Nhận biết và phòng tránh Suy thận - bệnh lý nguy hiểm gây tử vong

  • 2024/06/27 07:05

Những năm gần đây, tỷ lệ người dân mắc bệnh lý suy thận có xu hướng gia tăng ở tất cả các lứa tuổi. Nếu không được kiểm soát, can thiệp điều trị kịp thời người bệnh có thể tử vong. Bệnh lý suy thận đã và đang làm giảm chất lượng cuộc sống, trở thành gánh nặng chi phí điều trị cho bản thân người bệnh và gia đình, đặt áp lực lớn lên hệ thống y tế…

Theo thống kê, tỉ lệ mắc bệnh suy thận (thận mạn) ở Việt Nam chiếm khoảng 10,1% dân số (hơn 10 triệu người mắc), với khoảng 8.000 ca mắc mới mỗi năm. Tỷ lệ tử vong do bệnh thận mạn đứng thứ 8 trong các nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại Việt Nam. Đây là thông tin đưa ra trong buổi tọa đàm với chủ đề "Góc nhìn đa chiều trong ứng dụng tiến bộ y khoa về quản lý bệnh thận mạn" vào tháng 9/2023.

Suy thận là tình trạng suy giảm chức năng của thận. Suy thận gồm có suy thận cấp và suy thận mạn. Suy thận cấp tiến triển cấp tính, diễn biến đột ngột, nếu được điều trị đúng phương pháp sẽ khỏi hoàn toàn. Nếu không được điều trị kịp thời, suy thận cấp có nguy cơ nặng lên, tiến triển thành suy thận mạn hoặc tử vong. Suy thận mạn thường diễn biến âm thầm, nặng dần theo thời gian và không thể hồi phục.


Bệnh nhân suy thận điều trị lọc máu chu kỳ tại Khoa Thận Lọc máu, Bệnh viện Bãi Cháy

Bệnh viện Bãi Cháy hiện tại có hơn 200 bệnh nhân đang điều trị suy thận mạn ở các giai đoạn từ giai đoạn 1 đến giai đoạn 5. Tại Khoa Thận lọc máu của Bệnh viện - nơi tiếp nhận khám, điều trị bệnh nhân suy thận cấp, suy thận mạn nhiều giai đoạn, các bệnh nhân sẽ được thăm khám và chẩn đoán căn nguyên gây suy thận, được theo dõi bệnh định kỳ và điều chỉnh thuốc giúp cải thiện chức năng thận, nâng cao sức khoẻ và kéo dài thời gian bảo tồn chức năng thận trước lọc máu.

Về nguyên nhân dẫn đến suy thận, Bác sĩ CKI Lương Minh Tuyến, Phó Trưởng Khoa Thận Lọc máu, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết: “Bệnh suy thận có rất nhiều nguyên nhân. Trong đó, suy thận cấp được chia thành 3 nhóm nguyên nhân chính gây suy thận gồm có: trước thận, tại thận, sau thận. Nhóm bệnh nhân trước thận gồm các nhóm nguyên nhân gây giảm dòng máu tới thận, khiến chức năng lọc suy giảm như: mất nước do nắng nóng, tiêu chảy nôn nhiều. Nhóm nguyên nhân tại thận gây hoại tử ống thận, giảm chức năng của thận như: nhiễm trùng, nhiễm độc… Suy thận sau thận do các nguyên nhân tắc nghẽn đường tiểu gây ứ nước tiểu, giãn đài bể thận và suy thận: thường gặp trong các bệnh lý sỏi tiết niệu, ung thư, phì đại tiền liệt tuyến… Suy thận mạn là quá trình chết các tế bào nephron từ từ, do nhiều nguyên nhân: viêm cầu thận, các bệnh lí tim mạch nội tiết như: Tăng huyết áp, đái tháo đường, các bệnh lý tự miễn như lupus ban đỏ, xơ cứng bì…, các bệnh lý di truyền như: gan thận đa nang…”


