Mày đay: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng bệnh
Mày đay (còn gọi là bệnh mề đay) là bệnh dị ứng thường gặp, phổ biến ở mọi lứa tuổi, giới tính. Bệnh mề đay không phải là bệnh truyền nhiễm nhưng hay tái phát, gây ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe và sinh hoạt hằng ngày của người bệnh. Để tìm hiểu rõ hơn về căn bệnh này, chúng tôi có cuộc trao đổi với bác sĩ CKI Trần Thu Trang, Phụ trách Đơn nguyên da liễu - Lase thẩm mỹ, Bệnh viện Bãi Cháy.
PV: Xin chào bác sĩ, xin bác sĩ cho biết mày đay
là gì?
Bác sĩ CKI Trần Thu Trang: Bệnh mày đay là tình trạng phản ứng của các mao
mạch dưới da, niêm mạc trước các tác nhân gây dị ứng bên trong hoặc bên ngoài
cơ thể, gây nên hiện tượng phù tại chỗ, làm da bị phồng lên, kèm theo triệu
chứng ngứa ngáy khó chịu. Tình trạng nổi mề đay có thể xuất hiện tại
một vùng da, niêm mạc trên cơ thể hoặc xuất hiện cùng lúc ở nhiều khu vực khác
nhau. Mày đay chia làm 2 loại: Mày đay
cấp tính (kéo dài không quá 6 tuần) hoặc mạn tính (kéo dài trên 6 tuần) có thể
kéo dài hàng tháng, thậm chí hàng năm. Bệnh xảy ra với bất cứ người nào, nhưng
thường gặp ở phụ nữ độ tuổi 40-60, hầu hết các trường hợp (80-90%) không rõ căn
nguyên.
PV: Vây nguyên nhân gây bệnh là gì? thưa bác sĩ!
Bác sĩ CKI Trần Thu Trang: Căn nguyên gây bệnh mày đay rất phức tạp. Trên
cùng một người bệnh, có thể có một hoặc nhiều căn nguyên gây mày đay cùng kết
hợp. Các nguyên nhân thường gặp như sau:
- Mày đay thông
thường
+ Do thức ăn :
Có nhiều thức ăn nguồn gốc động vật, thực vật có thể gây nổi mày đay. Những
thức ăn thường gặp là sữa, trứng, cá biển, tôm cua, sò, ốc, phô mai, đồ hộp,
mắm, tương, chao, sô-cô-la, đồ uống lên men (rượu, bia), cà chua, cải xoong, đồ
hộp, dưa chuột, khoai tây. Những thức ăn “thông thường nhất”, “lành nhất” cũng
có thể gây mày đay.
+ Do thuốc : Tất
cả các loại thuốc và các đường đưa thuốc vào cơ thể đều có thể gây mày đay. Mày
đay do thuốc thường xảy ra ngay sau khi dùng thuốc hoặc sau dùng thuốc vài
ngày, có thể đơn thuần hay kèm với sốt, đau khớp, nổi hạch. Thường gặp nhất là
nhóm bêta-lactam, sau đó là nhóm cyclin, macrolid, chloramphenicol. Các thuốc
chống viêm không steroid; các vitamin; các loại vắcxin, huyết thanh; thuốc
chống sốt rét; thuốc ức chế men chuyển đều có thể gây mày đay. Các thuốc chống
dị ứng như glucocorticoid, prednisolon, dexamethason, các kháng histamin tổng
hợp như clarytin, theralen…cũng gây mày đay.
+ Do nọc độc:
mày đay có thể xuất hiện do tăng mẫn cảm với các vết đốt của một số côn trùng
như muỗi, mòng, bọ chét, ong, kiến, sâu bọ.
+ Do tác nhân đường hô hấp: rơm rạ, phấn hoa,
bụi nhà, bụi kho, lông vũ, khói thuốc, men mốc.
+ Do nhiễm
trùng: do nhiễm virút như viêm gan siêu vi B, C; nhiễm vi khuẩn ở tai, mũi,
họng; bộ phận tiêu hóa, răng, miệng, tiết niệusinh dục, nhiễm ký sinh trùng
đường ruột hay nhiễm nấm Candida ở da, nội tạng.
