Phẫu thuật ít xâm lấn điều trị tận gốc hội chứng ống cổ tay tại Bệnh viện Bãi Cháy

  • 2022/11/01 04:35

Hội chứng ống cổ tay (HCOCT) là một bệnh nghề nghiệp thường gặp ở các đối tượng người làm việc máy tính, bán hàng, nội trợ, lái xe…khi thường xuyên phải sử dụng bàn tay liên tục, duy trì tư thế gập cổ tay một thời gian dài. Tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng lâu dài có thể dẫn đến tàn tật do tổn thương thần kinh, teo ô mô cái. Tại Bệnh viện Bãi Cháy, căn bệnh này hoàn toàn chẩn đoán được bằng các thiết bị y tế hiện đại và có thể được điều trị khỏi hoàn toàn bằng phẫu thuật ít xâm lấn bởi đội ngũ bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật chấn thương chỉnh hình.

Hội chứng ống cổ tay (HCOCT) là một bệnh nghề nghiệp thường gặp ở các đối tượng người làm việc máy tính, bán hàng, nội trợ, lái xe…

Hội chứng ống cổ tay còn gọi là hội chứng đường hầm cổ tay hay hội chứng chèn ép thần kinh giữa (tên tiếng Anh: Carpal tunnel syndrome) là một tập hợp các triệu chứng của một bệnh thần kinh ngoại biên. 

Bác sĩ Hà Duy Nam, Phó Khoa chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết: “Đa số các bệnh nhân đều nhận biết được các biểu hiện của hội chứng ống cổ tay khi làm một số việc thông thường trong đời sống hằng ngày. Một số triệu chứng thường gặp như: tê bì, nóng rát hoặc đau các ngón tay; có cảm giác như bị tê giật, đau và tê lan về phía khuỷu và vai; thay đổi cảm giác nhiệt hoặc xúc giác ở bàn tay, bàn tay trở nên vụng về, sức cầm nắm giảm, bị run tay, viết khó, dễ làm rơi đồ vật..., trong trường hợp nặng, có thể gặp teo cơ ô mô cái. Nếu không được điều trị, các triệu chứng sẽ tiến triển thành cơn đau cấp tính hoặc đau kéo dài, đôi khi nghiêm trọng đến mức người bệnh không thể làm được những việc đơn giản trong gia đình vì chức năng bàn tay đã bị tổn thương nghiêm trọng. Nếu tình trạng chèn ép kéo dài sẽ làm tổn thương thần kinh không hồi phục. Điều này có nghĩa là dù có giải ép thì các cử động cầm nắm cũng không phục hồi trở lại được như ban đầu. Chính vì thế chỉ định phẫu thuật là tuyệt đối nếu bệnh nhân có tình trạng yếu cơ ô mô cái để tránh tình trạng không phục hồi hay tổn thương thêm của dây thần kinh giữa.”

Bệnh có thể gặp ở mọi độ tuổi, phụ nữ mắc bệnh nhiều hơn nam giới gấp 3-4 lần do sử dụng đôi bàn tay nhiều hơn. Đây cũng là một bệnh nghề nghiệp thường gặp ở những người lao động nghề nghiệp mang tính chuyên biệt cao và chỉ sử dụng một số cơ bắp nhỏ ở bàn tay liên tục kéo dài. Những người làm việc tư thế cổ tay gập, dùng nhiều động tác lắc cổ tay, hoặc làm các nghề đòi hỏi phải cử động tay liên tục, sử dụng máy có rung chuyển khi vận hành hoặc thường xuyên sử dụng máy tính.