Người bệnh suy thận cấp được cấp cứu, điều trị tại Khoa Thận Lọc máu, Bệnh viện Bãi Cháy

Dấu hiệu suy thận dễ nhầm lẫn với bệnh lý khác ở đường tiết niệu. Do đó, người dân cần có kiến thức nhận biết sớm để chủ động thăm khám, nhận sự tư vấn và điều trị kịp thời, đúng cách, ngăn chặn những biến chứng nguy hiểm. Những dấu hiệu của suy thận như:

Triệu chứng về da: Bệnh nhân suy thận da thường sạm đen, sỉn màu do lắng đọng nhiều chất độc và sắt, bệnh nhân có thể kèm theo dấu hiệu của thiếu máu nên da thường xanh sạm, nhợt nhạt, thiếu sức sống.

Triệu chứng của thiếu máu: do suy thận gây thiếu máu mạn tính nên bệnh nhân có những triệu chứng của thiếu máu như da xanh niêm mạc nhợt nhạt, hoa mắt chóng mặt, mệt mỏi khi làm việc

Triệu chứng của tăng ure máu: Bệnh nhân có triệu chứng hơi thở ure, ăn kém và chán ăn, người mệt mỏi. Đôi khi đau đầu, buồn nôn, người nôn nao chóng mặt

Triệu chứng của tăng huyết áp: BN suy thận thường có THA kèm theo, hay có cơn tăng huyết áp, huyết áp thường cao > 180 mmHg, đáp ứng kém với thuốc hạ áp

Triệu chứng Phù: Đây là một trong những nguyên nhân hay gặp trong suy thận cấp và các đợt cấp của suy thận mạn: bệnh nhân đi tiểu số lượng ít kèm theo có phù vùng thấp. 

Ngoài ra bệnh nhân suy thận còn nhiều triệu chứng không điểu hình như đau xương khớp, đau hố thắt lưng 2 bên … 

Do chưa nhận thức đầy đủ về bệnh nên không ít trường hợp bệnh nhân mắc bệnh lý suy thận ở giai đoạn nặng mới nhập viện. Khi đó, người bệnh đã xuất hiện tình trạng phù các bộ phận trên cơ thể như mắt, chân và tay...nguy hiểm đến tính mạng do thận giảm khả năng loại bỏ nước và muối .

Để chủ động phòng, chống bệnh suy thận, bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy khuyến cáo người dân cần:

Uống đủ nước: Nước có vai trò quan trọng đối với cơ thể, và đặc biệt với những người bị thận yếu thì cần đặc biệt lưu ý. Các bác sĩ khuyến cáo, người bị bệnh thận không nên uống quá nhiều hay quá ít nước. Vì uống nhiều nước sẽ tạo áp lực lên cho thận; Uống ít nước sẽ làm tăng nguy cơ thận bị nhiễm độc do thận sẽ không đủ nước để co bóp đẩy cặn bã và độc tố ra ngoài. Vì vậy, chỉ cần uống một lượng nước vừa đủ mỗi ngày. Mỗi ngày cơ thể cần 2-2,5 lít nước, tùy theo sức khỏe tổng thể, giới tính, trọng lượng cơ thể và hoạt động của người đó. Với những người chơi thể thao, mồ hôi tiết ra nhiều thì cần bổ sung nước nhiều hơn.

Để nạp đủ nước cho cơ thể, cần lưu ý những điều sau: Không nên uống một lượng nước lớn một lúc mà nên uống từng ngụm nhỏ để giúp các tế bào thẩm thấu lượng nước đưa vào. Nên uống nước ấm giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp và tăng nhu động ruột, hỗ trợ hệ tiêu hóa, hỗ trợ tuần hoàn máu trong cơ thể trở nên dễ dàng, trơn tru hơn. Không đợi đến khi khát mới uống, bởi vì ngay cả khi không khát cơ thể vẫn có khả năng mất đi một lượng nước cần thiết cần phải bổ sung ngay.

