Quy định về khám sức khỏe định kỳ cho người lao động theo thông tư mới nhất

  • 2022/07/07 01:41

Khám sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm các bất thường về sức khỏe trước khi chuyển thành bệnh hoặc bệnh đang ở giai đoạn sớm chưa biểu hiện ra ngoài. Việc phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm giúp việc điều trị dễ dàng, hiệu quả hơn, tiết kiệm chi phí và tránh các biến chứng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Các công ty, doanh nghiệp phải có trách nhiệm khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên, điều này đã được quy định cụ thể trong nhiều văn bản luật.


Bv Bãi Cháy tổ chức KSK cho công nhân lao động nữ Công ty TNHH May mặc Hoa Lợi Đạt Quảng Ninh tại KCN Cẩm Thịnh, Cẩm Phả.

Luật lao động 2012, điều 152 về chăm sóc sức khỏe người lao động quy định:

- Người sử dụng lao động hàng năm phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, kể cả người học nghề, tập nghề. Riêng lao động nữ phải được khám thêm chuyên khoa phụ sản. Riêng đối với những người làm công việc nặng nhọc, độc hại, người lao động là người chưa thành niên, người cao tuổi, người khuyết tật phải được khám sức khỏe ít nhất 6 tháng một lần.

- Người lao động làm việc trong môi trường có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp phải được khám bệnh nghề nghiệp. Người lao động sau khi bị tai nạn lao động, mắc bệnh nghề nghiệp nếu còn tiếp tục làm việc thì được sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe.

Tương tự như trên, Luật an toàn vệ sinh lao động năm 2015, điều 21 cũng nêu rõ các quy định về khám sức khỏe cho người lao động:

- Ít nhất một lần trong năm người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe cho người lao động. Khám sức khỏe ít nhất 6 tháng một lần đối với người lao động là người khuyết tật, người cao tuổi, người chưa thành niên, người làm các nghề, công việc nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại phải được.


Bv Bãi Cháy tổ chức KSK cho công nhân lao động nữ Công ty TNHH May mặc Hoa Lợi Đạt Quảng Ninh tại KCN Cẩm Thịnh, Cẩm Phả.

Danh mục các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được quy định mới nhất theo Thông tư 15/2016/TT-BLĐTBXH của Bộ lao động thương binh và xã hội.

- Bên cạnh đó, lao động nữ phải được khám thêm chuyên khoa phụ sản. Người làm việc trong môi trường lao động tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp phải được khám để phát hiện bệnh.

Trước khi bố trí làm việc và trước khi chuyển sang làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hơn các công ty, doanh nghiệp phải tổ chức khám sức khỏe cho người lao động. Sau khi bị tai nạn lao động, mắc bệnh nghề nghiệp đã phục hồi sức khỏe, người lao động cũng được khám để đảm bảo đủ sức khỏe trước khi tiếp tục trở lại làm việc.

Quy định khám sức khỏe định kỳ theo thông tư mới nhất, thông tư 19/2016/TT-BYT của Bộ Y tế về Hướng dẫn quản lý vệ sinh lao động và sức khỏe người lao động quy định các nội dung quản lý vệ sinh lao động tại cơ sở lao động bao gồm khám sức khỏe trước khi bố trí việc làm, khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp và khám định kỳ bệnh nghề nghiệp. Việc quản lý, chăm sóc sức khỏe, phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động phải được thực hiện từ thời điểm người lao động được tuyển dụng và trong suốt quá trình làm việc.

Minh Khương