh, giảm tải cho các bệnh viện trung ương, người dân được hưởng các dịch vụ y tế tốt nhất ngay tại chính địa phương của mình.

Đồng thời cần nâng cao hơn nữa về quy mô và chất lượng nghiên cứu khoa học, kiến tạo một môi trường nghiên cứu thuận lợi cho các cán bộ y tế trau dồi và phát huy năng lực; Phối hợp với các trường Đại học và các đơn vị giáo dục trong và ngoài nước để gắn kết đào tạo với nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy hợp tác quốc tế để tăng cường tiềm lực khoa học.

Theo SKĐS