Nơi giữ lửa sự sống cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối

  • 2022/09/07 07:29

Có một nơi mà những nỗi đau thể xác và tinh thần tưởng chừng vượt quá sức chịu đựng của con người được xoa dịu. Dành mọi nỗ lực để giúp người bệnh và thân nhân vượt qua nỗi đau một cách nhẹ nhàng và bình thản nhất, đó là những gì đang diễn ra tại Khoa hồi sức tích cực ung bướu, Bệnh viện Bãi Cháy. 


Bác sĩ Nguyễn Vĩnh Lâm - Phụ trách Khoa Hồi sức tích cực Ung bướu, Bệnh viện Bãi Cháy thăm khám cho bệnh nhân

Tiếng của những thiết bị y tế từ phía hai dãy phòng bệnh đều đều vang lên - thứ âm thanh như tiếng kim đồng hồ nhắc nhở các y bác sĩ, nhân viên y tế rằng những bệnh nhân nặng đang nằm trên ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết. 

Bệnh nhân Nguyễn Thái Hoàn được chẩn đoán mắc u não đã 3 năm không có chỉ định phẫu thuật, điều trị dự phòng co giật, động kinh tại nhà. Khi được người nhà đưa đến Bệnh viện Bãi Cháy cấp cứu, ông Hoàn trong tình trạng co giật toàn thân, tím tái, hôn mê, toan chuyển hóa nặng, tiên lượng tử vong cao. Đối với gia đình ông Hoàn, mọi hy vọng về sự sống tưởng chừng kết thúc. Nhưng tận dụng từng phút từng giây, thực hiện cấp cứu, điều trị tích cực, kip trực của Khoa hồi sức tích cực ung bướu, Bệnh viện Bãi Cháy đã cứu thoát ông khỏi cửa tử. 

Vui mừng khi bố vừa được cứu thoát cửa tử bởi sự chăm sóc, điều trị tận tình của các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy, Anh Nguyễn Thành Dương - con trai ông Hoàn chia sẻ:  “Cả nhà đưa ông nghĩ là  ông sẽ khó tỉnh lại. Thế nhưng đến chiều hôm qua được bác sĩ thông báo ông tỉnh. Đến hôm nay ông rút được ống thở ra, tôi rất mừng”. 

Người bệnh ung thư giai đoạn cuối bị những cơn đau dày vò đến tận cuối đời. Khối u lớn chèn ép vào các bộ phận, các tế bào ung thư đã xâm lấn, di căn khắp hệ thống mạch máu, hạch bạch huyết, các bộ phận trọng yếu của cơ thể như tim, gan, não, phổi… Cơn đau do ung thư khiến họ không thể ăn, ngủ, sinh sống như người bình thường. Nhiều người tâm sự rằng, họ không sợ cái chết bằng sự dằn vặt của những cơn đau, chứng kiến nỗi buồn và bất lực của người nhà. 


Chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối tại Khoa Hồi sức tích cực ung bướu, Bệnh viện Bãi Cháy

Chính lúc này, sự hỗ trợ về mặt y tế, chăm sóc giảm nhẹ cả về thể chất, tinh thần thực sự cần thiết để bệnh nhân bớt đau đớn, ổn định trạng thái tâm lý, bớt bi quan, lo sợ để đối diện với bệnh tật. Với ý nghĩa nhân văn đó, Khoa hồi sức tích cực ung bướu, trực thuộc Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Bãi Cháy được thành lập vào tháng 4/2019. Đây là đơn vị hồi sức, chăm sóc giảm nhẹ đầu tiên dành riêng cho người bệnh ung thư giai đoạn cuối tại tỉnh Quảng Ninh.

Bác sĩ CKI Nguyễn Vĩnh Lâm - Phụ trách Khoa chia sẻ: “Đối với người nhà và bệnh nhân thì thực ra người ta đã hiểu rất rõ về bệnh của bản thân. Người nhà nghĩ ung thư giai đoạn cuối rồi, đằng nào cũng không qua được. Bây giờ nặng như thế rồi đưa về.  Nhưng mà cái quan trọng là thời gian sống có được lâu dài hay không, chất lượng cuộc sống trong thời gian đó tốt không. Giả sử 1 tuần, 1 tháng nhưng không có thuốc giảm đau, đau đớn, rồi những vấn đề cần chăm sóc, vận động. Có những bệnh nhân đưa xuống Khoa điều trị và có hướng chăm sóc giảm nhẹ, bệnh nhân hoàn toàn có thể kéo dài sự sống”.

