Triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW: Bước chuyển mình của ngành Y tế

  • 2025/04/10 00:29

Trong bối cảnh y tế đang đối mặt với nhiều thách thức, từ sự gia tăng các loại bệnh mạn tính đến nhu cầu khám chữa bệnh (KCB) ngày càng cao của người dân, tỉnh Quảng Ninh đã và đang là một trong những địa phương nổi bật về việc không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ y tế. Điều này không chỉ đến từ đội ngũ y bác sĩ được đào tạo bài bản, mà còn nhờ vào bước tiến mạnh mẽ trong ứng dụng KHCN vào KCB. Giai đoạn hiện tại cũng như trong tương lai, ngành Y tế cũng định hướng đẩy mạnh triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Trong nhiều năm qua, y học trên thế giới cũng như trong nước đã có những bước phát triển vượt bậc nhờ vai trò to lớn của việc nghiên cứu, ứng dụng KHCN, thành tựu của thời đại 4.0 vào công tác dự phòng, chẩn đoán, KCB, sản xuất dược phẩm - vật tư và thiết bị y tế. Tại Quảng Ninh, việc tận dụng sức mạnh của KHCN cũng là chìa khoá giúp ngành Y tế của tỉnh có những bước phát triển mạnh mẽ chỉ trong một thời gian ngắn, nhất là giai đoạn chục năm gần đây.

Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia được xem là động lực thúc đẩy ngành y tế tiếp tục đạt được những kết quả tích cực hơn nữa trong công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

Số hoá dữ liệu khám chữa bệnh

Tính đến thời điểm hiện tại, Quảng Ninh là địa phương tiên phong trong cả nước đã hoàn thành và về đích với 100% bệnh viện, TTYT trên địa bàn sử dụng bệnh án điện tử - được Bộ Y tế đánh giá là cốt lõi và là điểm khởi đầu cho mọi nỗ lực chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế.

Phòng xét nghiệm sinh học phân tử cấp II tại Bệnh viện Phổi Quảng Ninh.

Là phiên bản số của hồ sơ bệnh án, được ghi chép, hiển thị và lưu trữ bằng phương tiện điện tử, bệnh án điện tử cho phép lưu trữ số hoá và khai thác mọi thông tin quy trình chuyên môn, thực hiện y lệnh, tiền sử, diễn biến điều trị của người bệnh một cách hệ thống, dễ dàng tìm kiếm, tra cứu, thống kê, đánh giá một cách nhanh chóng.

Cùng với đó, hiện đã có hơn 1,3 triệu nhân khẩu trên địa bàn tỉnh được quản lý sức khỏe và đồng bộ tích hợp lịch sử KCB với ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử” của người dân; 100% dữ liệu KCB tại các đơn vị y tế được liên thông dữ liệu với hồ sơ sức khỏe điện tử.

Sở Y tế tiếp tục phối hợp với các địa phương giám sát, triển khai thí điểm nền tảng hỗ trợ tư vấn KCB từ xa (VTelehealth) của Bộ Y tế; thực hiện kết nối, chia sẻ, làm sạch dữ liệu KCB với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; cơ sở dữ liệu KCB và thanh quyết toán BHYT của BHXH Việt Nam; đơn thuốc điện tử quốc gia…

Tất cả những biện pháp này ngoài giúp công tác quản lý y tế thông minh hơn, thì một hiệu quả rõ ràng là người bệnh cũng được hưởng lợi từ các thủ tục y tế nhanh chóng hơn, thuận tiện hơn, giảm thiểu thời gian KCB.

Đơn cử tại Bệnh viện Bãi Cháy, từ cuối năm 2024, đây là đơn vị tiếp theo trong ngành Y tế Quảng Ninh triển khai kiosk y tế thông minh, cho phép bệnh nhân tự đăng ký KCB bằng CCCD có gắn chip, sử dụng quét sinh trắc học để liên thông kết quả KCB lên cổng dữ liệu quốc gia. Là một trong những bệnh viện tuyến cuối của tỉnh, với trên 1.500 lượt bệnh nhân đến KCB mỗi ngày, cùng với hệ thống đặt lịch khám và trả kết quả online, QR code động trong thanh toán viện phí, việc này đã giúp đơn vị giảm thiểu TTHC, rút ngắn thời gian và tạo thuận lợi cho người bệnh.