Nguyên nhân của hội chứng ống cổ tay (HCOCT) là do thần kinh giữa bị chèn ép trong ống hẹp vùng cổ tay, phần lớn là vô căn. Thần kinh giữa bị dây chằng ngang cổ tay chèn ép khi nó đi qua dưới sợi dây chằng này, làm đau và yếu bàn tay. Bên cạnh đó là những yếu tố nguy cơ thúc đẩy HCOCT như phụ nữ thời kỳ mãn kinh, đang dùng thuốc tránh thai đường uống, phụ nữ có thai với sự tăng cân quá nhanh ; bệnh lý gây chèn ép thần kinh giữa như (dị dạng xương do gãy cổ tay, viêm khớp dạng thấp có viêm bao gân; Bệnh Gút có hạt Tophie quanh các bao gân; Bệnh chuyển hóa: đái tháo đường, to đầu chi, nhiễm bột, suy tuyến giáp; Bệnh gây tăng thể tích: phù; suy tim xung huyết; béo phì; Các khối u trong OCT: u nang bao hoạt dịch, u dây thần kinh, u mỡ…)

Tại Bệnh viện Bãi Cháy, các bác sĩ có thể sử dụng phương pháp điện thần kinh cơ để đánh giá mức độ suy giảm tốc độ dẫn truyền vận động và cảm giác của thần kinh giữa trong ống cổ tay, từ đó phân mức độ nặng của bệnh HCOCT;  bên cạnh đó là các phương pháp cận lâm sàng như siêu âm, xquang, cộng hưởng từ MRI để chẩn đoán chính xác tổn thương tại dây thần kinh, các khối u hay tổn thương mô mềm kèm theo… Theo đó, Phẫu thuật thực hiện cắt dây chằng ngang cổ tay để giải phóng chèn ép thần kinh được chỉ định khi có chèn ép cơ học, điều trị nội khoa thất bại, có triệu chứng teo mô cái hoặc yếu bàn tay, bệnh kéo dài trên 1 năm hoặc kết hợp với bệnh lý ảnh hưởng thần kinh như đái tháo đường, suy thận mạn. 



Phương pháp điện thần kinh cơ để đánh giá mức độ suy giảm tốc độ dẫn truyền vận động và cảm giác của thần kinh giữa trong ống cổ tay

Phương pháp phẫu thuật này được các bác sĩ Khoa Chấn thương chỉnh hình tại bệnh viện ứng dụng với ưu điểm ít xâm lấn, đường rạch da nhỏ chỉ 2-3cm dọc gan tay dưới nếp gấp cổ tay, vết mổ liền nhanh, độ an toàn cao, tỷ lệ tái phát thấp. Bệnh nhân được vô cảm vùng cổ bàn tay bằng phương pháp tê đám rối thần kinh cánh tay hoặc tê tại chỗ nên không cảm thấy đau trong suốt quá trình phẫu thuật, bác sĩ tiến hành cắt dây chằng ngang, giải phóng dây thần kinh giữa một cách chuẩn xác, nhanh chóng.  Theo kết quả nghiên cứu năm 2018-2019, trong số những bệnh nhân được phẫu thuật điều trị HCOCT bằng phẫu thuật tại bệnh viện Bãi Cháy thì có 86,2% bệnh nhân cải thiện về triệu chứng và chức năng sau tháng thứ 1 và 88,9% bệnh nhân cải thiện triệu chứng vào tháng thứ 3.

Hội chứng ống cổ tay tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng về lâu dài có thể dẫn đến tàn tật do tổn thương thần kinh và mạch máu, teo cơ mô cái. Phẫu thuật là giải pháp điều trị tối ưu để tránh tình trạng không phục hồi hay tổn thương thêm của dây thần kinh giữa. 


Bệnh viện Bãi Cháy với đội ngũ bác sĩ chuyên ngành phẫu thuật chấn thương chỉnh hình thực hiện phẫu thuật điều trị hội chứng ống cổ tay

Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Bãi Cháy với đội ngũ bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm, trình độ cao và hệ thống phòng mổ hiện đại đã thực hiện thành công hàng trăm trường hợp bệnh nhân mắc HCOCT mức độ từ trung bình đến rất nặng là địa chỉ tin cậy phẫu thuật điều trị tận gốc HCOCT, giúp người bệnh cải thiện chức năng vận động và tránh những biến chứng không mong muốn của căn bệnh này.

Mạc Thảo, BSCKI. Hà Duy Nam