Bộ Y tế đề xuất quy định gói BHYT bổ sung là BHYT tự nguyện

  • 2024/03/11 01:18

Trong báo cáo đánh giá tác động chính sách tại dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, Bộ Y tế đề xuất quy định gói BHYT bổ sung là BHYT tự nguyện, áp dụng cho những người đã tham gia BHYT bắt buộc...


Người bệnh đăng ký KCB BHYT tại bệnh viện Bãi Cháy.

Theo Bộ Y tế, việc tỷ lệ chi từ tiền túi tương đối cao trong cơ cấu tài chính y tế ở Việt Nam có thể gây nguy cơ thiếu sự bền vững trong dài hạn, đặc biệt chúng ta đã bước vào 'thời kỳ già hóa dân số" và trở thành một trong những quốc gia già hóa nhanh nhất thế giới từ năm 2017. 

Vì vậy, việc xây dựng và vận hành cơ chế tài chính nhằm đảm bảo người bệnh được tiếp cận các dịch vụ y tế hiệu quả, đáp ứng nhu cầu chăm sóc y tế ngày càng đa dạng ở cả nhóm đại chúng và nhóm người có thu nhập trung bình khá trở lên đang dần trở thành mối quan tâm lớn.

Tại báo cáo đánh giá tác động chính sách trong dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, Bộ Y tế cho biết, hiện nay, tại Việt Nam có 2 hình thức BHYT, đó là:

Thứ nhất, BHYT bắt buộc do Nhà nước thực hiện theo Luật BHYT mang tính xã hội không vì mục đích lợi nhuận và được Nhà nước tổ chức thực hiện theo Luật. Mọi người dân phải bắt buộc tham gia BHYT theo Luật BHYT. BHYT là hình thức bảo hiểm được áp dụng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận, do Nhà nước tổ chức thực hiện và các đối tượng có trách nhiệm tham gia theo quy định của Luật BHYT;

Quỹ BHYT chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT cho đối tượng theo quy định của Luật BHYT, người sử dụng dịch vụ chi trả cho phần ngoài mức hưởng và phạm vi được hưởng.

Thứ hai, bảo hiểm sức khỏe của các công ty bảo hiểm (thường được gọi là BHYT thương mại) mang tính kinh doanh, hoạt động có lợi nhuận theo Luật Kinh doanh bảo hiểm được thiết kế phù hợp với mọi mong muốn của người ký hợp đồng bảo hiểm theo từng điều kiện và nhu cầu của người đó, mang tính tự nguyện và không mang tính bắt buộc như BHYT xã hội. 

Theo Bộ Y tế, mặc dù có mức phí thường cao hơn so với BHYT bắt buộc nhưng bảo hiểm sức khỏe có nhiều lựa chọn cho người tham gia do đa dạng gói quyền lợi theo khả năng đóng. Tuy nhiên các phạm vi quyền lợi thường bị trùng với phần BHYT bắt buộc đã chi trả hoặc công ty có xu hướng lựa chọn dịch vụ để chi trả, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia. Do Nhà nước không can thiệp mà phụ thuộc vào hợp đồng bảo hiểm do công ty tự xây dựng nên người bệnh chưa được bảo vệ về quyền lợi toàn diện.

Bên cạnh đó, chưa có sự liên kết và chưa có vai trò của nhà nước trong việc xây dựng các cơ chế để kiểm soát và bảo vệ quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm sức khỏe trong khi đây là lĩnh vực nhạy cảm, phi lợi nhuận.

Nghị quyết 20 đã đặt ra một trong nhiệm vụ trọng tâm để tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới là "đổi mới mạnh mẽ tài chính y tế" trong đó tập trung "Triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện BHYT toàn dân. Điều chỉnh mức đóng phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, thu nhập của người dân và chất lượng dịch vụ. Đa dạng các gói BHYT. Tăng cường liên kết, hợp tác giữa BHYT xã hội với BHYT thương mại". Các quy định này cần được thể chế vào pháp luật.

Mặc dù phạm vi quyền lợi của BHYT của Việt Nam được đánh giá là khá rộng với mức hưởng khá cao so với mức đóng. Tuy nhiên, trên thực tế người tham gia BHYT vẫn phải đồng chi trả đối với các dịch vụ thuộc phạm vi quyền lợi và phải chi trả toàn bộ đối với các dịch vụ ngoài phạm vi quyền lợi. Trong bối cảnh, thu nhập và nhu cầu được chăm sóc toàn diện của người dân tăng thì việc quy định BHYT bổ sung là rất cần thiết.

Theo Bộ Y tế, quy định hình thức BHYT bổ sung liên kết với BHYT thương mại do công ty bảo hiểm thực hiện theo hình thức thương mại là: "Bảo vệ và cải thiện phạm vi quyền lợi BHYT theo hướng tăng tính chi phí hiệu quả và đáp ứng toàn diện nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tham gia BHYT".

Minh Khương