Đái tháo đường là nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ ở người lớn tuổi

  • 2022/11/10 03:11

Trong những năm gần đây, Đái tháo đường đang được coi là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh: mù lòa, suy tim, suy thận, hoại tử chi…thậm chí là đột quỵ ở người lớn tuổi.

Đái tháo đường (ĐTĐ) là một trong những bệnh nguy hiểm và cần được quan tâm nhất hiện nay. Theo số liệu thống kê của Liên đoàn Đái tháo đường thế giới (IDF) năm 2020, Việt Nam hiện có khoảng 3,53 triệu người đang chung sống với bệnh đái tháo đường. Đáng chú ý là 65% số người mắc bệnh đái tháo đường chưa được chẩn đoán và chỉ có gần 29% số người đã phát hiện bệnh được điều trị tại các cơ sở y tế. Tại Quảng Ninh, tính đến tháng 10 năm 2022, tổng số bệnh nhân ĐTĐ được phát hiện là 18.590 người, trong đó cũng mới chỉ có 15.936 bệnh nhân được quản lý điều trị.

Bệnh đái tháo đường (hay còn gọi là tiểu đường) là một rối loạn chuyển hoá không đồng nhất, có đặc điểm tăng glucose huyết mạn tính do khiếm khuyết về Insulin, về hoạt động của Insulin hoặc cả hai. Tăng glucose mạn tính trong thời gian dài gây nên những rối loạn chuyển hóa carbonhydrat, protide, lipide, gây tổn thương nhiều ở cơ quan khác nhau, đặc biệt ở tim, mạch máu, thận, mắt và thần kinh.


Tại Bệnh viện Bãi Cháy, bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường đến khám và điều trị trong năm 2022 tăng rất nhiều so với năm 2021

ĐTĐ phân thành các loại như: Đái tháo đường týp 1; Đái tháo đường týp 2; Đái tháo thai kỳ. Đái tháo đường tuýp 1 chiếm 5-10% trong số người mắc bệnh đái tháo đường. Đây là hậu quả của quá trình hủy hoại các tế bào beta của tuyến tụy không thể tiết ra insulin. Nguyên nhân của đái tháo đường tuýp 1 là do 95% các bệnh tự miễn gây lên, 5% là vô căn. Triệu chứng bệnh thường tiến triển nhanh, đi tiểu nhiều, uống nhiều nước, ăn nhiều, người gầy, sụt cân nhanh, mệt mỏi.

Đái tháo đường tuýp 2 chiếm 90-95% trong số người mắc bệnh đái tháo đường. Nguyên nhân mắc bệnh là do cơ chế đề kháng hoặc thiếu hụt insulin. Những người thừa cân béo phì, hoặc trong gia đình có người mắc bệnh đái tháo đường thì nguy cơ mắc bệnh cao. Bệnh đái tháo đường tuýp 2 thường phát hiện muộn khi có biến chứng.

Đái tháo đường thai kỳ là đái tháo đường được chẩn đoán trong 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối của thai kỳ và không có bằng chứng về đái tháo đường tuýp 1 hay tuýp 2 trước đó. Bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người mẹ và thai nhi trước, trong và sau sinh.

Tại Bệnh viện Bãi Cháy, bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường đến khám và điều trị trong năm 2022 tăng rất nhiều so với năm 2021. Đáng chú ý là nhiều bệnh nhân khi có biểu hiện khát nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều, gầy sút cân thì mới đi khám, nên khi được phát hiện bệnh thì chỉ số đường máu rất cao, thường phải nhập viện điều trị.

Bệnh thường diễn biến âm thầm trong thời gian dài. Một số triệu chứng ban đầu, điển hình của bệnh cần lưu ý có thể kể đến như: mệt mỏi thường xuyên, hay bị tỉnh giấc giữa đêm; Tiểu nhiều, khát nước nhiều; Nhanh đói, giảm cân không kiểm soát, không rõ lý do; Vết thương lâu lành. Đặc biệt nếu không may bị nhiễm trùng, xước, thâm tím, vết thương khó lành hơn mức độ bình thường; Mắc các bệnh về da, da có cảm giác ngứa, da bị khô hoặc tuần hoàn kém; Mờ mắt; Dễ bị cảm cúm và cảm lạnh do hệ thống miễn dịch bị suy yếu…Diễn biến âm thầm nên ĐTĐ được coi là “kẻ giết người” thầm lặng vì những biến chứng nguy hiểm mà nó mang lại. 