+ Do tiếp xúc
với chất hữu cơ hay hóa học: các loại mỹ phẩm, son, phấn, nước hoa, thuốc nhuộm
tóc, thuốc sơn móng tay, móng chân, xà phòng….Các chất tạo màu thực phẩm và các
chất bảo quản thực phẩm cũng có thể gây mày đay.
- Mày đay vật
lý: chiếm hơn 50% các trường hợp mày đay
mạn tính, bao gồm:
+ Chứng da vẽ
nổi
+ Mày đay do vận
động xúc cảm như khi mệt nhọc, gắng sức, stress.
+ Mày đay do
chèn ép, do rung động.
+ Mày đay do quá
lạnh, do quá nóng, do ánh sáng mặt trời, do nước.
- Mày đay do các
bệnh hệ thống : lupus ban đỏ, viêm mạch, tiểu đường, cường giáp, ung thư .
- Mày đay do di
truyền: chiếm 50-60% các trường hợp. Nếu chỉ mẹ hoặc bố bị mày đay thì khoảng
25% con cũng bị bệnh này. Nếu cả hai bố mẹ bị mày đay thì tỷ lệ lên đến 50%.
- Mày đay tự
phát (vô căn): là mày đay không tìm ra nguyên nhân, chiếm khoảng 50% các trường
hợp.
PV: Bác sĩ cho biết những triệu chứng thường gặp
của bệnh mề đay?
Bác sĩ CKI Trần Thu Trang:
- Tổn thương cơ bản của mày đay là các ban đỏ, sẩn phù kích
thước to nhỏ khác nhau. Sẩn phù hơi nổi cao trên mặt da, màu sắc hơi đỏ hoặc
nhợt nhạt hơn vùng da xung quanh. Kích thước và hình dáng của các mảng sẩn thay
đổi nhanh chóng, xuất hiện nhanh, mất đi nhanh. Phân bố: có thể khu trú hoặc
lan rộng toàn thân. Ở vùng tổ chức lỏng lẻo như mi mắt, môi, sinh dục ngoài...
các ban đỏ, sẩn phù xuất hiện đột ngột làm sưng to cả một vùng, còn gọi là phù
mạch hay phù Quincke. Nếu phù Quincke ở thanh quản hay ống tiêu hóa sẽ gây nên
bệnh lí nặng như khó thở nặng, đi ngoài phân lỏng, đau bụng quặn, tụt huyết áp,
rối loạn tim mạch hay sốc phản vệ thực sự.
- Cơ năng: đa số trường hợp mày đay rất ngứa, càng gãi càng
ngứa và nổi thêm nhiều sẩn khác. Tuy nhiên, có trường hợp chỉ là cảm giác châm
chích hoặc rát bỏng.
- Tiến triển: sau vài phút hoặc vài giờ thì các sẩn phù lặn mất, không để lại dấu vết gì trên da. Bệnh tay tái phát từng đợt
PV: Bệnh mề đay có nguy hiểm không? thưa
bác sĩ!
Bác sĩ CKI Trần Thu Trang: Đa phần
bệnh mày đay dị ứng không đe dọa đến
tính mạng, nhưng bệnh thường gây ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống. Bệnh nhân
luôn cảm thấy ngứa ngáy khó chịu và gãi nhiều, từ đó làm tổn thương lan rộng
hơn, da trầy xước dẫn đến thâm da và để lại những vết sẹo mất thẩm mỹ nếu không
được chữa trị dứt điểm.
Tuy nhiên, người bệnh mày đay còn có
thể xuất hiện các triệu chứng khác như sưng mạch ở khí quản, vùng họng dẫn tới
khó thở, thở gấp, thậm chí nghẹt thở. Mày đay có thể xuất hiện ở đường tiêu
hóa, gây đau quặn bụng, nôn ói, tiêu chảy. Khi mề đay xảy ra ở tổ chức
não, dễ gây phù nề não, rất nguy hiểm. Bệnh cũng có thể gây giãn mạch nhanh,
đột ngột làm tụt huyết áp, gây choáng váng. Trong những trường hợp đặc biệt,
nếu không được cấp cứu kịp thời, có thể tính mạng bệnh nhân sẽ bị đe dọa. Một
số trường hợp sử dụng thuốc đã bị sốc phản vệ và tử vong.
