Đẩy mạnh chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới
Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh (KCB) là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, luôn được ngành Y tế Quảng Ninh quan tâm thực hiện. Thực hiện công tác chỉ đạo tuyến nhằm nâng cao chất lượng KCB cho tuyến dưới là một trong những nội dung của nhiệm vụ trên. Xác định tầm quan trọng của công tác chỉ đạo tuyến, hàng năm, Bệnh viện Bãi Cháy đã tích cực đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới nhằm giúp cho công tác KCB cho người dân tốt hơn và giảm tải cho bệnh viện tuyến trên.
Bệnh viện Bãi Cháy khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người dân tại xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu. Ảnh: Mạc Thảo (Bệnh viện Bãi Cháy).
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ CKI Nguyễn Đình Hải, Trưởng Phòng Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Bãi Cháy, cho biết: Nói đến công tác chỉ đạo tuyến là nói đến việc hỗ trợ nâng cao năng lực chuyên môn cho tuyến dưới. Theo chỉ đạo của Sở Y tế và theo tình hình thực tế, nhu cầu của tuyến dưới, hằng năm, Bệnh viện đều xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện công tác chỉ đạo tuyến nhằm hỗ trợ, hướng dẫn, chuyển giao những kỹ thuật, chuyên môn phù hợp cho từng đơn vị y tế tuyến dưới.
Thực hiện công tác chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Bãi Cháy đã nhận cán bộ y tế tuyến dưới lên học tập thông qua những công việc thực tế tại đơn vị. Những lớp tập huấn, đào tạo chuyên môn cũng được tổ chức cho cán bộ y tế tuyến dưới nâng cao trình độ. Từ đó, cán bộ y tế tuyến dưới đã được tiếp cận kiến thức, kỹ thuật mới, kinh nghiệm trong việc chẩn đoán, điều trị và chăm sóc bệnh nhân để áp dụng vào công việc thực tế hàng ngày.
Bệnh viện đã chuyển giao các kỹ thuật nội soi bàng quang, chụp cộng hưởng từ, cách đọc phim chụp cộng hưởng tử, phẫu thuật cắt Amidan, nạo VA, phẫu thuật cắt mộng, quặm cho 8 y, bác sĩ của Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Hải Hà.
Đồng thời TTYT huyện Hải Hà đã xây dựng kế hoạch cử 6 y, bác sĩ đến Bệnh viện Bãi Cháy trực tiếp học tập, đào tạo từ 3-6 tháng tại các chuyên khoa. Bác sĩ Bùi Mạnh Hùng, Giám đốc TTYT huyện Hải Hà, chia sẻ: Để đáp ứng nhu cầu khám, điều trị bệnh nhân chất lượng, bình quân hàng năm đơn vị có 10-12 y, bác sĩ tham gia các lớp đào tạo chuyên khoa tại Bệnh viện Bãi Cháy.
Sau khi đào tạo, các bác sĩ cập nhật nhiều kiến thức, có kinh nghiệm chuyên môn, giúp cho đơn vị triển khai những kỹ thuật mới. Đặc biệt, Trung tâm vừa được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cùng nhiều trang thiết bị hiện đại, do vậy, công tác đào tạo ngắn, dài hạn rất mong Bệnh viện Bãi Cháy tiếp tục chuyển giao kỹ thuật mới trực tiếp tại cơ sở.
Các bác sĩ TTYT huyện Hải Hà cấp cứu thành công bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa do vỡ tĩnh mạch thực quản.
Trong năm 2019, Bệnh viện Bãi Cháy tiếp tục gắn công tác chỉ đạo tuyến với hỗ trợ toàn diện đối với TTYT huyện Bình Liêu. Theo đó, nhiều lượt bác sĩ của Bệnh viện Bãi Cháy đã hỗ trợ chuyên môn các chuyên khoa nội tiết, tim mạch, nhi khoa, sản phụ khoa, tai mũi họng, mắt, ngoại ổ bụng, ngoại chấn thương... Đồng thời xử trí các trường hợp cấp cứu khi có nhu cầu hỗ trợ, hỗ trợ các quy trình quản lý hồ sơ bệnh án, quy trình triển khai các buổi sinh hoạt khoa học chuyên đề...
Cùng với đó, Bệnh viện Bãi Cháy tiếp tục hỗ trợ chuyên môn đối với các TTYT tuyến huyện, phòng khám đa khoa khu vực trên địa bàn TP Hạ Long. Năm 2019, đơn vị cử 23 cán bộ y tế, 69 lượt cán bộ luân phiên hàng tuần xuống công tác tại TTYT Đông Triều, Bình Liêu, Hạ Long, Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh. Đào tạo, chuyển giao kỹ thuật và cấp 36 chứng chỉ đào tạo cho y, bác sĩ của TTYT huyện Hải Hà, Bình Liêu, TX Quảng Yên...; quản lý thực hành cho 79 học viên tại các khoa lâm sàng, cận lâm sàng.
Năm 2019, Bệnh viện Bãi Cháy đã tổ chức 16 đợt khám chữa bệnh lưu động cho 32 xã khó khăn thuộc địa bàn Móng Cái, Hải Hà, Tiên Yên, Bình Liêu, Ba Chẽ, Cô Tô, Hoành Bồ. Qua đó đã khám cho trên 8.000 lượt người, trong đó thực hiện 1.483 thủ thuật tại chỗ như: Nhổ răng, nội soi tai mũi họng, khâu vết thương..., nhằm giúp người dân được tiếp cận với các dịch vụ y tế chất lượng cao mà không phải đi xa.
Với việc chuyển giao các gói kỹ thuật cho các TTYT tuyến huyện, Bệnh viện Bãi Cháy đã góp phần quan trọng vào việc giúp người dân vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn được hưởng các kỹ thuật cao ngay tại địa phương mà không phải chuyển lên tuyến trên, đồng thời giúp nâng cao năng lực chuyên môn cho các đơn vị y tế, thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Nguồn: baoquangninh.com.vn