Ngoài uống nước lọc có thể tăng cường thêm một số loại nước trái cây tươi như nước dưa hấu, táo, dâu tây… rất giàu vitamin và khoáng chất rất tốt cho thận. Đặc biệt tránh xa các loại nước ngọt có ga, vì lượng đường và phốt pho ở trong các loại nước này sẽ thúc đẩy bài tiết canxi ra ngoài, gia tăng áp lực cho thận, dễ sinh sỏi thận. Lưu ý, với những người đã từng bị sỏi thận nên uống nhiều nước hơn một chút để giúp ngăn ngừa hình thành sỏi trong tương lai.

Thường xuyên vận động vừa sức: Tập thể dục không chỉ cần thiết với những người bình thường, mà đối với những người bị bệnh thận cũng cần duy trì vận động. Việc luyện tập thể thao điều độ không những giúp tăng cường sự dẻo dai cho các cơ bắp, tăng cường hệ miễn dịch, giúp khí huyết được lưu thông tốt hơn mà còn giúp ổn định huyết áp, làm giảm mỡ máu (cholesterol và triglycerides), tăng cường sức khỏe tim mạch. Đây là những yếu tố quan trọng giúp phòng ngừa sự tổn thương của thận. Vì vậy, thói quen tốt cho thận này cần được duy trì thường xuyên.

Tuy nhiên, đối với những người thận yếu cần chú ý: loại bài tập, thời gian tập luyện, cường độ và thời gian tập luyện. Với đối tượng này nên chọn các bài tập nhẹ nhàng như: đi bộ, bơi lội, đạp xe, tập yoga, aerobic… Người mới tập luyện nên tập từ từ, rồi tăng dần thời gian lên, nên duy trì 30-45 phút/ngày, tập ít nhất 3 ngày/tuần.

Tùy vào sức khỏe mỗi người mà có cường độ tập khác nhau, tập vừa với sức của mình. Khi thấy mệt, khó thở, tim đập nhanh, đau bụng… thì cần dừng lại ngay.

Duy trì cân nặng phù hợp: Những người thừa cân hoặc béo phì ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, có nguy cơ mắc một số tình trạng sức khỏe tiểu đường, tim mạch, huyết áp cao có thể làm hỏng thận. Vì vậy, cần theo dõi và duy trì chỉ số khối cơ thể (BMI) ở mức phù hợp. BMI là chỉ số thể dùng để đo lượng mỡ trong cơ thể. Chỉ số BMI được tính cho người trưởng thành bằng cân nặng chia cho bình phương chiều cao. Một người có chỉ số khối cơ thể bình thường dao động trong khoảng 18,6-24,9. Nếu vượt qua chỉ số này vượt quá 25, cơ thể đang bị thừa cân béo phì. Vì vậy, cần duy trì chế độ dinh dưỡng, tập luyện khoa học để có cân nặng phù hợp.

Kiểm soát đường huyết: Với những người bị bệnh tiểu đường, hoặc có nguy cơ có lượng đường huyết cao là những đối tượng dễ làm tổn thương thận. Một khi các tế bào của cơ thể không thể sử dụng hết đường trong máu, thận buộc phải làm việc nhiều hơn để lọc máu. Điều này xảy ra trong thời gian dài có thể làm nguy hiểm đến tính mạng.

Tuy nhiên, nếu bản thân kiểm soát đường trong máu thì có thể giảm được nguy cơ gây hại cho thận. Bên cạnh chế độ tập luyện và dinh dưỡng hợp lý thì cần thăm khám định kỳ. Khi phát hiện sớm, bác sĩ có cách để giảm hoặc ngăn ngừa tổn thương ở thận.