10 năm công tác tại Bệnh viện Bãi Cháy thì có đến 7 năm bác sĩ Lâm hoạt động chuyên môn ở lĩnh vực hồi sức tích cực. Nhớ về những ngày đầu nhận nhiệm vụ phụ trách Khoa, nhân lực mới tập hợp còn non trẻ, thiếu kinh nghiệm hồi sức, chăm sóc giảm nhẹ trong khi đa số bệnh nhân nhập viện đều mắc ung thư giai đoạn cuối kèm theo bệnh lý cấp tính nặng nề, cần can thiệp kỹ thuật hồi sức chuyên sâu, chăm sóc toàn diện, bác sĩ Lâm tâm sự:  “Định hướng của khoa khi thành lập là hồi sức tích cực cho bệnh nhân ung thư. Tất cả các bệnh nhân nặng nhất về ung thư, toàn bộ vấn đề cấp cứu, điều trị, hồi sức bệnh nhân và các kỹ thuật liên quan hồi sức. Nhưng thời điểm khó khăn nhất là thời điểm bắt đầu triển khai. Áp lực về chuyên môn, bệnh nhân. Lúc đó anh em phải chuyển mình. Những khó khăn, thử thách mà đối với tất cả các thành viên trong khoa và cá nhân mình sẽ còn rất nhiều. Nhưng đến thời điểm hiện tại thì sự nỗ lực của mọi người, sự trưởng thành của từng thành viên trong khoa đã giúp cho tập thể Khoa đạt được thành tích”. 

Qua 3 năm hình thành và phát triển, cho đến nay, Khoa hồi sức tích cực Ung bướu Bệnh viện Bãi Cháy đã có 6 bác sĩ, 25 điều dưỡng, mỗi ngày đảm nhận chăm sóc toàn diện cho từ 20 đến 30 bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối.

Ngày 3 lần sáng, chiều, tối, tùy theo thể trạng người bệnh, điều dưỡng Nguyễn Văn Diễn –Khoa Hồi sức tích cực Ung bướu, Bệnh viện Bãi Cháy kiên nhẫn thực hiện vỗ rung từ 15-30p giúp cho bệnh nhân long đờm, ho khạc dễ dàng hơn. Đặc thù của khoa Hồi sức tích cực ung bướu là khoa chăm sóc đặc biệt, người nhà bệnh nhân hạn chế thăm nuôi để tránh nhiễm khuẩn, tránh lây chéo và bảo đảm môi trường sạch sẽ, yên tĩnh cho bệnh nhân. Vì vậy, công việc hàng ngày của điều dưỡng Diễn và các đồng nghiệp ngoài chăm sóc về y tế, theo dõi, nhận biết những bất ổn từ dấu hiệu sinh tồn của người bệnh để kịp thời xử trí cấp cứu, còn thay người nhà chăm sóc toàn diện cho từng bệnh nhân từ ăn uống, vệ sinh cá nhân, tắm gội, đánh răng, rửa mặt,… 

 “Các bệnh nhân chăm sóc cấp 1, đặc biệt là những bệnh nhân ung thư thì thường rất đau đớn, hạn chế về vận động, khả năng thở kém, mình phải tích cực giúp bệnh nhân vận động, vỗ rung để bệnh nhân thở dễ dàng. Những bệnh nhân chăm sóc cấp 1 từ ăn uống, vệ sinh răng miệng, vỗ rung tư thế hoàn toàn là điều dưỡng chăm sóc.” - điều dưỡng Nguyễn Văn Diễn –Khoa Hồi sức tích cực Ung bướu chia sẻ.

Trong phòng bệnh, anh Trần Văn Hòa (Bình Dương, Đồng Triều, Quảng Ninh) vừa trải qua cơn nguy kịch. Chứng kiến sự chăm sóc tận tình của các bác sĩ, điều dưỡng, chị Cao Thị Ân, vợ anh Hòa không khỏi xúc động: “Chồng tôi bị K thực quản từ tháng 2/2022 đã chữa ở K Tân Triều 6 tháng, xạ trị xong rồi, về đến nhà chồng tôi rất yếu. Tôi đưa xuống Bệnh viện Bãi Cháy, chồng tôi bị vỡ u, cấp cứu đúng hai ngày hai đêm chồng tôi lại tỉnh . Toàn thể gia đình chúng tôi cảm ơn Khoa, các bác sĩ đúng là có bàn tay vàng!”.

Ngày qua ngày, các bác sĩ, điều dưỡng viên chăm sóc tỉ mỉ, tận tình cho những người bệnh như chính những người thân đau ốm trong gia đình. Bằng các liệu pháp thuốc men, trị liệu tâm lý và cả tấm lòng đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên, họ kiên định chiến đấu với tử thần để nối dài sự sống cho bệnh nhân, giúp bệnh nhân cải thiện chất lượng cuộc sống, có trạng thái sức khỏe, tinh thần tốt nhất để sống trọn vẹn, an yên đến giây phút cuối cùng.  

