Tự ý sử dụng thuốc điều trị Gút tại nhà: hậu quả khôn lường!
Bệnh Gút là bệnh lý cơ xương khớp phổ biến do rối loạn chuyển hóa purin làm tăng axit Uric trong máu, dẫn đến lắng đọng tinh thể muối urat tại các khớp. Bệnh Gút không khó chẩn đoán và điều trị nhưng việc người bệnh tự ý sử dụng thuốc Đông-Tây y không đúng cách sẽ dẫn đến hậu quả nặng nề như loét dạ dày, biến dạng khớp, suy tuyến thượng thận, thậm chí là gây tàn phế… ảnh hưởng nặng nề đến vận động và chất lượng cuộc sống.
Khoa Lão Khoa - Cơ xương khớp, Bệnh viện Bãi Cháy từ giữa năm 2019 đến nay tiếp nhận điều trị nội trú cho khoảng 400 người bệnh Gút. Số lượng bệnh nhân mắc bệnh lý này tăng cao vào thời điểm giao mùa từ nóng sang lạnh hoặc ngược lại. Trong đó, nhiều người bệnh được phát hiện sớm bệnh và điều trị có hiệu quả. Tuy nhiên có một số trường hợp bệnh nhân Gút bị biến chứng nặng nề do tác dụng phụ của thuốc mà nguyên nhân chính từ sự chủ quan, tự ý sử dụng thuốc đông tây y tại nhà, thiếu sự thăm khám, tư vấn của bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp.
Mắc bệnh Gút đã hơn 14 năm nay, ông Đồng Văn Đãi (1951, Vĩnh Bảo, Hải Phòng) thường xuyên phải sử dụng thuốc bảo hiểm tại Bệnh viện gần nhà. Mong muốn thoát khỏi những cơn đau nhức xương khớp vì căn bệnh này, ông mua nhiều loại thuốc đông, tây y được quảng cáo trên ti vi, mạng internet…Bệnh trở nặng, ông được người nhà chuyển đến Bệnh viện Bãi Cháy cấp cứu trong tình trạng bàn ngón tay bị hạt tophi gây biến dạng, sưng nề tấy đỏ, đau chảy mủ, sốt cao, chân sưng to, phù nề toàn thân. Bác sĩ thăm khám và chẩn đoán ông bị nhiễm khuẩn hạt tophi/ Gút mạn.
Hình ảnh khớp bàn tay, bàn chân của bệnh nhân bị biến dạng nghiêm trọng do Gút và tác dụng phụ của thuốc
“Tôi bị bệnh Gút từ năm 2005, chán cảnh phải đi bệnh viện khám và mua thuốc bảo hiểm uống mỗi khi bị sưng nhức khớp, tôi mua thêm thuốc bên ngoài uống. Thấy ai mách địa chỉ hay, ti vi hay trang mạng quảng cáo những bài thuốc tốt chữa bệnh Gút, tôi lại mua dùng thử nhưng bệnh chẳng đỡ. Vừa rồi chân tay sưng đau nhức không ăn ngủ được, bị sốt và chảy nhiều mủ, tôi được vợ con đưa đến viện cấp cứu. Điều trị 10 ngày tại Khoa Lão Khoa – Cơ xương khớp, được các bác sĩ và y tá chăm sóc tận tình, tiêm truyền thuốc kháng sinh cho, tôi thấy đỡ sưng đau hơn rồi”. - ông Đồng Văn Đãi nói.
