Bệnh viện Bãi Cháy: Đảm bảo công tác điều trị cho bệnh nhân ung thư mắc Covid-19

  • 2022/03/18 01:27

Bệnh nhân ung thư được xếp vào nhóm đối tượng nguy cơ cao của Covid-19 vì khả năng đáp ứng miễn dịch kém của cơ thể. Là một trong những trung tâm ung bướu lớn hàng đầu của tỉnh Quảng Ninh, Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Bãi Cháy đã bố trí Khu điều trị covid-19 số 2 tiếp nhận điều trị, chăm sóc, giúp hàng trăm người bệnh ung thư mắc Coivid -19 phục hồi sức khỏe, tiếp tục hành trình chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo.

Đến thời điểm hiện tại, Bệnh viện Bãi Cháy đã tổ chức 5 Khu điều trị covid-19 với tổng sức chứa 310 giường bệnh nhằm đảm bảo điều trị cho bệnh nhân F0. Trong đó, Khu điều trị covid-19 số 2 tại Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Bãi Cháy là cơ sở điều trị cho người bệnh ung thư bị nhiễm Covid-19 cần nhập viện điều trị. Hiện Khu điều trị Covid-19 số 2 đang điều trị cho 43 bệnh nhân ung thư nhiễm Covid-19. Đa số bệnh nhân mắc ung thư giai đoạn cuối với đa dạng mặt bệnh như ung thư phổi, ung thư tử cung, ung thư đại tràng, thực quản, dạ dày, ung thư hạ họng… kèm theo nhiều bệnh lý nền. Trong đó có đến 80% bệnh nhân ung thư nhập viện đã được tiêm từ 1-2 mũi vắc xin ngừa Covid-19 nên nhiễm Covid-19 thể nhẹ, trung bình, diễn tiến nhẹ nhàng, số lượng bệnh nhân chuyển nặng, nguy kịch ít hơn.



Chăm sóc bệnh nhân ung thư tại khu vực điều trị bệnh nhân Covid-19

Bác sĩ Nguyễn Vĩnh Lâm – Phụ trách Khu điều trị covid-19 số 2, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết: “Bệnh nhân ung thư được xếp đối tượng nguy cơ cao của COVID-19 vì khả năng đáp ứng miễn dịch kém của cơ thể. Nếu bệnh nhân ung thư có các bệnh lý nền thì nguy cơ nguy cơ mắc COVID-19 và nguy cơ nhiễm trùng khác nói chung sẽ nghiêm trọng hơn.

Ngoài ra, những bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh ung thư máu như bệnh bạch cầu, ung thư hạch và đa u tủy có nguy cơ nhiễm Covid-19 cao hơn những người mắc các bệnh ung thư khác do giảm số lượng và chất lượng các tế bào miễn dịch. Những người bị ung thư phổi cũng có thể tăng nguy cơ mắc các triệu chứng nghiêm trọng hơn do covid-19 tấn công vào phổi.

Do đó, Điều trị, chăm sóc bệnh nhân ung thư mắc Covid-19 đòi hỏi các bác sĩ, nhân viên y tế theo dõi sát các diễn biến của Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế,  kịp thời can thiệp đối với các biến chứng của bệnh ung thư như tràn dịch ổ bụng, màng tim, màng phổi, chảy máu, chống đau cho bệnh … Các bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối thường vận động kém, thể trạng suy kiệt nên cần nhiều sự hỗ trợ của nhân viên y tế trong sinh hoạt. Vì vậy, bên cạnh việc nỗ lực thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, các y bác sĩ cũng đặc biệt quan tâm, động viên và chăm sóc tận tình để các bệnh nhân ung thư nhiễm Covid-19 có tâm lý tốt nhất trong quá trình điều trị bệnh”.

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, số ca mắc mới vẫn có xu hướng tăng, đảm bảo hiệu quả điều trị cho các đối tượng bệnh nhân ung thư nhiễm Covid -19, Bệnh viện Bãi Cháy đã bố trí phòng bệnh, trang thiết bị y tế hiện đại như hệ thống oxy, máy thở, monitor, thiết bị lọc máu…, điều động nhân lực sẵn sàng điều trị, cấp cứu, hồi sức tích cực cho các bệnh nhân nặng, nguy kịch.



Sẵn sàng thực hiện các thủ thuật cấp cứu điều trị bệnh nhân Covid-19

Ngoài ra bệnh viện còn duy trì đội ngũ nhân viên y tế tư vấn sức khỏe cho những bệnh nhân ung thư điều trị covid-19 tại nhà. Tăng cường nhân viên y tế hỗ trợ điều trị Covid-19 cho tuyến dưới theo chỉ đạo của Sở Y Tế Quảng Ninh ở Đông Triều…

Bác sĩ Nguyễn Vĩnh Lâm – Phụ trách Khu điều trị covid-19 số 2, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết thêm, đối với người bệnh ung thư mắc covid-19 đang điều trị tại nhà thì khi phát hiện ra một trong 10 dấu hiệu F0 trở nặng theo hướng dẫn của Bộ Y tế cần phải thông báo ngay với cơ sở quản lý người mắc COVID-19 tại nhà; trạm y tế xã, phường; hoặc trạm y tế lưu động, Trung tâm vận chuyển cấp cứu…để được xử trí cấp cứu và chuyển viện kịp thời. 

10 dấu hiệu F0 trở nặng theo hướng dẫn của Bộ Y tế:

1) Khó thở, thở hụt hơi, hoặc ở trẻ em có dấu hiệu thở bất thường: thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, khò khè, thở rít thì hít vào.

2) Nhịp thở

- Người lớn: nhịp thở ≥ 20 lần/phút

- Trẻ từ 1 đến dưới 5 tuổi: Nhịp thở: ≥ 40 lần/phút,

- Trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi: nhịp thở: ≥ 30 lần/phút

3) Đo bão hòa oxy máu: SpO2 ≤ 96%

4) Mạch nhanh > 120 nhịp/phút hoặc < 50 nhịp/phút.

5) Huyết áp thấp: huyết áp tối đa < 90 mmHg, huyết áp tối thiểu < 60 mmHg

6) Đau tức ngực thường xuyên, cảm giác bó thắt ngực, đau tăng khi hít sâu.

7) Thay đổi ý thức: lú lẫn, ngủ rũ, lơ mơ, rất mệt/mệt lả, trẻ quấy khóc, li bì khó đánh thức, co giật.

8) Tím môi, tím đầu móng tay, móng chân, da xanh, môi nhợt, lạnh đầu ngón tay, ngón chân.

9) Không thể uống hoặc bú kém/giảm, ăn kém, nôn (ở trẻ em).

10) Bất kỳ tình trạng bất ổn nào người mắc COVID-19 thấy cần báo cơ sở y tế


Mạc Thảo