Phòng bệnh thiên đầu thống

  • 2022/03/16 01:37

Glaucoma hay còn gọi là bệnh thiên đầu thống là bệnh được xếp thứ 2 trong số các nguyên nhân gây mù lòa sau bệnh đục thủy tinh thể. Việc phát hiện sớm, điều trị đúng cách, tránh biến chứng gây mù lòa là vô cùng quan trọng.

Bệnh thiên đầu thống là một bệnh lý về mắt mà nguyên nhân là do áp suất của thủy dịch trong mắt tăng đến mức làm tổn thương thần kinh thị giác (tăng nhãn áp). Bệnh khá phổ biến, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, bệnh không có triệu chứng trong giai đoạn đầu vì thế rất khó để nhận ra. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, bệnh có thể dẫn đến mù lòa.

Bác sĩ CKII Nguyễn Đình Hải, Trưởng phòng chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết: Nguyên nhân dẫn đến bệnh thiên đầu thống thường xảy ra chủ yếu ở phụ nữ. Phụ nữ có nguy cơ mắc phải bệnh này nhiều hơn gấp hai lần so với nam giới và chủ yếu ở độ tuổi trung niên.  Bên cạnh đó, những người có nhãn cầu nhỏ như bị viễn thị nặng, giác mạc nhỏ, dễ xúc cảm, hay lo âu là cơ địa thuận lợi để xuất hiện cơn glôcôm. Ngoài ra, một số người có thể có nguy cơ mắc thiên đầu thống cao hơn mọi người bình thường, đó là những người đang mắc bệnh tiểu đường, huyết áp cao, huyết áp thấp, đục thủy tinh thể, các bệnh chấn thương về mắt….những bệnh này đều có thể có biến chứng trở thành thiên đầu thống.


Bác sĩ CKII Nguyễn Đình Hải, Trưởng phòng chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Bãi Cháy phẫu thuật cho bệnh nhân bị Glocom

Bệnh Glaucoma ( thiên đầu thống) được chia ra làm 4 loại:

Glaucoma góc mở tiên phát: Loại glaucoma này chiếm phần lớn tỷ lệ mắc glaucoma tại hầu hết các quốc gia, chủ yếu xảy ra ở người cao tuổi nhưng cũng có thể xảy ra ở người trung niên. Các thành viên trong gia đình của những người bị bệnh glaucoma sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người bình thường, vì bệnh này thường liên quan đến yếu tố di truyền

Bệnh glaucoma tiến triển chậm và thường không thể nhận biết qua nhiều tháng hoặc nhiều năm. Nhiều người không biết thị lực của mình đang kém đi vì thị lực trung tâm và thị lực gần vẫn còn tốt, trong khi thị lực ban đêm và thị lực ngoại biên đang giảm dần

Tình trạng này thường đáp ứng tốt với thuốc điều trị Glaucoma nhưng trong một số trường hợp thì cần phẫu thuật để dẫn lưu sự tắc nghẽn trong ống dẫn thủy dịch.

Glaucoma góc đóng cấp tính: Đây là loại glaucoma phổ biến nhất ở Việt Nam, thường xảy ra với người trung niên và người cao tuổi, đặc biệt là phụ nữ do sự gia tăng đột ngột và nhanh chóng của áp suất trong mắt. Nếu không được điều trị ngay, thì trong một thời gian ngắn có thể dẫn đến tổn thương mắt vĩnh viễn gây mù loà.

Tình trạng glaucoma cấp tính thường có các triệu chứng rõ ràng như là đau mắt dữ dội, mờ mắt, đỏ mắt, xuất hiện quầng sáng xung quanh nguồn sáng và kèm theo triệu chứng buồn nôn.

Glaucoma bẩm sinh:  Loại glaucoma này hiếm gặp và xảy ra ở trẻ sơ sinh. Mắt của trẻ mở lớn, chảy nước mắt và nhạy cảm bất thường với ánh sáng là các triệu chứng cho thấy cần đưa trẻ đến thăm khám với bác sĩ nhãn khoa.

Glaucoma thứ phát: Glaucoma thứ phát sẽ do các tình trạng khác gây ra như viêm mắt, khối u trong mắt, phẫu thuật mắt, chấn thương mắt hoặc đục thể thủy tinh ở các giai đoạn nghiêm trọng.

Bệnh thiên đầu thống có những triệu chứng sau:

Trong giai đoạn đầu, bệnh thiên đầu thống không có triệu chứng, không gây đau, tầm nhìn vẫn bình thường. Bệnh có thể phát triển ở một hoặc cả hai mắt. Người bệnh chỉ bắt đầu đi khám khi cảm thấy những điểm mù trên thị lực ngoài biên của mình. Mặc dù vậy, có một số triệu chứng có thể là dấu hiệu điển hình của bệnh cườm nước như:

  • Đau dữ dội ở mắt hoặc trán
  • Có những trường hợp đỏ mắt
  • Thị lực giảm hoặc mờ cũng được ghi nhận
  • Một số bệnh nhân tăng nhãn áp nhìn thấy cầu vồng hoặc quầng sáng xung quanh đèn sáng
  • Cảm giác căng cứng, đồng tử giãn nở.
  • Bệnh nhân cũng có thể bị đau bụng, buồn nôn và ói mửa
  • Nhạy cảm với ánh sáng, cảm thấy đau đớn hoặc sợ ánh sáng.


Bác sĩ CKII Nguyễn Đình Hải, Trưởng phòng chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Bãi Cháy khám mắt cho bệnh nhân

Theo Bác sĩ Hải : Tùy theo từng nguyên nhân gây bệnh và tình trạng bệnh mà bác sĩ nhãn khoa sẽ có chỉ định điều trị cho phù hợp.

Để phòng bệnh thiên đầu thống bác sĩ Hải khuyến cáo:

-     Đối với những người đã biết mình bị thiên đầu thống nên theo dõi đều đặn nhãn áp 3-4 tháng/lần suốt đời, có sẵn thuốc uống, tra ngừa cơn cấp do thầy thuốc chỉ định.

-      Khi có tiền sử gia đình bị thiên đầu thống thì mọi người trong gia đình cần làm xét nghiệm để phát hiện thiên đầu thống từ khi chưa có những biểu hiện đầu tiên.

-   Với những người bị tăng huyết áp, thì khi huyết áp tụt đột ngột có thể tạo cơ hội thuận lợi để bùng phát cơn thiên đầu thống.

-     Đối với người trên 40 tuổi nên khám mắt định kỳ tối thiểu 2 lần/năm để kịp thời phát hiện bệnh

Đình Hải-Minh Khương