Đánh giá về tình trạng của Bệnh nhân Đồng Văn Đãi, Bác sĩ Hoàng Thu Hà – Khoa Lão Khoa – Cơ xương khớp, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết: “Trường hợp của bệnh nhân Đãi bị biến chứng nặng nề của Gút và gặp nhiều tác dụng phụ của các thuốc đông tây y. Bệnh nhân phải chịu nhiều đau đớn, đi lại khó khăn, mất thẩm mỹ, biến dạng khớp làm ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày…Việc điều trị bệnh Gút có quy trình thải axi uric nhưng do bệnh nhân sử dụng nhiều loại thuốc không đúng cách, không rõ nguồn gốc làm axit uric không thải đi được mà còn tăng lắng đọng thêm vào các khớp. Vì vậy, quá trình điều trị khó khăn hơn khi các loại thuốc thông thường không còn hiệu quả, không thể phục hồi nguyên vẹn hình thể ban đầu cho bệnh nhân mà chỉ có thể điều trị đợt cấp và các triệu trứng kèm theo tác dụng phụ của thuốc”.
Trường hợp khác là Bệnh nhân Mai T. T (1960) vào viện trong tình trạng đau vùng vai gớt, đau các khớp ngón tay 2 bên, sưng nóng đỏ, có cứng cơ lạnh cột sộng, nhiều mặt tophi mặt duỗi các khớp. Bệnh nhân được bác sĩ chẩn đoán Gút mạn đợt cấp. “Tôi bị Gout đã 10 năm nay. Mỗi lần bị tái phát không đi bệnh viện khám lại mà mang đơn thuốc cũ ra dùng, kết hợp dùng thêm một số loại thuốc mua ngoài. Gần đây ở nhà chân tay sưng to, đỏ tấy, đau nhiều quá, không thể đi lại, tôi quyết định đến viện khám. Sau khi được điều trị tại khoa tôi thấy đỡ đau nhức hơn nhiều, có thể đi lại mà không cần người nhà hỗ trợ nữa” – Ông Mai T.T chia sẻ.
Bác sĩ Khoa Lão Khoa - Cơ xương khớp Bệnh viện Bãi Cháy thăm khám cho bệnh nhân
Theo bác sĩ Nguyễn Tường Vân – Trưởng Khoa Lão khoa – Cơ xương khớp, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết: “Bệnh nhân mới bị Gút có thể đau dữ dội hoặc tự khỏi sau 2-3 ngày, càng về sau các đợt Gút kéo dài hơn, bắt buộc phải sử dụng thuốc. Tuy nhiên do tính chất phổ biến của bệnh mà người bệnh thường tự ý mua thuốc ở quầy dược hoặc từ lời giới thiệu của người xung quanh. Trong khi đó thuốc Gút trong dân gian lại rất đa dạng, bao gồm đông tây y dưới dạng viên nén, thuốc lá, dạng bột…không rõ nguồn gốc xuất xứ. Những loại thuốc này có thể giúp giảm đau nhanh chóng nhưng tác dụng phụ lại không lường trước được và không phải người bán thuốc nào cũng nắm rõ. Bệnh Gút nếu điều trị không đúng thuốc, đúng cách sẽ khiến cơn Gút tái phát nhanh, làm cho người bệnh liên phải dùng thuốc liên tục, đối mặt với một loạt biến chứng do tác dụng phụ của thuốc như: biến dạng các khớp, nổi hạt tophi, khuôn mặt cushing (mặt to tròn, da căng bóng mọng, chân tay teo), loãng xương, loét tiêu hóa, tăng huyết áp, suy tuyến thượng thận, vận động các khớp khó khăn, nặng hơn có thể tàn phế…
Bệnh Gút là bệnh lý do rối loạn chuyển hóa không thể điều trị khỏi nhưng nếu bệnh nhân được khám, dùng thuốc đúng cách thì sẽ giảm các biến chứng do bệnh và hạn chế tác dụng phụ nguy hiểm của thuốc lên người bệnh. Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo người có bệnh lý xương khớp, bệnh Gút nên đến cơ sở y tế có chuyên khoa cơ xương khớp để được bác sĩ thăm khám, phát hiện sớm, chẩn đoán, theo dõi tình trạng bệnh và sử dụng thuốc điều trị có hiệu quả.
Mạc Thảo