Gia tăng bệnh nhân mắc Zona khi thời tiết chuyển mùa

  • 2022/04/15 09:35

Zona là bệnh do virus gây nên, tấn công chủ yếu lên da và thần kinh ở vùng da, thường khởi phát đột ngột, diễn biến cấp tính. Khi thời tiết chuyển mùa là điều kiện thuận lợi cho bệnh bùng phát. Tuy zona là bệnh không nguy hiểm nhưng nếu không chữa trị kịp thời, bệnh nặng sẽ dẫn đến nhiều biến chứng.

Một tuần trước khi vào viện ông Phạm Công Huân, 82 tuổi, trú tại phường Hoành Bồ, Quảng Ninh xuất hiện tình trạng đau vùng hạ sườn phải, nổi mụn phỏng nước, đau thượng vị, tự điều trị tại nhà nhưng không đỡ vào Bệnh viện Bãi Cháy khám và được chẩn đoán mắc bệnh Zona sườn lưng phải. Sau một tuần điều trị, bệnh nhân đỡ đau và nốt phỏng nước đã đóng vảy.


Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Minh Phượng khám lại cho ông Phạm Công Huân

Theo bác sĩ CKI Nguyễn Thị Minh Phượng, Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết: Trong 1 tuần trở lại đây số người mắc bệnh zona nhập khoa điều trị ngày một tăng, chiếm khoảng 30% số bệnh nhân điều trị tại khoa. Bệnh zona thường gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng xảy ra ở người lớn nhiều hơn, có tới gần 70% người bị zona trên 45 tuổi, gần 5% trường hợp trẻ dưới 15 tuổi. Ngoài ra, những người có sức đề kháng kém hoặc đang dùng các hóa chất tiêu diệt tế bào ung thư, thuốc ức chế miễn dịch, người suy giảm miễn dịch... là những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao.

Bệnh zona là một bệnh nhiễm trùng do virus varicella-zoster gây ra, đây cũng là loại virus gây bệnh thủy đậu. Triệu chứng của bệnh zona thường bắt đầu với những cảm giác bất thường như ngứa, rát hoặc ngứa ran ở một vùng da ở một bên cơ thể. Một số người cũng bị sốt, mệt mỏi hoặc đau đầu. Trong vòng một đến hai ngày, phát ban mụn nước xuất hiện ở một bên của cơ thể. Ban thường mọc ngực, bụng và lưng. Tuy nhiên, ban có thể xuất hiện trên hầu hết các bộ phận của cơ thể. Nếu ban mọc gần mắt, nó có thể ảnh hưởng vĩnh viễn đến thị lực nếu không được điều trị.



Ban zona có thể xuất hiện trên hầu hết các bộ phận của cơ thể

Cơn đau của bệnh zona có thể nhẹ hoặc dữ dội và bỏng rát. Đau có thể bắt đầu vài ngày trước khi phát ban xuất hiện. Cơn đau chỉ giới hạn ở các phần da bị ảnh hưởng bởi phát ban, nhưng nó có thể nghiêm trọng đến mức ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày và giấc ngủ. Đau thường nặng hơn ở người lớn tuổi.

Trong vòng 3 đến 4 ngày, các mụn nước zona có thể trở thành vết loét hở. Ở những người có hệ thống miễn dịch khỏe mạnh, vết loét sẽ đóng vảy và không còn lây nhiễm vào ngày thứ 7 đến ngày thứ 10 và phát ban thường biến mất trong vòng ba đến bốn tuần. Sẹo và thay đổi màu da có thể tồn tại lâu sau khi bệnh zona đã khỏi.

Hầu hết các trường hợp, bệnh zona sẽ tự khỏi mà không gặp bất kỳ vấn đề sức khỏe lâu dài nào. Tuy nhiên, tình trạng này có thể liên quan đến các biến chứng thường gặp là rối loạn cảm giác, đau dây thần kinh sau khi tổn thương ngoài da đã khỏi.


Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Minh Phượng khám cho một bệnh nhân nữ bị zona

Theo bác sĩ Phượng, bệnh zona nếu không điều trị đúng, kịp thời sẽ dẫn đến nhiều biến chứng và thường gặp nhất là đau dây thần kinh sau zona, nhất là ở người cao tuổi. Các cơn đau đôi khi kéo dài cả năm sau khi vết thương trên da đã lành. Nhiều trường hợp bị biến chứng gây bội nhiễm da, tạo thành mụn mủ loét sâu, viêm màng não, viêm tụy cắt ngang, xuất huyết giảm tiểu cầu... đồ điều trị bệnh muộn và sai cách. Nguy hiểm hơn khi zona tấn công dây thần kinh tam thoa ở mặt, mụn nước sẽ mọc trên mặt, trong miệng và mắt, tổn thương vào dây thần kinh thị giác sẽ gây mù mắt, bệnh tấn công vào tai có thể làm giảm thính lực.

Điều trị zona tùy thuộc vào giai đoạn, mức độ, thể trạng người bệnh, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc thích hợp. Nhóm thuốc thường được sử dụng là nhóm thuốc kháng virut (acylorvir) hay dùng là zovirax liều thay đổi tùy theo tuổi. Kháng sinh chống bội nhiễm, kháng viêm, chống phù nề... Nếu có kèm theo liệt mặt, cần sử dụng thuốc chuyên biệt và sử dụng vitamin B1, B6, B12 liều cao uống hoặc tiêm. Thuốc tăng cường miễn dịch cũng đang được áp dụng điều trị phối hợp. Tại chỗ: bôi thuốc mỡ kháng viêm, chống virut như mỡ zovirax vùng có mụn nước để giảm đau, chống viêm, chống tạo sẹo, chống tình trạng bội nhiễm của các mụn nước.

Bác sĩ Phượng khuyến cáo: Đối với người bệnh cần phải tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ trong quá trình điều trị. Tuyệt đối không điều trị theo mách bảo như: đắp đỗ xanh, gạo nếp hoặc các lá thuốc nam, ngậm rồi phun một loại chất lỏng lên vùng tổn thương da. Cách làm đó không chữa được bệnh mà còn tăng nguy cơ bội nhiễm da, gây loét, kích ứng da...

Zona thường gây bệnh khi cơ thể bị suy giảm sức đề kháng, một số trường hợp có HIV và Zona là một trong những biểu hiện khi bệnh chuyển sang giai đoạn muộn. Do đó, để phòng bệnh mọi người cần phải giữ cơ thể khỏe mạnh bằng chế độ ăn uống, tập thể dục, lối sống và sinh hoạt lành mạnh.

Ngoài ra, để phòng ngừa bệnh zona nên tiêm phòng vaccine thủy đậu, ngừa virus Varicella Zoster. Hiện các loại vaccine phòng thủy đậu có hiệu quả phòng bệnh lên đến 97% và ngăn chặn nguy cơ mắc bệnh zona.

 Minh Khương