PV: Bệnh mày đay điều trị như thế nào? thưa bác sĩ!
Bác sĩ CKI
Trần Thu Trang: Điều trị bệnh phụ thuộc vào loại mày đay, mức độ trầm
trọng và thời gian kéo dài của bệnh. Đầu tiên các bác sĩ sẽ xác định và loại bỏ
dị nguyên gây bệnh, tránh tiếp xúc lại với dị nguyên là cách tốt nhất trong
điều trị và phòng bệnh. Tuy nhiên, nhiều trường hợp rất khó phát hiện các dị
nguyên này. Sau đó bệnh nhân sẽ được bác
sĩ kê cho các loại thuốc kháng histamin dạng uống hoặc bôi giúp làm giảm các triệu
chứng, thời gian điều trị có thể là vài ngày nhưng cũng có thể kéo dài hàng
tháng tùy từng trường hợp. Trường hợp bệnh nặng, phù mạch bệnh nhân có thể được
đề nghị nhập viện điều trị.
PV: Bác sĩ có khuyến cáo gì cho người
dân để phòng bệnh hiệu quả ?
Bác sĩ CKI Trần Thu Trang: Bệnh mày đay có nguyên nhân phức tạp nên nếu tìm ra được
nguyên nhân và loại trừ chúng thì sẽ giảm nguy cơ tái phát bệnh. Một số biện
pháp phòng bệnh như:
Không
sử dụng các loại thực phẩm có khả năng dị ứng cao. Ngoài ra, người có cơ địa
nhạy cảm cần hạn chế dùng rượu bia, trà đặc và cà phê.
Giữ
vệ sinh da sạch sẽ, đồng thời nên mặc quần áo rộng rãi và có chất liệu thông
thoáng.
Giữ
không gian sống thông thoáng, thường xuyên vệ sinh nhà cửa để loại bỏ nấm mốc,
phấn hoa và bụi bẩn.
Không
sử dụng các loại thực phẩm có khả năng dị ứng cao. Đối với những người có cơ
địa dễ dị ứng, mẫn cảm.
Hạn
chế sử dụng các sản phẩm vệ sinh và dưỡng da có độ pH cao, nhiều xà phòng và
hương liệu.
Hạn
chế sinh hoạt trong các môi trường có độ ẩm không khí thấp vì dễ khiến da khô,
kích ứng, tái phát bệnh da dị ứng theo mùa.
Người
bị bệnh mề đay khi sử dụng các loại thuốc điều trị như thuốc kháng sinh, thuốc
an thần, thuốc đau nhức xương khớp,... nên hỏi ý kiến bác sĩ để được tư vấn
thay đổi loại thuốc, tránh nguy cơ dị ứng, mẩn ngứa sau này.
Thường
xuyên vận động, tập thể dục thể thao để tăng cường tuần hoàn máu, tăng sức đề
kháng cho cơ thể, giảm nguy cơ mắc bệnh.
Khi
bị nổi mề đay lần đầu, nên đi khám bác sĩ chuyên khoa da liễu để được chẩn
đoán, có phương hướng điều trị kịp thời, hiệu quả, loại trừ nguyên nhân để
tránh tái phát.
Tuy
bệnh mề đay không lây, hầu như không đe dọa tới tính mạng nhưng nó có ảnh hưởng
nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống của người mắc. Vì vậy, nếu phát hiện có
những dấu hiệu mắc bệnh như làn da nổi mẩn màu đỏ, hồng, ngứa ngáy khó chịu,...
người bệnh nên sớm đi khám tại các bệnh viện chuyên khoa để được điều trị kịp
thời và tránh bệnh tái phát.
Minh Khương