Chăm sóc và phòng ngừa bệnh quai bị cho trẻ nhỏ mùa thu đông

  • 2023/11/07 03:19

Hơn 80% trường hợp mắc quai bị xảy ra ở trẻ em dưới 15 tuổi, thường gặp nhất là trẻ từ 6-10 tuổi. Đây là một bệnh truyền nhiễm cấp tính khá phổ biến ở trẻ em và vẫn chưa có thuốc đặc hiệu để điều trị. Đáng chú ý nếu không được chẩn đoán, điều trị và chăm sóc đúng cách, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

Bệnh quai bị và những biến chứng nguy hiểm

Quai bị là bệnh truyền nhiễm cấp tính do Mumps virus, thuộc giống Rubulavirus gây ra. Theo thống kê, tỷ lệ mắc quai bị thường cao ở những khu vực đông dân cư, nơi có khí hậu thường xuyên mát hoặc lạnh, khu vực có đời sống chưa được cao…

Bệnh quai bị có thể xảy ra quanh năm ở nước ta, tuy nhiên bệnh bùng phát mạnh và thường xuyên hơn vào các tháng thu-đông, vùng có khí hậu mát mẻ và khô hanh thường là khu vực lý tưởng cho bệnh lan truyền mạnh hơn.

Trẻ nhỏ, thanh thiếu niên hay người lớn đều có thể mắc bệnh. Bệnh quai bị có khả năng lây truyền qua đường hô hấp, ăn uống và giọt bắn khi bệnh nhân ho, hắt hơi, giao tiếp. Mumps virus (măm vi rút) phát triển nhanh trong huyết thanh khoảng 12-15 ngày sau khi nhiễm và lan ra các cơ quan khác. Thời gian lây là từ 6 ngày trước khi có cơn toàn phát sưng tuyến mang tai cho đến 2 tuần sau khi có các triệu chứng bệnh lý. 


Mùa thu đông là thời điểm trẻ dễ mắc bệnh quai bị

Bệnh quai bị ở trẻ em thường xảy ra thông qua 4 giai đoạn:

– Giai đoạn ủ bệnh: thường không có triệu chứng, kéo dài từ 2-3 tuần khi cơ thể nhiễm virus.

– Giai đoạn khởi phát: trẻ bắt đầu thấy sưng đau ở một hoặc hai tuyến nước bọt mang tai, kèm sốt và đau đầu. Giai đoạn này thường mất khoảng 3 ngày.

– Giai đoạn toàn phát: các triệu chứng của quai bị diễn ra rầm rộ khoảng 5-7 ngày, tuyến nước bọt mang tai sưng to ở cả hai bên, trẻ có sốt nhẹ, cơ thể mệt mỏi.

Giai đoạn phục hồi: các triệu chứng bắt đầu thuyên giảm, trẻ giảm sốt, giảm sưng viêm tuyến nước bọt mang tai, sau đó khỏi hẳn.

Quai bị thường dễ lây lan ở những nơi tập trung đông người nhất là khu vực trường học. Quai bị thường ít gặp ở những trẻ dưới 2 tuổi mặc dù trẻ chỉ được bảo vệ trong 6 tháng đầu đời với trường hợp mẹ từng mắc bệnh. Sau 2 tuổi, tần suất mắc bệnh cao dần và đạt đỉnh ở độ tuổi từ 10-19 tuổi. Tỷ lệ mắc ở trẻ nam cũng cao hơn trẻ nữ.

Quai bị thường ít gặp ở người lớn nhưng biến chứng gặp phải lại nặng nề hơn so với trẻ em. Biến chứng ở nam giới có thể xảy ra tình trạng viêm tinh hoàn và mào tinh hoàn. Tình trạng này có thể kéo dài từ 3 đến 7 ngày, lâu dần sẽ giảm tỷ lệ sinh tinh và gây vô sinh ở bệnh nhân quai bị.

Biến chứng ở nữ giới có thể gây viêm buồng trứng. Đối với phụ nữ mang thai, trong 3 tháng đầu thai kỳ, biến chứng này có thể dẫn đến sảy thai hoặc khiến thai nhi dị dạng, còn ở 3 tháng cuối thai kỳ có thể dẫn đến sinh non hoặc thai chết lưu.

Một số biến chứng khác có thể xảy ra ở nam và nữ như: Nhồi máu phổi; Viêm tụy; Tổn thương thần kinh dẫn đến người bệnh có thể bị điếc, viêm tủy sống cắt ngang hoặc giảm thị lực; Bên cạnh đó người bệnh có thể có một số biến chứng như viêm cơ tim, viêm phổi, viêm thanh phế quản, xuất huyết giảm tiểu cầu, viêm phổi… 

Điều trị, chăm sóc và phòng bệnh quai bị

Điều trị quai bị hiện nay chủ yếu là điều trị triệu chứng. Trẻ mắc quai bị nên được chăm sóc kỹ để tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Bệnh nhân cần đến thăm khám tại các cơ sở y tế để được các bác sĩ chuyên khoa chỉ định một số xét nghiệm cần thiết, theo dõi dấu hiệu sinh tồn, tư vấn và kê đơn điều trị đúng cách, hiệu quả. 

Bên cạnh đó người bệnh cần được chăm sóc và nghỉ ngơi hợp lý như: Nghỉ ngơi, nằm khi có sốt cao; Trẻ sốt trên 38,5 độ C có thể dùng thuốc giảm đau hạ sốt theo tư vấn của bác sĩ và chườm ấm cơ thể. Có thể chườm ấm vùng tuyến mang tai bị sưng để giảm đau; 

Vệ sinh cơ thể: Giữ vệ sinh vòm họng cho trẻ bằng cách cho trẻ súc miệng với nước muối sinh lý ấm; Chăm sóc kỹ răng miệng cho trẻ để tránh bội nhiễm và tăng cảm giác ăn ngon miệng hơn; Tắm rửa sạch hàng ngày; 

Trẻ mắc bệnh quai bị cần có chế độ ăn giàu dinh dưỡng. Trẻ sưng đau tuyến nước bọt hai bên có thể nhai, nuốt khó khăn. Phụ huynh nên chế biến thức ăn lỏng, mềm, tránh những đồ ăn quá nóng, cay, chua nhiều gia vị; khi tiếp xúc cần mang khẩu trang, rửa tay sạch sẽ.

Để phòng ngừa bệnh quai bị đặc biệt ở lứa tuổi trẻ nhỏ, cần lưu ý một số biện pháp như:

- Nâng cao ý thức vệ sinh môi trường sống, vệ sinh khu vực nhà ở, nhà trẻ, trường học, khu vực ký túc xá, khu vực đông dân cư… với tiêu chí mở thông thoáng khí ở môi trường ở, khu vực ở và làm việc cần nhiều ánh sáng, sạch sẽ và hạn chế bụi bẩn;

- Vệ sinh tay thường xuyên với dung dịch vệ sinh;

- Khu vực nhà ở, công ty, trường học…sạch sẽ, chú trọng vệ sinh cá nhân sạch sẽ, ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm;

- Khi trẻ nhiễm bệnh cần được cách ly và điều trị tại nhà hoặc cơ sở y tế theo chỉ định của bác sĩ để tránh lây nhiễm cho người xung quanh, khử khuẩn khu vực có trẻ nhiễm bệnh;

- Khi nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị, đặc biệt những trường hợp nghi ngờ có biến chứng không được chần chừ mà đến ngay bệnh viện để được xử trí kịp thời.

Mạc Thảo