Xẹp đốt sống: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị

  • 2024/08/30 07:55

Xẹp đốt sống đến từ rất nhiều nguyên nhân, nhưng thường gặp nhất là do thoái hóa và chấn thương. Bệnh có thể xảy ra với bất kỳ ai, nhưng chủ yếu là người lớn tuổi. Xẹp lún đốt sống cần được điều trị càng sớm càng tốt để tránh gây đau đớn, biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến khả năng vận động của người bệnh.


1. Xẹp đốt sống là gì?

Xẹp đốt sống hay lún đốt sống là tình trạng thân đốt sống không giữ được chiều cao vốn có, gây tổn thương vùng cột sống và những cơn đau dữ dội cho người bệnh. Lún xẹp đốt sống có liên quan đến yếu tố tuổi tác và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Bệnh có thể làm tăng nguy cơ gãy đốt sống, ảnh hưởng đến khả năng vận động và thậm chí là tuổi thọ của người bệnh.

Theo Tổ chức Loãng xương Quốc tế (IOF) ước tính, ở độ tuổi 65, 1% phụ nữ và 0,5% nam giới sẽ bị chèn ép đốt sống cấp tính. Những người đã từng bị xẹp lún đốt sống do loãng xương sẽ có nguy cơ bị gãy lún lần hai cao hơn so với người khác đến 5 lần.

2. Phân loại

Xẹp đốt sống được chia thành 2 loại:

Xẹp đốt sống ngực

Đây là một trong những trường hợp phổ biến nhất của xẹp đốt sống, thường ở vị trí D12, nơi tiếp giáp đốt sống lưng L1. Các đốt sống này nằm ở khu vực trung tâm, giúp cố định xương sườn, bảo vệ các cơ quan quan trọng của cơ thể như phổi, tim…

Biểu hiện của tình trạng xẹp lún đốt sống ngực là những cơn đau tăng lên khi người bệnh hít thở sâu, ho… Trong trường hợp nặng, bệnh ảnh hưởng đến dây thần kinh, gây tắc ruột, đau đớn nhiều và có thể dẫn đến tổn thương phổi.

Xẹp đốt sống lưng

Đốt sống lưng nằm giữa xương sườn và xương chậu, là vùng gánh chịu trọng lực nhiều nhất cơ thể. Vị trí đốt sống lưng thường bị xẹp là L1, L2 và L5. Người bệnh sẽ có triệu chứng đau nhức. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, các đốt sống dính lại gây thoát vị đĩa đệm và thoái hóa cột sống, ảnh hưởng đến khả năng vận động của người bệnh.

     3. Triệu chứng xẹp đốt sống

Trên thực tế, có khoảng 2/3 trường hợp gãy lún cột sống không được chẩn đoán vì không gây ra triệu chứng hay dấu hiệu rõ rệt. Thậm chí, nhiều người còn nhầm lẫn đó là cơn đau lưng do tuổi tác và viêm khớp.

Các triệu chứng lâm sàng chính của xẹp đốt sống bao gồm bất kỳ biểu hiện nào sau đây, có thể là đơn lẻ hoặc kết hợp với nhau:

·  Đột ngột xuất hiện tình trạng đau lưng

·  Độ đau tăng lên khi đứng hoặc đi bộ

·  Cường độ đau giảm khi nằm nghỉ

·  Khả năng di động cột sống bị hạn chế

·  Giảm chiều cao, gù lưng

·  Biến dạng cột sống và gây tàn tật

4. Nguyên nhân gây xẹp đốt sống

Có rất nhiều nguyên nhân gây xẹp đốt sống, nhưng điển hình nhất là do thoái hóa, chấn thương cột sống và một số bệnh lý khác. Cụ thể:

Loãng xương

Tuổi tác là nguyên nhân chính của tình trạng loãng xương và đây là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng xẹp đốt sống. Khi xương trở nên xốp, mềm theo thời gian, các đốt sống không còn đủ cứng để hỗ trợ cột sống trong các hoạt động hàng ngày.

Do đó, khi người bệnh cúi xuống để nhấc một vật, ho hoặc hắt hơi cũng có thể gây ra xẹp lún đốt sống, nếu bị loãng xương nghiêm trọng.