Đối với họ, chứng kiến những bệnh nhân phục hồi sức khỏe kỳ diệu sau cơn nguy kịch, sự sống dù ngắn hạn nhưng cũng là điều đáng trân quý. Sự hài lòng, an tâm và niềm tin của bệnh nhân và gia đình của họ gửi gắm trong những ngày điều trị tại bệnh viện là động lực để mỗi y bác sĩ vượt lên mọi khó khăn, vất vả, hoàn thiện chuyên môn và tiếp tục tận tụy với hành trình chăm sóc giảm nhẹ.

 “Bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối về thể chất, tinh thần của họ đã trải qua một quá trình rất trường kỳ, người ta biết bản thân bị ung thư và có một kết cục chờ sẵn. Cho nên xác định chung đối với anh em các bệnh nhân này vô cùng đặc biệt. Vấn đề tiếp xúc với bệnh nhân để mà chẩn đoán, điều trị có sự linh động về tâm lý. Luôn luôn có sự chia sẻ rất lớn, bác sĩ rất cần người nhà đồng hành cùng nhân viên y tế và bác sĩ để hướng tới đích chung mang lại chế độ điều trị tốt nhất, chế độ chăm sóc tốt nhất cho bệnh nhân.” – Bác sĩ Nguyễn Vĩnh Lâm – Phụ trách Khoa Hồi sức tích cực ung bướu cho biết.

Điều dưỡng trưởng khoa Hồi sức tích cực ung bướu Ngọ Bá Trường chia sẻ: “Có những bệnh nhân người nhà yêu cầu giấu, không muốn cho bệnh nhân biết nhưng nguyên tắc bệnh nhân được quyền biết về bệnh của mình. Lúc đấy mình phải đối mặt giao tiếp với bệnh nhân nên nói gì, không nên nói gì. Vấn đề thứ hai của bệnh nhân ung thư là cái đau. Khi tiếp xúc với cơn đau của bệnh nhân phải làm những gì, động viên, thuốc thang như thế nào. Và lúc bệnh nhân đau cần một người ở bên cạnh,  cần một chỗ dựa và chia sẻ.”


Khoa Hồi sức tích cực ung bướu Bệnh viện Bãi Cháy nỗ lực chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối

Để có được một chuyên khoa hồi sức tích cực ung bướu hoạt động ổn định, phát triển, gây dựng được niềm tin cho người dân trong và ngoài tỉnh như hiện nay là một quá trình phấn đấu, nỗ lực bền bỉ vượt lên khó khăn, hoàn thiện y đức, chuyên môn từng ngày, từng giờ của mỗi cá nhân bác sĩ, nhân viên y tế. Hiện tại, Khoa đã làm chủ và ứng dụng nhiều kỹ thuật hồi sức cấp cứu hiện đại để nâng cao hiệu quả cấp cứu, điều trị hồi sức, chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư nặng, nguy kịch như kỹ thuật thở máy, đặt cate tĩnh mạch trung tâm, lọc máu liên tục, siêu lọc máu, thăm dò huyết động…

BS CKII Đinh Thị Lan Oanh – Phó Giám đốc Bệnh viện Bãi Cháy cho biết: “Khoa Hồi sức tích cực ung bướu là chuyên khoa mũi nhọn của Bệnh viện nói chung và Trung tâm ung bướu nói riêng. Nơi các Bệnh nhân hồi sức tích cực nặng về ung bướu điều trị. Kể từ khi thành lập Khoa, dưới sự chỉ đạo chuyên môn của trưởng khoa và sự đồng lòng của các bác sĩ, điều dưỡng trong Khoa, Khoa Hồi sức tích cực ung bướu chú trọng phát triển về đội ngũ nhân lực, trình độ chuyên môn, phát triển về kỹ thuật cao đồng thời chú trọng đào tạo cho đội ngũ cán bộ của mình trong giao tiếp, ứng xử để người bệnh cảm thấy được tin tưởng, được chăm sóc, được yêu thương, đặc biệt trong những ngày cuối đời".

“Điều trị hiệu quả - Lan tỏa niềm tin” - Đó là phương châm hoạt động của Khoa Hồi sức tích cực ung bướu - Bệnh viện Bãi Cháy. Ung thư không phải là chấm hết! Hy vọng những cống hiến bền bỉ, quyết tâm vì mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối của đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy sẽ mang đến tình yêu thương, tiếp thêm nghị lực, niềm tin để bệnh nhân kiên cường chiến đấu với bệnh tật.

Mạc Thảo