Thạc sĩ, bác sĩ Đỗ Doãn Trọng, Phụ trách Khoa Nội tổng hợp (Bệnh viện Bãi Cháy) cho biết: “Bệnh đái tháo đường khi phát hiện muộn rất nguy hiểm với những biến chứng nặng ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí tính mạng của bệnh nhân như: bệnh võng mạc, nhiễm trùng da, biến chứng về bệnh lý bàn chân ĐTĐ có thể loét, cắt cụt chi, tổn thương thần kinh, bệnh thận, bệnh tim mạch như tăng huyết áp, cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, xơ vữa mạch, đột quỵ… ĐTĐ thai kỳ có thể nguy cơ những lần mang thai sau có thể ĐTĐ hoặc chuyển sang ĐTĐ vĩnh viễn, có thể thai lưu, tiền sản giật, nặng nề hơn là thai nhi có thể tử vong.


Thạc sĩ, bác sĩ Đỗ Doãn Trọng, Phụ trách Khoa Nội tổng hợp (Bệnh viện Bãi Cháy)  thăm khám cho bệnh nhân đái tháo đường điều trị tại Khoa

Cách tốt nhất để phát hiện sớm bệnh đái tháo đường là đi khám sức khỏe định kỳ và xét nghiệm đường máu lúc đói. Khi xét nghiệm đường máu lúc đói phải nhịn ăn ít nhất 10 tiếng để xét nghiệm chuẩn xác.”

Hiện nay phương pháp chính để điều trị ĐTĐ là kết hợp “bộ ba” thuốc điều trị - chế độ dinh dưỡng – tập luyện. ĐTĐ týp 1, týp 2 có thể điều trị bằng thuốc hoặc tiêm Insulin là liệu pháp bắt buộc kết hợp theo dõi glucose máu thường xuyên để hạn chế sự tiến triển của bệnh. Điều trị đái tháo đường không chỉ lệ thuộc vào thuốc mà cần sự phối hợp của chế độ dinh dưỡng hợp lý, phương pháp luyện tập khoa học để kiểm soát đường huyết và đảm bảo sức khoẻ tốt. Cụ thể:

Chế độ ăn đối với bệnh nhân đái tháo đường cũng rất quan trọng, cần cung cấp đủ năng lượng, chất xơ, khoáng, vitamin. Năng lượng gồm các loại thịt, tránh thịt mỡ, bỏ da, bổ sung thêm ngũ cốc, gạo nguyên cám. Tránh sử dụng đồ uống có thể gây tăng đường máu ở bệnh nhân như nước ép hoa quả, rượu, bia, cafein. 

Người bệnh ĐTĐ cần kiểm tra đường huyết thường xuyên định kỳ tại các cơ sở y tế có bác sĩ chuyên khoa. Mỗi bệnh nhân nên có 1 máy đo đường huyết cá nhân để kiểm tra đường huyết, theo dõi, nếu quá cao hoặc quá thấp thì cần đến cơ sở y tế và tuân thủ chế độ điều trị hợp lý, uống thuốc đúng giờ, đúng chỉ định và không tự ý mua thuốc ngoài. 

Không nên dùng các bài thuốc dân gian, không nên bỏ bữa, không nên ăn quá no, không nên quá kiêng và ăn đói để tránh đường huyết tăng sau bữa ăn hoặc gây hạ đường huyết sau bữa ăn.

Người bệnh ĐTĐ cần có chế độ tập luyện thể dục thể thao hợp lý, dùng thuốc đúng giờ, đúng liều lượng theo đơn kê của bác sĩ. Những bệnh nhân có nguy cơ đái tháo đường 3-6 tháng cũng nên đến bệnh viện để kiểm tra lại.”

Mạc Thảo