Chị Nguyễn Thị Hương (phường Hoành Bồ, TP Hạ Long) hết sức hài lòng khi chia sẻ về trải nghiệm khi tự đăng ký KCB bằng kiosk y tế thông minh của mình: Tôi cảm thấy thực sự nhanh chóng, tiện lợi, dễ dàng sử dụng. Tôi không cần phải chờ đợi xếp hàng lấy số, không cần mang bất cứ giấy tờ gì theo người ngoài CCCD. Mọi kết quả KCB sẽ được cập nhật online và tôi thậm chí nhận kết quả online thay vì phải chờ đợi như trước đây.

Bác sĩ Đỗ Doãn Trọng, Trưởng Khoa Nội Tổng hợp, Bệnh viện Bãi Cháy cũng khẳng định: Việc ứng dụng hàng loạt tiện ích như vậy đã tiết kiệm thời gian cho cả bệnh nhân và cả bác sĩ, giải quyết được vấn đề dồn bệnh nhân vào một vài thời điểm như trước đây. Đây cũng là cơ sở để các bác sĩ có nhiều thời gian cho KCB và tư vấn kỹ lưỡng cho bệnh nhân hơn…

Còn đối với tuyến huyện, tuyến xã, việc số hoá cũng giúp việc bác sĩ có thể nắm được chi tiết về bệnh sử của bệnh nhân, theo dõi quản lý sức khoẻ cộng đồng một cách hiệu quả hơn. Trong tương lai, khi việc liên thông kết quả KCB giữa các tuyến được triển khai, các cơ quan quản lý sẽ có đủ dữ liệu để thực hiện đánh giá về mô hình bệnh tật của từng vùng miền, từng địa phương, từ đó xây dựng các chiến lược đáp ứng phù hợp với nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ nhân dân, dự báo các dịch bệnh cũng như quản lý các bệnh không lây nhiễm một cách hiệu quả ngay từ cơ sở.

Ứng dụng KHCN trong y tế chuyên sâu

Ứng dụng KHKT trong phẫu thuật nội soi.

Xác định ứng dụng KHCN là chìa khoá để nâng cao chất lượng y tế, ngoài tăng cường đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực, ngành Y tế Quảng Ninh luôn khuyến khích các cơ sở y tế, bệnh viện học tập, triển khai những công nghệ, kỹ thuật mới trong khám, điều trị bệnh. Trong đó, năm 2024 đã có gần 600 nhiệm vụ KHCN các cấp của ngành Y tế được thẩm định, phê duyệt, nghiệm thu.

Từ những thành quả của ứng dụng KHCN, trong năm 2024 vừa qua, các đơn vị y tế trong toàn tỉnh Quảng Ninh đã triển khai 116 kỹ thuật y tế chuyên sâu ở tất cả các chuyên khoa; giảm tỷ lệ chuyển tuyến là 3,57%, thấp nhất trong khu vực Đồng bằng sông Hồng. Đặc biệt, Quảng Ninh có 3 đơn vị y tế được xếp cấp chuyên sâu là Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Bãi Cháy. Đây đều là các đơn vị đã triển khai được hàng loạt kỹ thuật cao, kỹ thuật khó của trung ương ngay tại đơn vị, giúp người dân yên tâm điều trị ngay tại cơ sở, giảm thiểu thời gian và chi phí, tăng tiếp cận y tế dịch vụ cao. 

Bệnh viện Bãi Cháy đặt mục tiêu áp dụng AI trong phát hiện ung thư sớm.

Tận dụng sức mạnh của AI, những năm qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã ứng dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo RAPID trong chẩn đoán và điều trị đột quỵ não. Đây là phần mềm giúp hỗ trợ bác sĩ đưa ra những dự đoán chính xác về tình trạng bệnh, giúp bệnh nhân có những biện pháp điều trị kịp thời, hiệu quả, giảm những di chứng. Năm 2025, Bệnh viện Bãi Cháy cũng đặt mục tiêu sẽ đưa AI vào chẩn đoán hình ảnh, cho phép phát hiện và chẩn đoán sớm các dấu hiệu ung thư phổi từ các tổn thương phổi siêu nhỏ.