Hầu hết các đốt sống bị xẹp lún ở mặt trước, vì mặt sau của đốt sống có cấu tạo bằng xương cứng hơn. Điều đó tạo ra đốt sống có hình nêm, có thể dẫn đến tư thế khom lưng được gọi là gù cột sống (Chứng kyphosis). (2)

Chấn thương

Một số trường hợp khác không do loãng xương, mà do nguyên nhân đốt sống chịu một lực lớn gây chấn thương. Cụ thể như là tai nạn giao thông, tai nạn lao động, té ngã trong sinh hoạt hàng ngày… Tư thế khi bị té của người bệnh là ngã từ trên cao, ngã ngồi đập mông xuống đất gây xẹp, gãy đốt sống.

Các bệnh lý khác

Xẹp đốt sống cũng có thể do một số bệnh lý ác tính như ung thư xương hay do ung thư di căn, bệnh viêm xương biến dạng Paget, viêm tủy xương… Các tế bào ung thư xâm nhập vào xương gây phá hủy cấu trúc và khiến cho xương bị yếu và giòn hơn. Tình trạng này thường gặp ở người dưới 55 tuổi, không có chấn thương hoặc chấn thương nhẹ nhưng lại bị gãy lún đốt sống.

Một số yếu tố nguy cơ gây lún đốt sống:

· Chủng tộc: Phụ nữ da trắng và châu Á có nguy cơ mắc bệnh cao hơn

· Tuổi tác: Phụ nữ trên 50 tuổi và nguy cơ tăng dần theo tuổi tác

· Cân nặng: Phụ nữ còi xương, suy dinh dưỡng

· Mãn kinh sớm: Phụ nữ mãn kinh trước 50 tuổi có nguy cơ bị loãng xương cao hơn

·  Người hút thuốc là: Thuốc lá làm mất độ dày của xương, khiến xương yếu đi

5. Xẹp đốt sống có nguy hiểm không?

Xẹp đốt sống rất nguy hiểm. Bởi nếu không được chẩn đoán và điều trị đúng phác đồ, bệnh có thể gây ra tình trạng:

· Ảnh hưởng đến độ cân bằng của cột sống, thúc đẩy nguy cơ thoái hóa

· Đốt sống biến dạng làm mất chiều cao, gù lưng, vẹo cột sống

· Về lâu dài, đốt sống bị xẹp làm chèn ép các cơ quan nội tạng

· Biến chứng tổn thương dây thần kinh, gây tê, đau nhức và tàn phế

6. Phương pháp chẩn đoán

Để củng cố chẩn đoán, đưa ra tiên lượng và có phương pháp điều trị phù hợp cho bệnh nhân, ngoài thăm khám những biểu hiện lâm sàng, bác sĩ sẽ chỉ định thêm những kỹ thuật cận lâm sàng như sau:

Đo mật độ xương (DEXA)

Đây được coi là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán bệnh loãng xương. Loãng xương được chẩn đoán khi mật độ khoáng xương ≤ -2,5 độ lệch chuẩn (T-Score).

Chụp X-quang

Kết quả chụp X-quang sẽ cho thấy hình ảnh thân đốt sống bị giảm chiều cao. Phương pháp này còn giúp đánh giá mức độ thoái hóa cột sống, mức độ biến dạng cột sống… Đồng thời cung cấp thông tin để tiến lên kế hoạch phẫu thuật, nếu cần.

Chụp cắt lớp vi tính (CT Scan): Chỉ định này được đưa ra khi cần đánh giá hình ảnh đốt sống chi tiết như mức độ lún, xẹp, mảnh rời, nguy cơ rò rỉ cement vào ống sống… Chụp cộng hưởng từ (MRI) Đây cũng được xem là một biện pháp chẩn đoán tiêu chuẩn vàng, vì nó cung cấp thông tin về sinh học xương.

        7. Xẹp đốt sống có chữa được không?

Cùng với sự tiến bộ của y học hiện đại, các trang thiết bị tối tân, hiện nay xẹp đốt sống có thể được chữa khỏi bằng rất nhiều phương pháp.

Tuy nhiên, các chuyên gia cơ xương khớp cũng khuyến cáo rằng, khi phát hiện các triệu chứng bất thường của đốt sống, người bệnh nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa, uy tín, càng sớm càng tốt để đảm bảo hiệu quả điều trị, tiết kiệm chi phí và tránh gặp biến chứng nguy hiểm.