Theo dõi huyết áp: Huyết áp cao là yếu tố ảnh hưởng sẽ kéo theo các hệ lụy về sức khỏe như tiểu đường, tim mạch hoặc cholesterol tăng tăng cao, gây tổn thương đến thận. Khi huyết áp tăng cao sẽ làm dày các thành mạch và gây hẹp lòng mạch máu.

Quá trình lọc máu trở nên khó khăn hơn, các chất thải của cơ thể sẽ bị ứ đọng lại trong máu và theo thời gian sẽ gây hại cho thận. Chỉ số huyết áp bình thường là 120/80 mmHg.

Nếu chỉ số huyết áp trên 140/90 là tình trạng huyết áp tăng. Nếu gặp tình trạng này, người bệnh cần tham vấn ý kiến bác sĩ và cần theo dõi huyết áp thường xuyên, thay đổi lối sống và có thể dùng thuốc. Khi huyết áp cao kéo dài sẽ làm tăng áp lực lên cầu thận khiến thận làm việc vất vả hơn, có nguy cơ dẫn đến suy thận.

Hạn chế sử dụng rượu bia, và ngưng hút thuốc lá: Đây là hai yếu tố có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tổng thể, trong đó có thận. Nếu thường xuyên uống quá nhiều bia rượu, nồng độ cồn trong máu tăng cao, thận làm việc hết công suất mà khó có thể đào thải hết độc tố ra ngoài. Điều này có thể dẫn đến viêm thận cấp tính hoặc mạn tính. Đồng thời, uống nhiều rượu làm tăng huyết áp, một nguyên nhân phổ biến của bệnh thận.

Chú ý trong việc sử dụng thuốc không kê đơn: Nếu thường xuyên dùng thuốc giảm đau không kê đơn (OTC), thuốc chống viêm không steroid bao gồm ibuprofen và naproxen, có thể gây hại cho thận nếu dùng chúng thường xuyên vì đau mạn tính, đau đầu hoặc viêm khớp.

Vì vậy, cần chú ý và thận trọng khi sử dụng các loại thuốc này. Tốt nhất, khi sử dụng những loại thuốc này hàng ngày, cần tham vấn ý kiến của bác sĩ. Trao đổi với bác sĩ về các phương pháp điều trị an toàn cho thận nếu bạn đang phải đương đầu với cơn đau.

Ngoài thuốc giảm đau, các loại thuốc khác cũng cần theo đúng chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ. Cùng mắc một loại bệnh giống nhau, thuốc dùng tốt ở người bệnh này nhưng có thể không dùng được ở người bệnh khác. Đặc biệt nhiều loại “thực phẩm chức năng” đôi khi được quảng cáo như thuốc nên gây hiểu lầm và người bệnh không biết nên đã sử dụng như thuốc chữa bệnh.

Kiểm tra chức năng thận: Nếu bạn ở đối tượng có nguy cơ cao bị tổn thương thận hoặc đang bị bệnh thận thì cần kiểm tra chức năng của thận thường xuyên. Những đối tượng sau cần lưu ý kiểm tra thường xuyên:

Người trên 60 tuổi

Người sinh ra nhẹ cân

Người bị bệnh tim mạch, tăng huyết áp hoặc đái tháo đường.

Người có tiền sử gia đình bị tăng huyết áp, đái tháo đường hoặc mắc bệnh thận mạn phải lọc máu hay ghép thận.

Người béo phì.

Người có dấu hiệu bất thường ở thận

Việc khám sức khỏe định kỳ tại các cơ sở y tế uy tín, trong đó kiểm tra chức năng thận là một cách để tầm soát sức khỏe của thận, phát hiện sớm các biểu hiện bệnh lý. Từ đó bác sĩ chuyên khoa có thể đưa ra những tư vấn về điều chỉnh lối sống, can thiệp y tế thích hợp giúp làm chậm hoặc ngăn ngừa thận bị tổn thương trong tương lai.

Mạc Thảo