Đặc biệt, trong tối 8/4 vừa qua, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí và Bệnh viện Đa khoa tỉnh phối hợp với Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức với gần 200 chuyên gia, y, bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên đã thực hiện đồng thời 2 ca ghép thận tại 2 bệnh viện. Đây là 2 ca ghép tạng đầu tiên được thực hiện tại cơ sở y tế tuyến tỉnh. Điều này khẳng định quyết tâm cao của ngành Y tế Quảng Ninh trong việc tham gia sâu vào mạng lưới hiến tạng, ghép tạng quốc gia, thực hiện trách nhiệm cao với cộng đồng, đảm bảo triển khai các kỹ thuật cao phục vụ nhân dân ngay tại địa phương.

Để chuẩn bị cho 2 ca ghép thận đầu tiên này, ngành Y tế Quảng Ninh đã chuẩn bị kỹ lưỡng về cơ sở vật chất, nhân lực, thiết bị. Việc triển khai thành công 2 ca ghép thận này sẽ là tiền đề quan trọng để ngành Y tế Quảng Ninh tiếp tục nghiên cứu thực hiện các ca ghép tạng khác như: Tim, gan, phổi..., từ đó, người dân trên địa bàn tỉnh được thụ hưởng kỹ thuật y tế chuyên sâu, nâng cao chất lượng KCB, từng bước hội nhập với quốc gia và quốc tế. Bên cạnh đó, việc ghép thận còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc bởi lan toả nghĩa cử cao đẹp của việc hiến tạng cứu người.  

Các bác sĩ tiến hành ghép thận cho bệnh nhân tại Bệnh viện Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí. Ảnh: Cao Quỳnh

Anh Phạm Hùng (TP Hạ Long), một bệnh nhân đến nay đã chạy thận tới 14 năm chia sẻ: Tôi cũng như tất cả bệnh nhân suy thận cảm thấy hết sức vui mừng khi ngành Y tế tỉnh nhà có thể thực hiện ghép tạng. Đây là cơ hội quý báu của những bệnh nhân nặng như tôi có thể được trao thêm một cuộc đời thứ hai.

Đến nay, các chỉ tiêu y tế của tỉnh Quảng Ninh luôn đạt và vượt so với chỉ tiêu cả nước: Toàn tỉnh đạt: 57,7 giường bệnh/1 vạn dân; 17 bác sĩ/1 vạn dân; 7 dược sĩ đại học/1 vạn dân; 25 điều dưỡng/1 vạn dân. Tỷ lệ dân số tham gia BHYT đạt trên 95,56%. Tỷ lệ người dân được quản lý sức khỏe đạt 100%. Tỷ lệ hài lòng chung của người dân với dịch vụ y tế của ngành Y tế Quảng Ninh (%) đạt: 92,3%, Chỉ số hài lòng toàn diện đạt 89,5%.


Tỷ lệ chuyển tuyến KCB từ tỉnh lên tuyến trung ương của Quảng Ninh rất thấp, nằm trong top 10 toàn quốc.

Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Trọng Diện khẳng định, với những điều kiện nền tảng vững chắc như hiện tại, ngành Y tế Quảng Ninh xác định tiếp tục nâng cao hơn nữa năng lực y tế, chất lượng khám, điều trị tại tất cả các cơ sở y tế các tuyến; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế; trong đó đặc biệt chú trọng phát triển KHCN, đưa Nghị quyết 57 đi vào thực tiễn tới từng đơn vị y tế, từng khoa phòng, từng nhân viên y tế, nhằm tiếp cận, triển khai được nhiều kỹ thuật cao, kỹ thuật khó ngay tại địa phương; chăm sóc tốt nhất cho sức khoẻ nhân dân Quảng Ninh cũng như khu vực.

Ngọc Khôi - Trung tâm TT tỉnh