Bệnh viện Bãi Cháy: Nút mạch cứu sống trẻ 7 tuổi bị chấn thương vỡ gan, dập phổi

  • 2021/12/09 09:05

Bệnh viện Bãi Cháy vừa nút mạch cấp cứu chấn thương vỡ tạng kết hợp điều trị hồi sức tích cực cứu sống thành công một bệnh nhi 7 tuổi bị đa chấn thương nguy kịch.

Bệnh nhi Trần V L (7 tuổi, trú tại TP Hạ Long, Quảng Ninh) bị tai nạn giao thông, cấp cứu tại Bệnh viện Bãi Cháy trong tình trạng đau nhiều vùng ngực, bụng. Kết quả chụp CT ổ bụng có hình ảnh chấn thương gan độ IV (theo phân độ AAST), dịch tự do ổ bụng, chấn thương tuyến thượng thận phải; dập phổi hai bên và gẫy cung bên các xương sườn 5,6,7. Các bác sĩ hội chẩn liên khoa Ngoại – Hồi Sức Tích Cực – Điện Quang Can Thiệp, thống nhất chẩn đoán đa chấn thương tiên lượng tình trạng bệnh nhân nặng nề, nguy cơ tử vong cao và phương án điều trị bằng nút mạch cấp cứu chấn thương vỡ gan kết hợp hồi sức tích cực.

Dưới hướng dẫn của hệ thống số hóa xóa nền DSA, ekip Điện Quang Can thiệp, Bệnh viện Bãi Cháy đã kiểm tra, xác định chính xác vị trí các nhánh mạch bị tổn thương gây chảy máu và bơm chất gây tắc mạch để cầm máu, bảo tồn các nhánh mạch lành. 

Hình ảnh can thiệp nút mạch cầm máu chấn thương vỡ gan độ IV cho bệnh nhi trên hệ thống DSA

 “Trường hợp bệnh nhi tổn thương nặng nề bao gồm vỡ gan độ IV gây mất máu, kèm dập phổi ảnh hưởng đến hô hấp. Do vậy cần phải xử trí khẩn trương, đồng thời các tổn thương với kỹ thuật nút mạch cầm máu vỡ gan, đặt nội khí quản kiểm soát đường thở, kết hợp hồi sức tích cực nhằm mục tiêu cứu sống bệnh nhân.

Nút mạch trên bệnh nhi là thách thức đối với bác sĩ điện quang can thiệp bởi từ trước đến nay đa số các ca nút mạch đều được thực hiện trên người trưởng thành. Khó khăn về dụng cụ can thiệp (cụ thể trường hợp này các sonde để can thiệp đều không vừa với trẻ nhỏ) đòi hỏi bác sĩ phải linh hoạt cải tiến dụng cụ phù hợp, đảm bảo an toàn cho bệnh nhi.”- Bác sĩ CKI. Lê Tiến Hưng – Đơn nguyên Điện quang can thiệp, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết.

Nút mạch cấp cứu đã được Bệnh viện Bãi Cháy thực hiện thường quy, hiệu quả trên các bệnh nhân vỡ tạng như gan, thận, lách... Đây là giải pháp tối ưu giúp bệnh nhân không phải trải qua đại phẫu, tránh được biến chứng chảy máu không cầm, nhiễm trùng vết mổ… Ưu điểm vượt trội của nút mạch cầm máu vỡ gan là bảo tồn gan, hạn chế tối đa xâm lấn giúp tổn thương ở gan phục hồi nhanh chóng để bệnh nhân xử lý những tổn thương khác. Vị trí luồn thiết bị can thiệp kích thước rất nhỏ, chỉ khoảng 0,5mm, không chảy máu, không để lại sẹo.


Sau can thiệp, điều trị hồi sức tích cực tại Bệnh viện Bãi Cháy, bệnh nhi đã thoát nguy kịch, sức khỏe ổn định

Sau can thiệp, Bệnh nhân được chăm sóc, điều trị tích cực tại Khoa Hồi sức tích cực. “Việc chuyển tuyến đối với trường hợp bệnh nhi này có thể gây nguy cơ sốc do mất máu, vỡ gan, suy hô hấp…đe dọa tử vong. Vì vậy, quá trình cấp cứu, điều trị hồi sức tích rất quan trọng trước, trong và sau can thiệp. Các bác sĩ phải theo dõi sát sao các chức năng sinh tồn, dấu hiệu mất máu, chức năng hô hấp để tránh những biến chứng do hậu quả của đa chấn thương như viêm phổi tiến triển nặng, suy tạng… Rất may mắn cho đến thời điểm này, bệnh nhi đã thoát nguy kịch, chỉ số sinh tồn ổn định, tỉnh táo, giao tiếp tốt.” – Bác sĩ CKI Nguyễn Thế Hưng – Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết.

Sự phối hợp cấp cứu, điều trị nhịp nhàng giữa các chuyên khoa Điện Quang Can Thiệp – Hồi sức tích cực, thành công thực hiện kĩ thuật điều trị ít xâm lấn – nút mạch cầm máu chấn thương tạng đã cứu sống bệnh nhi thoát cửa tử. Qua đó khẳng định năng lực cấp cứu, điều trị các ca bệnh nặng, phức tạp của đội ngũ bác sĩ tuyến tỉnh, mang đến sức khỏe, sự sống và tiếp thêm niềm tin của nhân dân vào chất lượng dịch vụ y tế tỉnh Quảng Ninh.

Mạc Thảo - Tiến Hưng - Thế Hưng