Giảm thiểu tác động Covid-19, tăng cường phát hiện bệnh lao

  • 2022/03/23 09:32

Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao; là một trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Hơn 172 ngàn người mắc bệnh và 10.400 người chết vì bệnh lao ( theo báo cáo WHO 2020).

Hằng năm, cả nước phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100.000 người mắc lao. Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh nhân được phát hiện và báo cáo mới chỉ đạt 60%, có nghĩa là có tới 40% số bệnh nhân lao chưa được phát hiện và hoặc được phát hiện nhưng chưa được báo cáo trong cộng đồng.

Trong số đó, 63% bệnh nhân lao thường, 98% bệnh nhân lao kháng thuốc và gia đình đối mặt với những chi phí thảm họa - nghĩa là chi phí cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh lao vượt quá 20% thu nhập hàng năm của cả hộ gia đình. 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động. Vì vậy, lao thực sự là một vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung.

Theo báo cáo năm 2021 của Tổ chức Y tế Thế giới, mặc dù đã đạt được một số thành tựu đáng kể trong công tác chống lao trong thời gian qua, bệnh lao vẫn đang tiếp tục là một trong các vấn đề sức khỏe cộng đồng chính trên toàn cầu. Đại dịch COVID-19 đã đảo ngược nhiều năm (5-8 năm) tiến bộ trong việc cung cấp các dịch vụ lao thiết yếu và giảm gánh nặng bệnh lao trên toàn cầu.

Các mục tiêu phòng, chống lao toàn cầu đến năm 2020 hầu hết đều chưa đạt được, mặc dù cũng có một số quốc gia và khu vực vẫn đạt được những thành công nhất định.

Bệnh nhân lao phổi nhiễm Covid-19 được chăm sóc tại Bệnh viện Bãi Cháy

Tác động rõ ràng nhất là sự sụt giảm đáng kể trên toàn cầu về số lượng bệnh nhân mới được phát hiện và báo cáo. Con số này giảm từ 7,1 triệu người năm 2019 xuống 5,8 triệu người năm 2020, giảm 18% so với mức năm 2019 và thấp hơn rất nhiều so với con số khoảng 9,9 triệu người ước tính mới mắc lao năm 2020.

Kể từ khi được công bố là “Đại dịch toàn cầu” bởi WHO vào cuối tháng 1-2020, vi-rút Corona Covid-19 đã có tác động tiêu cực lớn đến sự phát triển của toàn xã hội. Đặc biệt, kể từ thời điểm cuối tháng 4-2021, bắt đầu giai đoạn 4 của đại dịch Covid-19 tại Việt Nam, với quy mô đại dịch lớn nhất từ trước đến nay tại nước ta và đã làm gián đoạn hoạt động của Chương trình chống lao quốc gia nhiều nhất kể từ đầu năm 2020.

Covid-19 và lao đều là 2 căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây lan qua không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe con người nhưng bệnh lao vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Bệnh lao là kẻ giết người thầm lặng. Không ai mắc lao mà tử vong ngay. Bệnh lao thường kéo dài âm thầm và phát hiện muộn. Từ khi phát bệnh đến khi tử vong thì đã lây sang rất nhiều người khác. Vì vậy, phát hiện sớm, chủ động truy vết không những cứu sống cho người bệnh mà còn giảm nhanh nguồn lây lan cho cộng đồng và giảm nhanh dịch tễ bệnh lao.

Ngày Thế giới phòng chống lao 24-3-2022 với chủ đề “Giảm thiểu tác động của Covid-19 - Tập trung nguồn lực - Tăng cường phát hiện bệnh lao”. Đây là hoạt động quan trọng hàng năm hướng đến cam kết chính trị các cấp và hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao. Đồng thời, tuyên truyền nâng cao kiến thức của người dân và cộng đồng về bệnh lao trong công tác phòng chống lao. Trước những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến tiến trình thanh toán bệnh lao, chủ đề trên nhấn mạnh năm 2022 này sẽ là lúc để chúng ta giảm thiểu tác động của dịch bệnh, thích ứng an toàn với dịch bệnh trong bối cảnh mới.

Đặc biệt, tập trung, huy động mọi nguồn lực cho công tác phòng chống lao, trong đó tăng cường, chủ động sàng lọc, phát hiện sớm bệnh lao là bước đi điển hình, đột phá có ý nghĩa vô cùng thiết thực trong bối cảnh hiện nay.

 Minh Khương