        8. Phương pháp điều trị

Để điều trị xẹp đốt sống, yếu tố trước tiên là cần được chẩn đoán chính xác. Bởi một số triệu chứng của đốt sống bị xẹp trùng với các tình trạng khác như phồng đĩa đệm, hẹp ống sống..).

Tùy theo vào mức độ xẹp lún, tình trạng sức khỏe, hoàn cảnh cá nhân, bác sĩ sẽ đưa ra các khuyến nghị điều trị dưới đây:

Điều trị bảo tồn

Chỉ định điều trị bảo tồn dành cho bệnh nhân bằng cách:

-   Cho nghỉ bất động tại giường

-    Dùng thuốc giảm đau, chống viêm không steroid, thuốc giãn cơ, thuốc chống loãng xương, thuốc ức chế hủy cốt bào…

-    Dùng nẹp cố định

Tuy nhiên, biện pháp này cũng có thể làm cho xẹp đốt sống trở nên nặng hơn do làm mất xương tiến triển, gây yếu cơ… Đặc biệt là phát sinh các biến chứng do nằm lâu, nhất là ở người già như loét tì đè, viêm phổi ứ đọng, thuyên tắc mạch…

Điều trị can thiệp

Khi các phương pháp điều trị nội khoa không mang lại hiệu quả như mong muốn, bác sĩ sẽ tiến hành các phương pháp điều trị ngoại khoa như sau:

1. Can thiệp tối thiểu bằng cách bơm xi măng cột sống qua cuống hoặc đường ngoài cuống có bóng (Kyphoplasty) hoặc không bóng(Vertebroplasty). Xi măng sinh học dạng lỏng sẽ tràn vào các bè xương xốp, sau đó cứng lại, đảm bảo độ vững chắc cho đốt sống.


Phẫu thuật điều trị các bệnh lý cột sống tại Bệnh viện Bãi Cháy.

2. Phẫu thuật mở sử dụng hệ thống cố định bằng nẹp vít cột sống (Vít chân cung thông thường, Vít rỗng nòng – Vít nở có lỗ bơm cement; Hệ thống móc, Lồng titanium, Vít xương cứng…).

Phẫu thuật cố định cột sống được chỉ định điều trị các trường hợp xẹp đốt sống nặng gây biến dạng cột sống lớn, có thể kết hợp với giải chèn ép thần kinh khi có tổn thương thần kinh kèm theo.

Điều trị sau phẫu thuật

Điều trị phẫu thuật chỉ giải quyết phần ngọn, những biểu hiện của bệnh. Nếu không điều trị nguyên nhân chính gây bệnh sẽ lâm vào vòng xoáy luẩn quẩn, làm tốn kém chi phí và hao tổn sức khoẻ. Do đó, bên cạnh việc xử lý các triệu chứng, giúp người bệnh cảm thấy thoải mái hơn, sau phẫu thuật, các bác sĩ còn yêu cầu:

·  Điều trị loãng xương bằng thuốc ức chế tiêu xương, điều trị loãng xương nhóm Biphosphonate

·  Điều trị thông qua các biện pháp về dinh dưỡng

·  Phối hợp các bài tập vật trị liệu, phục hồi chức năng, vận động phù hợp

        9. Phòng ngừa xẹp đốt sống

Trong y học, phòng ngừa có vai trò rất quan trọng và mang đến hiệu quả cao hơn. Vì thế, lời khuyên từ các chuyên gia cơ xương khớp dành cho mỗi người là:

·  Đối với người cao tuổi, nhất là phụ nữ mãn kinh cần phải có xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp và tập luyện điều độ. Đồng thời bổ sung các khoáng chất giàu vitamin D, calci và vitamin khác. Ăn uống cân đối và đầy đủ các chất dinh dưỡng.

· Thường xuyên khám sức khỏe định kỳ hoặc theo chỉ định của bác sĩ để phát hiện loãng xương hoặc các bệnh lý cột sống khác và điều trị kịp thời.

·  Thay đổi lối sống và sinh hoạt thiếu mạnh bằng cách hạn chế rượu, bia, thuốc lá và tránh các chất kích thích…

· Thường xuyên luyện tập thể dục nâng cao sức khỏe bằng các môn phù hợp với thể chất. Các bằng chứng khoa học chỉ ra rằng, tập thể dục thật sự hữu ích trong việc thúc đẩy sức khỏe của xương.

·  Chú ý trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày, điều khiển phương tiện giao thông hay làm việc để tránh bị chấn thương, té ngã.

Minh Khương