Bệnh viện Bãi Cháy tham dự chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về hiến, ghép tạng từ người chết não tại Quảng Ninh
Chiều ngày 15/11, Bệnh viện Bãi Cháy tham dự trực tuyến chương trình đào tạo trực tuyến về hiến, ghép tạng từ người chết não cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế trên địa bàn tỉnh do Sở Y tế Quảng Ninh phối hợp với Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia tổ chức.
Toàn cảnh chương trình tập huấn tại Sở Y tế Quảng Ninh
Tham dự lớp tập huấn có PGS.TS Đồng Văn Hệ – Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia; GS.TS Nguyễn Quốc Kinh – Phó Chủ tịch Hội Gây mê Hồi sức Việt Nam; đ/c Nguyễn Trọng Diện – Giám đốc Sở Y tế; đ/c Bùi Mạnh Hùng – Phó Giám đốc Sở; lãnh đạo và chuyên viên các phòng chức năng thuộc Sở; đại diện lãnh đạo: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm Vận chuyển cấp cứu; lãnh đạo và cán bộ phụ trách quản lý Chi hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người tại Quảng Ninh cùng đại diện lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo khoa/phòng, cán bộ nhân viên y tế thực hiện công tác vận chuyển, xử trí cấp cứu dự họp tại các điểm cầu trực tuyến.
Dự chương trình trực tuyến tại điểm cầu Bệnh viện Bãi Cháy có BSCKI Hoàng Đình Thành – Phó Giám đốc Bệnh viện Bãi Cháy cùng các cán bộ y tế trong Ban chỉ đạo vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam tại Bệnh viện Bãi Cháy.
Bác sĩ CKI Hoàng Đình Thành - Phó Giám đốc Bệnh viện Bãi Cháy cùng cán bộ y tế bệnh viện tham dự chương trình tập huấn tại điểm cầu Bệnh viện Bãi Cháy
Hiện nay, ghép tạng là phương pháp duy nhất cứu sống bệnh nhân và là phương pháp điều trị cuối cùng và hiệu quả cho người bệnh suy tạng giai đoạn cuối, bằng cách lấy tạng của người hiến để ghép cho người bệnh. Ở các nước phát triển, tỷ lệ hiến và ghép tạng, ghép mô từ người chết não là rất cao, từ 50 – 60% và thậm chí là hơn 90%. Tuy nhiên ở Việt Nam số được ghép tạng rất hạn chế, đặc biệt là từ người cho chết não, chỉ 6%. Sau 32 năm ghép tạng, cả nước mới ghép được 8.536 ca, riêng năm 2022 và 2023 số lượng ghép cao nhất, mỗi năm 1.000 ca. Hiện cả nước cũng mới chỉ có hơn 80.000 người đăng ký hiến tạng và số lượng hiến tạng để ghép chủ yếu từ người sống (chiếm 94 – 95%), số người chết não hiến tạng thấp. Từ thực trạng trên đòi hỏi đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng tại khoa có bệnh nhân chết não, chết tim (đặc biệt là khoa hồi sức tích cực) cần chú trọng công tác phát hiện, quản lý bệnh nhân chết não tiềm năng; nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm vận chuyển cấp cứu và mạng lưới tư vấn viên vận động hiến tạng sau chết/chết não được đào tạo bài bản về chuyên môn, kỹ năng mềm và tư vấn tâm lý nhằm thực hiện mục tiêu tăng tỷ lệ người hiến/bệnh nhân chết não tiềm năng, giúp mang đến cơ hội sống cho hàng ngàn người bệnh chờ ghép mô, tạng mỗi năm…
Chương trình tập huấn tập trung vào một số vấn đề trọng tâm như: Thực trạng hiến, ghép tạng tại Việt Nam; Vai trò của nhân viên 115 và hiến mô, tạng từ người chết; Chẩn đoán và hồi sức chết não; Tư vấn gia đình người chết não tiềm năng hiến mô, tạng; Quản lý bệnh nhân chết não tiềm năng và những quy định pháp luật về hiến, lấy và ghép mô tạng tại Việt Nam.
Đồng chí Nguyễn Trọng Diện, Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh đánh giá cao ý nghĩa của việc hiến mô tạng từ bệnh nhân chết não và những giá trị mà buổi tập huấn mang lại. Đây là cơ hội quý báu để đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế tại Quảng Ninh được nâng cao nhận thức, hiểu biết về hoạt động hiến, ghép tạng, góp phần thúc đẩy hoạt động hiến, ghép mô, bộ phận cơ thể người tại Quảng Ninh. Thời gian tới, Ngành Y tế sẽ tiếp tục quan tâm hơn nữa tới công tác phát hiện và tư vấn bệnh nhân chết não tiềm năng, chung tay góp phần tăng cường nguồn hiến mô, bộ phận cơ thể người từ người cho chết não, mở ra cơ hội được cứu chữa, kéo dài sự sống cho hàng nghìn bệnh nhân đang mắc các bệnh về suy mô, tạng. Đồng chí Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh mong muốn Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nhân lực của Quảng Ninh để có thể từng bước tiếp nhận và triển các kỹ thuật lấy tạng, ghép tạng trên địa bàn tỉnh.
Mạc Thảo