Thầm lặng nghề bác sĩ, kỹ thuật viên xét nghiệm
Để chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh và điều trị hiệu quả, ngoài việc
thăm khám lâm sàng, các bác sĩ phải kết hợp các xét nghiệm và những kỹ thuật y
học cận lâm sàng để chẩn đoán bệnh. Vì vậy, đằng sau thành công của mỗi ca bệnh
là sự đóng góp thầm lặng của các bác sĩ, kỹ thuật viên khối cận lâm sàng.
Tiếp đón bệnh nhân, lấy mẫu bệnh phẩm
xét nghiệm, thực hiện các xét nghiệm thường quy và cấp cứu với số lượt người bệnh
tăng trung bình năm 10-15% là nhiệm vụ chuyên môn được giao của Khoa Huyết học
– hóa sinh, Bệnh viện Bãi Cháy. Bình
quân mỗi ngày, Khoa thực hiện hơn 1500 mẫu xét nghiệm. Hiện nay khoa đã cập nhật và phát triển nhiều kỹ thuật mới, hiện
đại như xét nghiệm huyết đồ - tủy đồ,
xét nghiệm theo dõi, chẩn đoán và điều trị Huyết khối (D-Dimer, Protein S,
Anti-Xa…), xét nghiệm miễn dịch phát hiện bệnh.
Thường xuyên tiếp xúc với mẫu bệnh phẩm
như máu, phân, nước tiểu, đàm, dịch…, nguy cơ lây nhiễm cao, các bác sĩ, kỹ thuật
viên trong Khoa phải rất cẩn thận, tỉ mỉ trong từng khâu làm việc để có thể đưa
ra những kết quả xét nghiệm chuẩn xác và nhanh nhất. Gắn bó hơn 10 năm với công
việc này, BSCKI. Trần Thị Hoa Hiên - Trưởng khoa Xét nghiệm Bệnh viện Bãi Cháy
chia sẻ: “Công việc của chúng tôi không trực tiếp thăm khám cho bệnh nhân nhưng
nó cũng góp một phần vào công tác chẩn đoán, theo dõi điều trị cho bệnh nhân. Rất
nhiều bệnh như đái tháo đường, rối loạn lipit máu, mỡ máu và nhiều loại bệnh
khác chủ yếu dựa vào kết quả xét nghiệm để chẩn đoán chứ không phải kết quả lâm
sàng. Vậy nên mỗi khi phát hiện ra những căn bệnh, hỗ trợ cho chẩn đoán, điều
trị chúng tôi có thêm động lực để gắn bó, tin yêu công việc.”
Là chuyên khoa phụ giúp khoa lâm sàng
trong chuẩn đoán và điều trị, Khoa Giải Phẫu bệnh, Bệnh viện Bãi Cháy có chức
năng tầm soát ung thư sớm như Ung thư đường tiêu hóa, mật, tụy; ung thư đại trực
tràng, ung thư gan, ung thư vú…. Hằng ngày, các bác sĩ, kĩ thuật viên có nhiệm
vụ nghiên cứu về hình thái tế bào học, cấu trúc mô bệnh học của các tổn thương
không u và các tổn thương u. Đối với các tổn thương không u, bác sĩ sẽ nghiên cứu
về hình thái của các mức độ viêm. Các tổn thương u cần phân định tổn thương u
lành tính và u ác tính. Trường hợp u ác, bác sĩ, kĩ thuật phải phân loại, phân
độ để bác sĩ lâm sàng xác định được giai đoạn ung thư. Từ đó hướng đến điều trị
đích trúng tế bào ung thư, góp phần vào nâng cao hiệu quả điều trị. Không trực
tiếp thăm khám, chữa bệnh nhưng công việc lặng của họ đã góp phần phát hiện, đẩy
lùi bệnh tật, kéo dài sự sống cho nhiều ca bệnh nặng.
Bác sĩ CK I Ngọ Ngọc Hiếu - Trưởng
Khoa Giải phẫu bệnh, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết: “Chuyên ngành giải phẫu bệnh
là chuyên ngành chẩn đoán “chuẩn vàng” bệnh ung thư. Mọi khâu công đoạn trong
việc làm ra một tiêu bản, đọc ra một tiêu bản trên kính đòi hỏi cán bộ nhân
viên của Khoa Giải phẫu bệnh phải tỉ mỉ, cẩn thận vì mỗi một sai sót sẽ làm hỏng
lô bệnh phẩm, tiêu bản. Dẫn đến chẩn đoán không chính xác cho bệnh nhân. Là bác
sĩ cận lâm sàng phụ giúp các bác sĩ lâm sàng trong chẩn đoán, điều trị cho bệnh
nhân, đặc biệt là bệnh nhân ung thư thì việc phát hiện bệnh là động lực thúc đẩy
chúng tôi học tập, trau dồi kinh nghiệm, làm việc hiệu quả nhất phục vụ người bệnh.”
Có thể nói, công việc của những Kỹ
thuật viên xét nghiệm y học thường khá thầm lặng. Với mục tiêu tìm ra chính xác
căn nguyên gây bệnh, họ lặng lẽ làm việc, lặng lẽ cống hiến khả năng kinh nghiệm
của bản thân ở trong phòng thí nghiệm. Chị Nguyễn Thị Lan Hạnh - Kỹ Thuật viên trưởng -
Khoa Giải phẫu bệnh, Bệnh viện Bãi Cháy chia sẻ: “Công việc của
chúng tôi có đặc thù riêng là chẩn đoán, xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm từ phòng
khám hoặc từ các khoa, phòng chuyên môn gửi đến. Nó đòi hỏi tỉ mỉ, cẩn thận từ
những khâu nhỏ như cố định bệnh phẩm, chuyển bệnh phẩm, cắt, đúc, nhuộm, đưa ra
tiêu bản cho bác sĩ đọc. Mỗi nghề nghiệp có đặc thù riêng, mặc dù môi trường
làm việc độc hại nhưng càng làm việc mọi người càng yêu nghề, tích cực trau dồi
tay nghề, chuyên môn, kinh nghiệm”.
Xác định sứ mệnh cao cả là chăm sóc,
bảo vệ sức khỏe của nhân dân, dù công tác ở vị trí nào, những người khoác trên
mình chiếc áo Blue trắng đang ngày đêm âm thầm nuôi dưỡng sự sống, giúp người bệnh
chiến đấu với bệnh tật. Hành trình nỗ lực học tập, trau dồi kĩ năng chuyên môn,
y đức của họ đã thắp sáng thêm hy vọng sống, niềm tin vào chất lượng dịch vụ y
tế của tỉnh nhà nơi nhân dân.
Mạc Thảo – Đình Hải