Ngày Thế giới Nhận thức về Tự kỷ 2/4

  • 2025/04/02 01:05

Ngày thế giới nhận thức về tự kỷ (2/4) năm nay được tổ chức Y tế thế giới (WHO) lấy chủ đề là “VÌ MỘT CỘNG ĐỒNG THÂN THIỆN VỚI NGƯỜI TỰ KỶ” với mục đích kêu gọi cộng đồng tăng cường sự quan tâm và hiểu biết về rối loạn này, giúp trẻ tự kỷ sớm được phát hiện, can thiệp, điều trị, được yêu thương nhiều hơn và dễ dàng hòa nhập cuộc sống hơn.


Theo nghiên cứu mới nhất vào tháng 3 năm 2022 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ước tính trên thế giới cứ 100 trẻ em thì có 1 trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ và trong số 100 trẻ được chẩn đoán rối loạn phổ tự kỷ thì khoảng 31% trẻ bị khuyết tật trí tuệ. Riêng tại Mỹ thống kê vào năm 2018 cứ 59 trẻ em lại có 1 trẻ được chẩn đoán mắc rối loạn phổ tự kỷ. Cũng theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), tỷ lệ trẻ em trai mắc rối loạn phổ tự kỷ (ASD) cao gấp 4,3 lần so với trẻ em gái. Lý giải về con số này, Viện Tư duy Trẻ em cho rằng đó là do dạng khuyết tật này “khó chẩn đoán ở trẻ em gái, các bé gái không phải đối tượng thường mắc chứng tự kỷ và các triệu chứng cũng không rõ ràng như trẻ em trai”.

Đặc biệt, cùng với sự phát triển và áp lực của xã hội hiện đại, tự kỷ không còn là cụm từ quá mới lạ với nhiều người. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu đúng về rối loạn này và không phải phụ huynh nào cũng có thể dễ dàng chấp nhận vấn đề đang xảy ra đối với con mình để phối hợp hoặc có kế hoạch can thiệp cho trẻ. Vì thế, cùng với việc truyền thông nâng cao nhận thức cho cộng đồng nhằm phát hiện sớm các biểu hiện tự kỷ thì việc hỗ trợ tâm lý cho gia đình cũng đóng vai trò quan trọng không kém.

Tự kỷ không phải là một căn bệnh mà là một dạng rối loạn phát triển thần kinh, khiến người mắc gặp khó khăn trong giao tiếp và tương tác xã hội, kèm theo những hành vi lặp lại và sở thích mang tính hạn chế. Tuy nhiên, nếu được hỗ trợ đúng cách, họ vẫn có thể học tập, làm việc và đóng góp tích cực cho xã hội. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), số lượng trẻ mắc chứng tự kỷ đang ngày càng gia tăng, đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc nâng cao nhận thức và tạo điều kiện tốt hơn cho họ phát triển.

Mỗi chúng ta đều có thể góp phần xây dựng một xã hội bao dung, thấu hiểu hơn bằng cách chủ động tìm hiểu về tự kỷ, hỗ trợ những gia đình có trẻ mắc chứng tự kỷ, tham gia các hoạt động tuyên truyền và lan tỏa những thông điệp tích cực. Những hành động nhỏ hôm nay sẽ góp phần mang đến hy vọng và cơ hội tốt hơn cho cộng đồng người tự kỷ trong tương lai.

Hãy cùng chung tay vì một thế giới không rào cản, nơi mọi người đều được tôn trọng và yêu thương.

Minh Khương