Cẩn trọng sốt xuất huyết và cúm mùa thời điểm giao mùa
Thời tiết giao mùa từ hạ sang thu là điều kiện thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm phát triển, trong đó có sốt xuất huyết, sốt virus, cúm mùa A, B… Đối tượng trẻ nhỏ, người có sức đề kháng kém, người bệnh mạn tính như suy tim, suy thận, đái tháo đường, phụ nữ mang thai… rất dễ mắc và có thể diễn biến nặng như viêm phổi, suy hô hấp và thậm chí tử vong.
Tại Quảng Ninh, tính đến ngày 24/9/2022 đã ghi nhận 124 ca sốt xuất huyết. Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bãi Cháy hiện tại tiếp nhận tiếp nhận điều trị cho khoảng 20 bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, cúm B.
Bệnh nhân mắc cúm B và sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Bãi Cháy
Bác sĩ Lê Đức Vinh - Khoa Bệnh Nhiệt Đới, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết: “Đa số các bệnh nhân nhập viện do cúm mùa thường sốt cao, sốt nóng hoặc rét run, nhiệt độ cơ thể khoảng 39-41 độ trong những ngày đầu phát bệnh và có thể kéo dài đến 5 ngày, đau mỏi toàn thân, viêm đường hô hấp cấp với các triệu chứng như hắt hơi, sổ mũi, ho, viêm phổi…
Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết có triệu chứng sốt cao đột ngột, liên tục từ 2 đến 7 ngày, có thể có các triệu chứng như có biểu hiện xung huyết, xuất huyết ở nhiều mức độ khác nhau (chấm, mảng xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, chảy máu cam), nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, nhức 2 hố mắt, đau bụng vùng gan, vật vã, li bì”.
Chấm, mảng xuất huyết dưới da của Bệnh nhân sốt xuất huyết
Các bệnh nhân có dấu hiệu viêm đường hô hấp sốt ho, hắt hơi sổ mũi có thể khám tại bệnh viện. Bệnh nhân triệu chứng nhẹ có thể điều trị tại nhà theo đơn kê của bác sĩ. Dấu hiệu nguy hiểm cần can thiệp y tế như sốt cao có co giật, sốt cao lên sau vài ngày sốt nhẹ, đau nhức người kèm đau ngực, khó thở, đau đầu dữ dội, mệt mỏi nhiều, người bệnh cần đến bệnh viện sớm để điều trị kịp thời.
Các bệnh lý liên quan đường hô hấp triệu chứng gần giống nhau. Do đó, ngoài khám lâm sàng bác sĩ sẽ phân biệt bằng test covid, test cúm. Đa phần các ca mắc cúm mùa thường khỏi sau 1 tuần điều trị thông thường. Một tỷ lệ nhỏ các trường hợp (thường ở những người có sức đề kháng kém, người có bệnh mạn tính như suy thận, đái tháo đường…, người già, trẻ em và phụ nữ có thai) có thể có diễn biến nặng như viêm phổi, suy hô hấp và thậm chí tử vong.
Đối tượng người già, người trẻ sức đề kháng kém, có bệnh lý nền có thể mắc cúm mùa cần can thiệp y tế
Đối với bệnh sốt xuất huyết nếu không điều trị kịp thời có thể có biến chứng vô cùng nguy hiểm, đặc biệt trong khoảng thời gian từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 7 sau khi bệnh nhân có triệu chứng đầu tiên. Ở giai đoạn này bệnh nhân có thể bị sốc do mất máu, có thể có xuất huyết võng mạc, suy tim, suy thận, tụt huyết áp, đau đầu dữ dội, hôn mê và có thể dẫn đến tử vong.
Hiện nay các bệnh truyền nhiễm như cúm mùa, sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì thế để phòng tránh, bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy khuyến cáo người dân cần:
Để phòng tránh cúm A, B người dân nên tiêm vắc xin phòng cúm hằng năm trước hai tuần đến một tháng trước thời điểm dịch cúm diễn ra vào mùa đông xuân (tháng 3,4,9,10 trong năm);
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh mũi, miệng, mắt bằng nước muối sinh lý;
Ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng, tăng sức đề kháng phòng bệnh.
Đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết;
Biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết hiệu quả nhất là loại bỏ vật trung gian truyền bệnh đó là muỗi Aedes, chính vì thế việc người dân tham gia diệt muỗi, diệt loăng quăng, bọ gậy quanh khu vực mình sinh sống là một biện pháp vô cùng quan trọng, hiệu quả và bền vững trong công tác phòng chống sốt xuất huyết.
Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.
Mạc Thảo